Saturday, April 1, 2023

Người phụ nữ Việt Nam làm gián điệp hai mang

TIN BUỒN.
Vô cùng thương tiếc báo tin cho các thân hữu chị DUNG KRALL , nhủ danh Đặng Mỹ Dung vừa mới qua đời vào lúc 7giờ tối ngày 23 tháng 3 năm 2023 sau một thời gian bạo bệnh.
Chị DUNG KRALL là tác giả của tác phẩm hồi ký A thousand Tears bằng Anh Ngữ hiện có bán trên Amazon. Bản Việt ngữ Ngàn Gịot Lệ Rơi.
Chị là ân nhân của hơn hàng ngàn gia đình người Việt tỵ nạn khi bước chân tới Atlanta, và những vùng phụ cận, Hoa Kỳ.
Chị là một người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu và cản đảm, trung trực đầy nhiệt huyết, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn của người Việt tỵ nạn từ 47 năm nay. Một người phụ nữ ưu tú trong cách đối nhân xử thế.
“Đến khi về chín suối,
Ta xin gửi đá vàng,
Của trăm năm buồn tủi,
Về trả lại nhân gian...”
(Bùi Giáng)
Cầu nguyện cho chị được an nhiên trong cõi Vĩnh Hằng.
Xin phân ưu cùng tang quyến và bạn bè khắp nơi.

Kính bái.
Thân Hữu:
Nguyễn thị Thảo An.
Phan thị Mỹ Hạnh.
Nguyễn thị Thu Hương.
Anh Chị Nguyễn văn Hương
PS. Gia đình không làm tang lễ và tổ chức Viếng Thăm theo di nguyện của chị DUNG KRALL.

********************************************************************************************

Câu chuyện mở đầu

Trong cuốn Ngàn Giọt Lệ Rơi (A Thousand Tears Falling), bà Đặng Mỹ Dung thuật lại cuộc đời và công tác gián điệp của bà. Bà là người con thứ tư trong gia đình 7 anh chị em, 5 gái, 2 trai. Người cha tên Đặng Văn Quang, sau đổi thành Đặng Quang Minh. Bà mẹ tên Trần Thị Phàm. Người cha Đặng Quang Minh là cán bộ cao cấp của Việt Cộng, đã từng làm đại sứ của “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”, ở Liên Xô và một số nước Cộng Sản Đông Âu.

Sau Hiệp định Genève 1954, Đặng Quang Minh và con trai đầu lòng là Đặng Văn Khôi tập kết ra Bắc. Bà mẹ và các con nhất định không đi tập kết vì không ưa chế độ Cộng Sản. Ông Minh không muốn làm áp lực mạnh, vì tin tưởng rằng hai năm sau sẽ trở về đoàn tụ gia đình.

Sau khi học hết chương trình trung học ở trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ, năm 18 tuổi, Mỹ Dung nhận được việc làm ở phòng Tâm lý chiến thuộc Quân đoàn 4, Cần Thơ.         

Bà mẹ bán tiệm may, cùng với mấy chị em dọn về Sài Gòn. Ở Sài Gòn, Mỹ Dung được thu nhận vào làm việc tại Trung tâm BOQ (Bachelor Officers’ Quarter). Ở đây bà gặp và có mối tình với Trung úy Hải Quân John James Krall, tình báo Hải Quân Hoa Kỳ. Sau vụ tấn công Tết Mậu Thân 1968, cả hai về Mỹ, và làm đám cưới tại Monterey, California. Dung được đổi thành Yung và lấy họ của chồng là Krall. Cái tên Yung Krall từ đó.

Năm 1975, John J. Krall chuyển về làm việc ở Hạm đội Thái Bình Dương, do Đề đốc Gaylor làm Tư lệnh. Yung Krall xuất sắc trong vai trò gián điệp đôi, đã phá vỡ hai ổ gián điệp Việt Cộng ở Hoa Kỳ và Pháp.

Trong tựa đề của cuốn Ngàn Giọt Lệ Rơi, cựu Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ,  Griffin Boyette Bell đã viết: “Yung Krall đúng là một công dân Hoa Kỳ vĩ đại. Tôi nhiệt liệt tán dương sự nghiệp của cô đối với đất nước chúng ta”.

Tình nguyện làm gián điệp để di tản gia đình

 Ít ngày trước 30/4/1975, bất ngờ vào một buổi sáng, Yung Krall nhận một cú điện thoại từ Paris của một người Pháp, xưng tên Jean Sagan, bạn thân của cha bà là Đặng Quang Minh, báo tin Miền Nam VN sắp sụp đổ, và hối thúc Yung Krall di tản gấp mẹ và em ra khỏi nước. Yung Krall sực nhớ lại ba năm trước, có nhận được, cũng của kẻ trung gian bí mật này, một bao thơ (không ghi tên người gởi), cũng từ Pháp, chuyển một số hình của Đại sứ Đặng Quang Minh chụp ở Hà Nội chung với Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh.

Chồng của Mỹ Dung là Thiếu tá John J. Krall xin nghỉ phép 30 ngày, tức tốc bay về Việt Nam, vận động với Sứ quán Hoa Kỳ để đưa mẹ vợ và em vợ được sang Mỹ. Theo nguyên tắc, chuyến đi nầy bất hợp pháp, vì Bộ Quốc phòng Mỹ cấm sĩ quan tự ý đến Việt Nam, nếu không có công vụ lịnh của cấp chỉ huy. Việc này làm cho Yung Krall lo âu, không biết việc gì có thể xảy ra cho chồng và gia đình ở Việt Nam. Bà liền nghĩ ra một ý kiến táo bạo, là điện thoại cầu cứu thẳng cho Đề đốc Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương.

Sau một thời gian chờ đợi, khó khăn, Mỹ Dung được nói chuyện với Đề đốc. Bà cho biết chức vụ của cha trong chính quyền Việt Cộng, đồng thời cho biết những nguy cơ của mẹ, kể cả nội dung cuộc điện đàm với người Pháp tên Jean Sagan, về nguy cơ sụp đổ của chính quyền miền Nam. Đề đốc Gaylor liền cho Thiếu tá Hải Quân Dave Smith tiếp xúc với bà để lấy thêm những chi tiết cần thiết. Trong cuộc gặp gỡ này, để được chắc ăn, Mỹ Dung cho biết, bà sẽ tình nguyện phục vụ chính phủ Hoa Kỳ khi nào cần đến.

Tình nguyện của bà có hiệu quả nhanh chóng. Không đầy 24 giờ sau, một nhân viên CIA, mặc thường phục, tên Bob Jantzen đến tận nhà bà, sốt sắng ghi đầy đủ lý lịch của thân nhân bà ở Việt Nam. Bob cũng hứa sẽ thông báo cho Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, cho biết John Krall đang ở Việt Nam. Tham vụ Ngoại giao của Sứ quán Mỹ ở Việt Nam là Grant Ichikawa liên lạc được với chồng bà để sắp xếp mọi việc cho thân nhân của bà. Ngày 10/4/1975, John Krall về Mỹ trước. Vài hôm sau, mẹ và em của bà đến phi trường Honolulu, Hawaii.

Tháng 6 năm 1975, Bob Jantzen cho Mỹ Dung gặp sĩ quan phụ trách công tác là Robert Hall (Rob) là người trực tiếp làm việc với Mỹ Dung, trong những việc như theo dõi công tác, ra chỉ thị, nhận báo cáo, v.v. Rob cử Mỹ Dung theo học khóa huấn luyện ở Langley.

Mỹ Dung gặp cha lần thứ nhất sau 20 năm xa cách

Ngày 20/7/1975, Mỹ Dung vui mừng khi đọc được một bản tin trên tờ báo Japan Times, cho biết ngày 5/8/1975, hai phái đoàn, Hà Nội và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, do Đỗ Xuân Oánh và Đặng Quang Minh hướng dẫn, sẽ đến Tokyo để tham dự Hội nghị Quốc tế, chống bom nguyên tử. Mỹ Dung vui mừng, liền bay qua Nhật với đứa con trai tên Lance, 5 tuổi, để gặp lại cha sau hơn 20 năm nhớ thương. Trong cuộc gặp, Đặng Quang Minh không dám nhận con gái và cháu ngoại, mà bảo là người quen cùng làng. Mỹ Dung đau buồn vì không nói được tiếng Ba đối với người cha vô cùng thương nhớ, mà xưng hô với nhau là bác, cháu.

Khi chia tay, Ông Minh an ủi con gái: “Ba không tìm cách thay đổi con, nhưng xin con cũng đừng dày xéo niềm tin của ba. Nếu con thoải mái với niềm tin của con thì ba cũng hài lòng”.

Mỹ Dung gặp cha lần thứ hai

Giữa tháng 9 năm 1975, khi được biết người cha có chuyến công tác đến Paris, Mỹ Dung làm thủ tục để đưa mẹ (Bà Trần Thị Phàm) sang Pháp để gặp cha. Trước ngày khởi hành, sếp CIA là Jerry Parker tiếp Mỹ Dung tại một nông trại ở Virginia, ông tỏ ý muốn giúp sĩ quan Việt Cộng Đặng Văn Khôi, là anh cả của Mỹ Dung, đào thoát khỏi chính quyền Cộng Sản. Khôi là chuyên viên về tên lửa hướng dẫn (guided missiles) được huấn luyện ở Trung Quốc và Liên Xô. Robert Hall được lịnh qua Paris để theo dõi và giúp đỡ Mỹ Dung.

Tại Paris, bà Trần Thị Phàm vui mừng tràn đầy nước mắt khi gặp lại chồng sau 21 năm xa cách. Những ngày vui ngắn ngủi qua mau, bà Phàm lại đầm đìa nước mắt khi chia tay. Ông Minh lên máy bay Aeroflot về sứ quán của ông ở Liên Xô. Cũng tại Paris, ông Phan Thanh Nam, đại diện Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, đề nghị để cho sinh viên Phạm Gia Thái đưa mẹ con bà Mỹ Dung về ngụ ngôi nhà ở Verrière-la-Buisson, đồng thời làm hướng dẫn viên hai người khách đi thăm Paris. Bà Mỹ Dung khéo léo từ chối, là đã thuê phòng tại khách sạn rồi. Cũng trong lần gặp gỡ nầy, cả ông Đặng Quang Minh và Phan Thanh Nam đều thuyết phục mẹ con bà Mỹ Dung hãy về sống tại Việt Nam.

Đại sứ Việt Cộng Võ Văn Sung mời bà Mỹ Dung đến sứ quán, tỏ ý muốn chồng bà, Thiếu tá John Krall, tiếp xúc làm việc với cha vợ Đặng Quang Minh, giúp Hà Nội. Đồng thời vận động dư luận quần chúng Mỹ đòi Hoa Kỳ phải bồi thường chiến tranh 3.25 tỷ đô la như Tổng thống Richard Nixon đã hứa hồi tháng 2 năm 1973. Võ Văn Sung cũng cho biết, Việt Cộng có một số “cảm tình viên” ở Mỹ, và yêu cầu bà Mỹ Dung tiếp xúc và làm việc với người cầm đầu Hội Việt Kiều Yêu Nước ở San Francisco tên Phan Thanh Nam, ông Nam cũng tuyển mộ Mỹ Dung làm việc cho Cộng Sản để thu lượm tin tức trong chính quyền Hoa Kỳ. Hắn cũng đề nghị Mỹ Dung nên giả vờ như một người chống Cộng. (“You should even pretend that you are anti-communist).

Khi trở về Hawaii, Yung Krall được CIA chỉ thị, cùng chồng dời về sinh sống ở thủ đô Washington, D.C.

Hướng công tác mới là phá vỡ hệ thống gián điệp Cộng Sản ở nước ngoài.

Yung Krall đóng vai trò gián điệp nhị trùng

Đặng Mỹ Dung được bố trí đóng vai gián điệp nhị trùng, một vai trò khá nguy hiểm, là khi có gián điệp nhị trùng của hai bên đụng độ với nhau, nhưng Mỹ Dung vẫn chấp nhận. Vài tháng sau, Mỹ Dung trở qua Paris để bắt liên lạc với Huỳnh Trung Đồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Việt kiều ở Pháp. Mỹ Dung được hướng dẫn đi thăm trụ sở và thư viện, chứa đầy những tài liệu tuyên truyền. Tham dự những buổi học tập của cán bộ, và gặp các phần tử than Cộng Việt-Pháp. Bà cũng được trao những ấn phẩm Anh-Việt để phổ biến ở Hoa Kỳ.

Điều quan trọng là Huỳnh Trung Đồng căn dặn Mỹ Dung phải tiếp xúc với cán bộ Nguyễn Thị Ngọc Thoa ở thủ đô Washington, để phối hợp hoạt động. Ngọc Thoa là người cầm đầu mạng lưới tình báo ở thủ đô Washington. Về Mỹ, khi nghe Mỹ Dung báo cáo, sếp CIA Robert Hall ngăn cản, không cho Mỹ Dung gặp mặt Ngọc Thoa, cho đó là vụ việc của FBI. Sếp CIA hăm dọa, sẽ bãi nhiệm Dung, nếu không tuân lệnh. Cho rằng, không một ai được phép làm việc cùng một lúc với CIA và FBI.

Đối với Mỹ Dung, đó là việc duy nhất mà bà phải làm, và hơn nữa, bà đã bỏ ra nhiều công sức, chỉ còn một vài bước nữa là hoàn tất công việc. Mỹ Dung bướng bỉnh cãi lại, cho rằng bà đã làm việc không ăn lương cho CIA suốt 9 tháng qua, và không có một hợp đồng nào cả, không có một ràng buộc nào cả. Bà không phải là nhân viên chính thức của CIA.

Mỹ Dung nhờ chồng trình vụ việc lên Đề đốc Bobby Inman, Giám đốc Cục Tình báo Hải Quân, mà John Krall là nhân viên của cơ quan này. Vài hôm sau, Đề đốc Inman tiếp xúc với bà. Bà cho biết, việc cần thiết phải làm, là phá vỡ màng lưới gián điệp Việt Cộng ở Hoa Kỳ. Ông Inman hứa sẽ thảo luận với Giám đốc FBI là ông Clarence Kelly.

Vào tháng 6 năm 1976, nhân viên FBI Bill Flesman và nhân viên đặc trách CIA, Bill Reardon được chỉ định cùng làm việc với Mỹ Dung. Từ đó, một điệp vụ có hợp đồng chính thức.

Vụ án gián điệp Đinh Bá Thi và Trương Đình Hùng

Do bức thơ giới thiệu của Huỳnh Trung Đồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Việt Kiều ở Pháp, Mỹ Dung gặp bà Ngọc Thoa một cách dễ dàng, tại một căn gác nhỏ ở địa chỉ đường 18th Street, thủ đô Washington. Địa chỉ nầy là nơi phát hành tài liệu tuyên truyền của Việt Cộng, cũng là nơi phát hành nguyệt san Người Việt Đoàn Kết. Nhờ sự giúp đỡ của LM Trần Tam Tĩnh, Canada, nguyệt san xuất bản 5,000 số mỗi tháng.

Bà Thoa sống rất kín đáo và kham khổ. Có chồng Mỹ là người thiên tả, thân Cộng. Hệ thống hoạt động của bà Thoa gồm những trí thức người Việt thân Cộng ở Mỹ.

Một sinh viên có khả năng và hăng hái hoạt động là Trương Đình Hùng, con của Luật sư Trương Đình Dzu. Bà Mỹ Dung trở thành người “giao liên” chuyển những bao thơ mật của Trương Đình Hùng và của bà Thoa đến Huỳnh Trung Đồng và Nguyễn Ngọc Giao ở Paris. Đương nhiên là những thơ mật đã được copy để lưu hồ sơ. Trong đường dây gián điệp Việt Cộng, bà Mỹ Dung cũng bắt liên lạc được với Nguyễn Văn Lũy, Chủ tịch Hội Việt Kiều Yêu Nước tại San Francisco, và những thành viên khác.

Gặp Đại sứ Việt Cộng Đinh Bá Thi ở trụ sở Liên Hiệp Quốc

Đại sứ Đinh Bá Thi (Thứ hai từ trái).

Cuối năm 1976, bà Dung điện thoại xin đến thăm Đinh Bá Thi, Đại sứ Việt Cộng ở trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York. Ông Thi vui vẻ nhận lời vì đã quen biết với cha bà là Đặng Quang Minh. Mục đích đến thăm là trao một bao thơ mật mà Trương Đình Hùng gởi cho ông. Ông Thi mời bà Dung đến ở tại Sứ quán Hà Nội ở LHQ. Sự việc bất ngờ, ngoài dự liệu. Bà thông báo cho hai sếp CIA và FBI, cho biết, nếu trong 3 ngày mà không có liên lạc, thì có thể gặp nguy hiểm.

Bà Dung cho biết, trong sứ quán, ngoài ông Thi ra, thì chỉ có 4 người. Họ ăn ở chung với nhau. Thường xuyên nghe ngóng thời sự qua 3 cái tivi, và không ai được phép rời New York quá 25 dặm. Tất cả đều nhịn ăn sáng để tiết kiệm. Đó là thời điểm mà người Việt trong nước ăn bo bo hoặc ăn độn với khoai.

Theo bà Mỹ Dung thì ông Thi tánh tình cởi mở, không quá khích. Ông cho biết, vợ ông bịnh nặng ở Việt Nam mà chính phủ không cho xuất ngoại, vì nguyên tắc là nhân viên ngoại giao không có quyền đem gia đình theo, để tránh nạn đào ngũ. Ông Thi buồn rầu nhận định: “Khi một chế độ không mang lại hạnh phúc cho dân và không đưa đất nước tiến tới một tương lai đã hứa hẹn, thì phải thối lui, và tự đặt câu hỏi: Vì sao?” (Trang 312 Hồi ký).

Chiến dịch Operation Magic Dragon của FBI

Trương Đình Hùng bị FBI bắt.

Chiến dịch Operation Magic Dragon (Rồng Ma Thuật) nhằm vào Trương Đình Hùng và Ronald Louis Humphrey.

Kể từ năm 1977, Mỹ Dung bám sát vào Trương Đình Hùng (David Hùng). Hùng không thuận với Nguyễn Văn Lũy, Chủ tịch Hội Việt Kiều Yêu Nước tại San Francisco (HK), nên Hùng nhờ “người giao liên” Mỹ Dung liên lạc thẳng với Phan Thanh Nam, Xử lý Thường vụ đại sứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Ở Paris, và Đại sứ Đinh Bá Thi (LHQ). David Hùng tâm sự với người giao liên, với khả năng và sự ngoại giao rộng rãi, anh ta hy vọng được kết nạp vào Đảng và giao trách nhiệm điều khiển hệ thống tình báo ở Hoa Kỳ.

Trong bức thơ mà Phan Thanh Nam nhờ Mỹ Dung chuyển cho David Hùng, ông Nam viết: “Hoan nghênh chương trình làm việc của anh… đã có khả năng và mánh lới thu thập tin tức…”

Tóm lại, Trương Đình Hùng tự nhận là gián điệp của Việt Cộng, không thể chối cãi được ở tòa án.

Một hôm, David Hùng khoe với Mỹ Dung rằng anh ta “có thể có những gì anh muốn, nhờ một nhân vật “vô ra tự do ở tầng thứ 7 của Bộ Ngoại giao”.

Mỹ Dung liền báo cho Giám đốc FBI là ông Clarence Kelley và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Warren Christopher về vụ việc. Thế là chiến dịch Operation Magic Dragon thành hình.

Bao thơ cuối cùng của người giao liên

Khi Mỹ Dung đến từ giã David Hùng để đi Luân Đôn, bà theo chồng đến nhiệm sở mới, là Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ ở Âu châu. Hùng đưa cho Mỹ Dung một bao thơ đựng tài liệu lấy ở Quốc Hội, trao cho Huỳnh Trung Đồng. Hùng nói: “I ran over the Congress to get a package of that stuff”.

Đó là bức thơ cuối cùng của người giao liên.

Do điệp viên Mỹ Dung thông báo, với sự đồng ý của Tổng thống Jimmy Carter và giấy phép của Bộ trưởng Tư pháp, Griffin Bell, FBI đặt máy thu hình bí mật tại văn phòng của Humphrey ở cơ quan USIA. Và đặt máy nghe lén, micro, tại nhà của David Hùng.

Ngày 31/3/1978, FBI bủa lưới bắt Ronald Humphrey và Trương Đình Hùng.

Trong những bức thơ mà David Hùng nhờ Mỹ Dung chuyển đi, có hai tài liệu mật do Ronald L. Humphrey, nhân viên của cơ quan USIA (US Information Agency). Ông nầy, 46 tuổi, có người vợ Việt Nam tên Kim, bị kẹt ở Việt Nam sau 30/4/1975. Ông trao tài liệu mật để David Trương can thiệp cho vợ ông được sang Mỹ. 

Chứng cớ rõ ràng không thể chối cãi, nên cả hai, David Trương và Humphrey, mỗi người lãnh 15 năm tù. Đinh Bá Thi được hưởng quy chế ngoại giao nên bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ.

Đinh Bá Thi là đại sứ đầu tiên của Việt Cộng ở Liên Hiệp Quốc, mà làm ăn bê bối, mời gián điệp Mỹ vào ở sứ quán mà còn tâm sự “linh tinh vô tổ chức” nhằm bôi bác chế độ, (Thời điểm 1968) nên bị thanh trừng bằng cái chết bất thường vì tai nạn ô tô khi từ Phan Thiết vào Sài Gòn.

Tại tòa án, Humphrey tố cáo David Hùng lừa gạt ông ta. David Hùng không làm gì cả trong việc đưa bà Kim, vợ ông sang Mỹ. Mà do các nhà ngoại giao Thụy Điển, Tây Đức và Hội Hồng Thập Tự Quốc tế can thiệp.

Vài nét tổng quát về Trương Đình Hùng và Trương Đình Dzu

Trương Đình Hùng (David Trương), con của Trương Đình Dzu, sinh ngày 2/9/1945 tại Sài Gòn. Năm 1965, sang Mỹ du học. Ông tỏ ra có cảm tình đặc biệt và ủng hộ chính quyền Hà Nội. Nhiệt liệt ca ngợi Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Ông và một nhóm bạn bè tích cực ca ngợi hai phái đoàn Việt Cộng trong Hội đàm Paris.

Trong vụ án gián điệp năm 1978, Trương Đình Hùng bị kết án 15 năm tù. Ở tù được 7 năm 4 tháng thì được trả tự do với điều kiện là phải ra khỏi nước Mỹ. Năm 1986, ông Hùng và người vợ Mỹ, Carolyn, đến sống ở Hòa Lan. Ông đi nhiều nơi, và sau cùng chết vào ngày 26/6/2014 tại Penang, Malaysia, thọ 69 tuổi.

Cha của Hùng, Luật sư Trương Đình Dzu, sinh ngày 10/11/1917 trong một gia đình giàu có và quyền thế ở Bình Định. Ra Hà Nội học trường Lycée Albert Sarraut, rồi học khoa Luật của Đại học Đông Dương. Năm 1945, Trương Đình Dzu vào Sài Gòn mở tổ hợp luật sư, gồm có Nguyễn Hữu Thọ, sau làm Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, và Trần Văn Khiêm, em của bà Trần Lệ Xuân, vợ của Ngô Đình Nhu.

Năm 1967, ông Dzu ra ứng cử Tổng thống, chạy đua với liên danh Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ. Sau khi thất cử, ông bị bắt về tội hoạt động cho Việt Cộng. Ông Dzu ngồi tù cho đến tháng 4 năm 1975, thì được Tổng thống Trần Văn Hương ký lệnh trả tự do cho ông.

Mỉa mai thay. Năm 1978, con trai ông là Trương Đình Hùng bị tù 15 năm về tội làm gián điệp cho Việt Cộng, thì ở Việt Nam, Trương Đình Dzu bị đi tù cải tạo từ năm 1978 đến năm 1987 (9 năm) vì tội làm gián điệp cho CIA.

Sau khi ra trại, Dzu phải sống trong một thời gian dài trong tình trạng bị quản chế cho đến ngày chết vào năm 1991.

Những lời khen tặng bà Đặng Mỹ Dung

Bà Mỹ Dung được đề cao như: Yung Krall, truly a great American…a genuine American hero. Giáo sư Douglas Pike, thuộc Đại học Berkeley viết: “Yung Krall’s A Thousand Tears Falling is one of the best of this genre”.

Ngày 19/4/1996, tại buổi lễ ở Kennesaw State College, GA, Ủy ban Georgia Author of the Year Committee đã bầu Đặng Mỹ Dung là một trong 45 tác giả đặc sắc nhất của năm. Đại hội toàn quốc Society Daughter of The American Revolution Hoa Kỳ, đã tặng huy chương Danh Dự về thành quả phục vụ cộng đồng và đất nước Hoa Kỳ. Giới lập pháp và hội đoàn Cựu Chiến binh Mỹ cũng thường mời Yung Krall đến trình bày về các vấn đề Việt Nam.

Kết luận

Làm gián điệp xâm nhập vào lòng địch là một vai trò rất nguy hiểm, nhất là gián điệp hai mang.

Người phụ nữ Việt Nam, bà Đặng Mỹ Dung (Yung Krall) đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, rất tài tình. Đã phá vỡ hai ổ gián điệp Việt Cộng, một ở Pháp và một ở Hoa Kỳ. Nhiệm vụ này không có một người Mỹ nào thi hành được cả, vì phải xâm nhập vào các cộng đồng người Việt ở Pháp và ở Hoa Kỳ.

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ,  Griffin Boyette Bell, đã viết: “Yung Krall đúng là một công dân Hoa Kỳ vĩ đại. Tôi nhiệt liệt tán dương sự nghiệp của cô đối với đất nước chúng ta”.

 Trúc Giang MN

(Minnesota, 7/3/2022) / Việt Báo 








Đặng Mỹ Dung tên tiếng Mỹ là Yung Krall, sinh năm 1945 là một cựu điệp viên CIA, cựu đặc vụ FBI gốc Việt và vợ của một sĩ quan hải quân Mỹ[1]. Bà Dung, cũng lại là một liên lạc viên của các cơ quan tình báo Việt Nam ở Mỹ và Paris, là một nhân chứng trong vụ án gián điệp của Trương Đình Hùng.
Tiểu sử
Đặng Mỹ Dung là con gái của Đặng Quang Minh (làm nghề thầy giáo tên thật là Đặng Văn Quang), nguyên đại sứ Việt Cộng (MTDTGPMNVN) tại Nga, có 6 anh em. Năm 1954 khi bà được 9 tuổi thì cha bà tập kết ra Bắc. Mặc dù muốn đưa cả vợ con đi, nhưng vợ không bằng lòng, vì không đồng ý với đường lối làm việc theo Cộng sản của ông, nên ông chỉ đưa người con trai cả là Đặng Văn Khôi đi theo, để vợ và 6 người con ở lại. Bà Dung chỉ gặp lại cha lần đầu tiên vào tháng 8 năm 1975 lúc cha bà đại diện phái đoàn của Mặt trận Giải phóng Miền Nam đi qua Tokyo để dự hội nghị chống bom nguyên tử. Theo bà Dung thì bà bắt đầu làm việc với cơ quan tình báo Mỹ CIA vào tháng 5 năm 1975, để trả ơn cho họ, sau khi nhờ họ giúp má bà ra khỏi Việt Nam[1].
Bà Đặng Mỹ Dung đã cộng tác với CIA và FBI để phá mạng lưới gián điệp Việt Nam hoạt động tại Mỹ thời kỳ 1976-1978[2], đưa đến việc ông Đinh Bá Thi, đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc bị trục xuất. Ronald Humphrey, người cung cấp tài liệu và Trương Đình Hùng, người nhận và chuyển tới phía Việt Nam ở Paris qua bà Dung bị kết án 15 năm tù.
Ngàn Giọt Lệ Rơi
Bà Dung được biết đến nhiều qua cuốn tự truyện Ngàn Giọt Lệ Rơi (tiếng Anh: A Thousand Tears Falling) kể lại hoàn cảnh của một gia đình bị phân chia vì chiến tranh, vì ý thức hệ. Trong lời tựa của cuốn này, cựu Bộ trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ Griffin Boyette Bell viết: "Yung Krall đúng là một công dân Mỹ vĩ đại. Tôi nhiệt liệt tán dương sự nghiệp của cô đối với nước ta, và tôi vui mừng thấy rằng cuối cùng người đọc đã được biết đến câu chuyện của người phụ nữ xuất sắc này. Hy vọng của tôi là cuốn sách này sẽ đóng góp vào quá trình hàn gắn vết thương và xiết chặt tình cảm ở đất nước này và ở Việt Nam." [1]

Youtube Đọc Sách Ngàn Giọt Lệ Rơi

Một câu chuyện thật nhưng ly kỳ như trinh thám về cuộc đời của nữ điệp viên CIA Đặng Mỹ Dung được bà kể lại trong 412 trang sách của cuốn tự truyện A Thousand Tears Falling (Ngàn giọt lệ rơi)

Cuối năm 1995, nhà xuất bản Longstreet Press, Atlanta, Georgia, cho phát hành ấn phẩm ” Ngàn Giọt Lệ Rơi, A Thousand Tears Falling “ của một phụ nữ Việt tên Yung Krall tự Đặng Mỹ Dung , với lời giới thiệu nồng nhiệt của Griffin B. Bell , nguyên Bộ trưởng Tư pháp thời Tổng thống Carter . Quyển tự thuật này, dày 412 trang, khác với tác phẩm ” When Heaven And Earth” về nhiều khía cạnh : tác giả là một phụ nữ thuộc giới trung lưu gốc Cần Thơ , trình độ trên trung học, sinh năm 1946, hoạt động trong ngành tình báo CIA, đồng thời là nhân viên của FBI . Điểm đáng lưu ý: Thân phụ của Yung Krall là Đặng Quang Minh, một thành viên cấp cao trong Đảng CSVN và Đại sứ của Chính phủ Giải Phóng Miền Nam tại Bắc Âu và Liên Sô.

Năm 1968, tác giả lập gia đình với Trung úy phi công Hải quân Mỹ John J. Krall. Sau khi bất chấp hiểm nguy giúp chính quyền Hoa kỳ phá vỡ năm 1978 , mạng lưới tình báo Việt cộng tại Mỹ gồm có Đinh Bá Thi, Trương Đình Hùng và đồng bọn, tác giả từ nhiệm và về sinh sống tại Atlanta . Đương sự đã phải viết thơ khiếu nại thẳng với Đề đốc Stansfield Turner, Giám Đốc CIA, và mặt khác, nhờ Văn phòng Luật sư Quinlan J. Shea Jr , Columbia, Maryland, căn cứ vào Luật Thông tin Tự do, quyết liệt tranh đấu nhiều tháng mới được phép thực hiện quyển hồi ký MNGLR . Cả hai, Griffin Bell và Quinlan Shea, nơi trang 8 và 142 trong sách, đều đề cao Yung Krall như “truly a great American …a genuine American hero”.

Phê bình về các tác phẩm tả thực bi kịch VN, Gs Douglas Pike, thuộc Đại học Berkeley, viết “Yung Krall’s A Thousand Tears Falling is one of the best of this genre, if not the best”. Ngày 19.4.1996, tại buổi lễ ở Kennesaw State College, GA, Ủy ban Georgia Author of the Year Committee đã bầu Đặng Mỹ Dung một trong 45 tác giả đặc sắc nhứt trong năm. Ngày 18 tháng 4 sắp đến, Đại hội toàn quốc Society Daughters of The American Revolution, Hoa kỳ, sẽ tặng cho đương sự tại Hoa Thịnh Đốn huy chương danh dự về thành quả phục vụ cộng đồng và đất nước. Giới Lập pháp và các hội đoàn cựu chiến binh Mỹ cũng thường mời Yung Krall trình bày về vấn đề VN. Để giúp độc giả Việt nhận định về mối nguy nan do hoạt động tình báo của CS Hà-nội tạo ra tại Hoa kỳ, nhứt là đối với cộng đồng di cư chúng ta, tác giả bài này đã phỏng vấn Yung Krall về quyển sách của cô và nhiều chi tiết bên lề. Xin tóm lược sau đây các điểm chính yếu.

Tình phụ tử sâu đậm không hàn gắn nổi những dị biệt chính trị giữa cha con.

17 chương đầu của hồi ký MNGLR dành để trình bày cuộc sống của gia đình tác giả từ 1945 đến 1954 trong chiến khu Nam bộ và từ 1954 đến 1975 trong vùng quốc gia. Thân phụ của Yung Krall xuất thân là một giáo viên, tên thật Đặng Văn Quang, sau đổi thành Đặng Quang Minh, sinh năm 1909 tại Vĩnh Long, tham gia hoạt động cho CS từ lúc 18 tuổi, bị Pháp bắt giam năm 1930 và sau 1940, đày ra Côn đảo cho đến 1945. Thân mẫu của Yung Krall là bà Trần Thị Phàm, có 7 người con, hai trai và năm gái. Yung Krall là người con thứ tư trong gia đình. Trước Hiệp định Genève, Đăng Quang Minh đắc cử Dân biểu CầnThơ trong Quốc hội CS và năm 1954, rút về Bắc Việt để làm việc trong ngành ngoại giao.

Trong 10 năm chống Pháp và Chính phủ quốc gia, Đặng Quang Minh cùng gia đình đổi vùng thường xuyên, từ Ông Dẹo, Ba Ngọn (Cần-thơ) qua Kim Quy, Cảng Chú Hàng (Chương Thiện) để tổ chức kháng chiến. Yung Krall kể lại rằng cha cô lắm lúc vắng mặt nhiều tháng, có lẽ qua Thái-lan mua võ khí, và khi về nhà thì thường phải cải trang ẩn núp để tránh Mật thám Pháp truy lùng. Tại Ông Dẹo, Lê Đức Mai, sau này đổi tên thành Mai Chí Thọ, em ruột của Lê Đức Thọ, thường lui tới với gia đình cô. Cuối 1953, Lê Đức Thọ, từ Hà-nội vào, có đến chủ tọa một phiên nhóm cán bộ tại Cảng Chú Hàng.

Sau Hiệp ước Genève, Đặng Quang Minh tập kết ra Bắc với Khôi, đứa con trai đầu lòng 18 tuổi. Đặng Mỹ Dung – lúc đó vừa lên chín – cùng với mẹ và chị em về tá túc tại nhà ông ngoại ở Long Thạnh, Cần-thơ. Trong gia đình của Dung, các chú và cô đều hoạt động cho CS nhưng mẹ và ông ngoại, thủ cựu, thì lại không chấp nhận xã hội chủ nghĩa bất nhân. Sự dị biệt về lý tưởng, tuy nhiên, không làm sứt mẻ tình thương kính lẫn nhau. Vì biết không thuyết phục nổi vợ con thay đổi lập trường, Đặng Quang Minh không tìm cách gây áp lực quá đáng. Trong suốt cuộc chiến VN, mỗi gia tộc là một thảm cảnh phân chia – hình ảnh chung của đất nước! – với những thân nhân sanh Bắc tử Nam hay trái lại. Gia đình của tác giả MNGLR không phải là một biệt lệ. Trước khi tập kết, Đặng Quang Minh thận trọng cho thủ tiêu tất cả hình ảnh chụp chung với y, lập khai sanh khác cho các con, ghi cha “vô danh” và sửa tờ khai gia đình. Y hứa hai năm sẽ trở lại. Không ngờ hai mươi mốt năm sau, về nơi sinh quán thì gia đình đã bỏ “thiên đường CS” và vĩnh viễn ra đi.

Từ 1954 cho đến ngày Miền Nam sụp đổ, Đặng Mỹ Dung và gia quyến sống lang bạt, hụp lặn trong mọi thử thách vật chất, an ninh và tinh thần. Dung lớn lên như cỏ dại, với mặc cảm ray rứt của một người con không cha, “cha vô danh” mặc dù biết rõ cha còn đó, bên kia vĩ tuyến. Xong Trung học tại trường Phan Thanh Giản Cần-thơ năm 1964, lúc 18 tuổi, Dung liền tìm việc làm để giúp đỡ gia đình. Nhờ xông xáo, xốc vác, kiên nhẫn – và cả may mắn – Dung được Phòng 5 Tâm lý chiến Quân đội VNCH của Đại úy Nguyễn Đạt Thịnh, Vùng 4 Chiến thuật, tuyển vào chân phóng viên. Nơi đây, Dung tập viết lách và thu thập kinh nghiệm về chiến tranh tâm lý. Có một lúc, Dung bị An ninh Quân đội điều tra nhưng mọi việc không đi đến đâu.

Thân mẫu của Dung phải dẹp tiệm may và dời về Sài-gòn sinh sống sau một cơn bịnh nặng. Dung tìm ra được một job kế toán – điện thọai viên tại Đông Nam Á Ấn quán trả lương chết đói. Dung thất vọng, một mình trở lại Cần-thơ xin tái phục vụ tại Phòng Tâm lý chiến cũ. Không đầy một năm sau, Dung nhớ gia đình và thấy tương lai không có triển vọng nên trở lên Sài-gòn, nhờ hai người chị, sẳn làm cho Mỹ, giới thiệu vào giúp việc tại Trung tâm BOQ, Bachelor Officers’ Quarter. Tại đây, Dung gặp Trung úy Hải quân John James Krall và sau vụ tấn công Tết Mậu thân 1968, cả hai rời VN về Monterey, California để làm đám cưới. Lúc đó, hai người chị của Dung đang sống tại Mỹ và ba chị em đã trở thành công giáo. Hải Vân, người em trai của Dung, 21 tuổi, tình nguyện gia nhập Không quân và được Bộ Quốc phòng VNCH gởi tu nghiệp tại Lacland, Texas.

Đầu tháng giêng 1971, Hải Vân tử nạn trong một chuyến bay tập dượt gần Savannah, Georgia. Năm 1973, Yung Krall về thăm gia đình tại Sài-gòn và nhân dịp này, nhận góp phần bảo trợ Cô nhi viện Minh Trí tại Gò-vấp. Đầu 1975, John Krall đổi qua Fleet Weather Central, Hawai. Bất thần một buổi sáng, Yung Krall nhận một cú điện thoại từ Paris của một người Pháp xưng tên Jean Sagan, bạn thân của Đặng Quang Minh, báo tin Miền Nam VN sắp sụp đổ và thúc Yung Krall di tản gấp mẹ và em ra khỏi xứ. Yung Krall sực nhớ lại ba năm trước, có nhận được cũng của kẻ trung gian bí mật này một bao thơ (không ghi tên người gởi), cũng từ Pháp, chuyển một số hình của Đại sứ Đặng Quang Minh chụp ở Hà-nội chung với Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh… và tại Mạc Tư Khoa và Mông Cổ. [3]Tình nguyện làm gián điệp để di tản gia đình. Tái ngộ với cha để chia tay vĩnh viễn

Tình thế nguy kịch sau ngày Ban Mê Thuột và Quảng Trị thất thủ, chị của Yung Krall, kết hôn với một sĩ quan Hoa kỳ tên Wray Allan Hall, không chịu tiết lộ cho chồng biết lai lịch của cha. Thiếu tá John Krall xin nghỉ phép 30 hôm, liều bay cấp bách về Sài-gòn vận động đem nhạc mẫu và em vợ qua Hoa kỳ. Trên nguyên tắc, chuyến ra đi này bất hợp pháp vì lúc đó, Ngũ Giác Đài cấm ngặt sĩ quan Mỹ vào VN nếu không có công vụ lệnh của cấp chỉ huy trực tiếp. Yung Krall sốt ruột vì không biết việc gì xảy ra cho chồng và gia đình tại VN nên nghĩ ra giải pháp táo bạo: điện thoại cầu cứu thẳng với Đề đốc Gaylor, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương.

Sau nhiều khó khăn, Dung được nói chuyện, xác nhận chức vụ của cha, trình bày nguy cơ của mẹ và luôn cả cuộc điện đàm với Jean Sagan. Đề đốc Gaylor liền cho Thiếu tá Hải quân Dave Smith tiếp Dung hỏi thêm chi tiết. Trong lần gặp gở này, để chắc ăn, Dung đánh lá bài chót: cô tình nguyện “cộng tác với chính phủ (HK) nếu và khi nào cần đến” [4]. Đề nghị có hiệu quả mau chóng. Không đầy 24 giờ sau, một nhân viên CIA mặc thường phục, tên Bob Jantzen, đến tận nhà, sốt sắng ghi đầy đủ lý lịch của thân nhân của Yung Krall. Bob cũng hứa thông báo cho Tòa Đại sứ HK tại Sài-gon biết sự hiện diện của John Krall ở VN. Tham vụ ngoại giao Grant Ichikawa, nhờ thế, liên lạc được với John để sắp xếp mọi việc. Ngày 10.4.1975, John Krall yên tâm, trở về Mỹ trước. Vài hôm sau, mẹ và hai em vợ đến an toàn tại phi trường Honolulu.

Đầu tháng 6.1975, Bob Jantzen cho Yung Krall gặp sĩ quan đặc trách , case officer Robert Hall (hay Rob) là người có phận sự trong hệ thống CIA theo dõi công tác, ra chỉ thị và nhận báo cáo. Rob lập một hồ sơ đầy đủ về Yung và đề nghị Yung theo học một khóa huấn luyện tại trung tâm Langley ở Washington. Ngày 20.7.1975, tại Hickam, Yung vui mừng đọc trong báo Japan Times một tin ngắn cho biết ngày 5 tháng 8 , hai phái đoàn Hà-nội và Mặt trận giải phóng Miền Nam do Đỗ Xuân Oánh và Đặng Quang Minh hướng dẫn sẽ tham dự Hội nghị quốc tế chống bom nguyên tử và khinh khí tại Tokyo. Yung, mừng tủi lẫn lộn, liền bay qua Nhựt với đứa con trai Lance, 5 tuổi, để gặp lại cha sau trên 20 năm xa cách.

Có 2 diểm đáng ghi trong cuộc tái ngộ này:

– Đ.Q.Minh nghi quyết đế quốc Mỹ đã âm mưu sát hại con trai là phi công Hải Vân trong phi vụ tại Georgia để trả thù Minh theo CS. Minh không tin lời cải chính của Yung: đây chỉ là tai nạn.

– Trước mặt nhân viên CS, Đ.Q.Minh không dám công nhận con và cháu ngoại. Y giới thiệu họ là “người cùng làng!”. Yung buộc lòng phải đóng trò xưng hô “Bác, Cháu” với cha. Trong những lần nói chuyện riêng với thân sinh về một số vấn đề chính trị, Yung khổ tâm nhận thấy một thế giới chia cách hai người và thổ lộ sự thất vọng. Đ.Q.Minh an ủi khi chia tay: “Ba không tìm cách thay đổi con nhưng xin con đừng dày xéo những xác tín của Ba… Nếu con thoải mái với điều con tin tưởng thì Ba cũng mừng thấy con hài lòng!”. (trang 247, 254, hồi ký).

Trung tuần tháng 9.1975, Yung làm thủ tục đem mẹ qua Paris gặp thân phụ trong dịp ông công tác tại Pháp. Trước ngày khởi hành, sếp CIA Jerry Parker tiếp Yung tại một nông trại Virginia và ngỏ ý muốn giúp sĩ quan VC Đặng Văn Khôi, đào thoát khỏi Bắc Việt. Khôi là anh cả của Yung, chuyên về tên lửa, guided missiles, từng được huấn luyện tại Trung quốc và Liên Sô. Rob được lịnh qua Paris theo dõi việc làm của Yung. Phan Thanh Nam, xử lý thường vụ Tòa Đại sứ GPMN đặt ở 44 Đại lộ Madrid, Neuilly-sur-Seine, chỉ định “sinh viên” Phạm Gia Thái lái xe đưa mẹ con Yung về ngụ tại một ngôi nhà ở Verrières-la-Buisson. Đồng thời, Thái có phận sự làm hướng đạo cho hai người khách. Vì không muốn Thái dò xét hành tung của mình, Yung từ chối, viện lẽ đã thuê phòng tại khách sạn.

Nam được Bắc bộ phủ gài trong MTGPMN. Không để mất thời giờ, vài hôm sau, Nam gặp riêng Yung để tìm hiểu về chức vụ và khả năng chuyên môn của John Krall trong Quân đội HK, đề nghị Krall giúp Hà-nội, khuyến dụ Yung về Mỹ vận động dư luận quần chúng đòi Hoa Thịnh Đốn bồi thường 3,5 tỳ đô cho VN và yêu cầu mẹ Yung – nếu không về Việt Nam – thì ít nữa cũng theo Đs Minh qua Moscow vì Chính phủ Sô Viết “hiến cho vé máy bay Aéroflot miễn phí”. Nam không thuyết phục được thân mẫu của Yung vì bà dư biết chính quyền CS không tha thứ vợ một cán bộ cao cấp từ chối tập kết, bỏ nước ra đi và hơn nữa, gã hai con gái cho “Mỹ ngụy”. Vả chăng, Đs Minh không ngại cho vợ biết điểm này. Những ngày vui mừng tái ngộ qua mau. Mẹ Yung quyết định cho Nam biết dứt khoát bà phải trở về Hoa kỳ để săn sóc gia đình và thoái thác dự buổi cơm do Võ Văn Sung, Đại sứ Bắc Việt, khoản đãi. Bà cảm thấy nhẹ nhỏm khi lên máy bay về HK; vì những hôm chót, nhiều kẻ lạ mặt lui tới nơi địa chỉ cư ngụ, làm bà lo sợ bị bắt cóc.

Võ Văn Sung mời Yung đến sứ quán, tỏ ý muốn Thiếu tá John Krall “tiếp một tay với cha vợ” , cho biết Việt cộng có một số “cảm tình viên” tại Honolulu và đề nghị Yung tiếp xúc làm việc với người cầm đầu Hội Việt Kiều Yêu Nước tại San Francisco. Trở về Hawai, Yung Krall được CIA chỉ thị dời cùng chồng lên thủ đô Washington. Hướng công tác không còn chú trọng đến nạn nhân của CSVN và từ nay, nhắm vào hệ thống chỉ huy CS ở nước ngoài. Yung được bố trí đóng vai trò “gián điệp nhị trùng” để lấy tin. Môt vai trò tế nhị và nguy hiểm mà Yung chấp nhận. Yung trở qua Paris vài tháng sau để bắt liên lạc với Huỳnh Trung Đồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Việt kiều. Trong nhiều tuần lễ, Đồng dẫn Yung viếng trụ sở và thư viện chứa đầy tài liệu tuyên truyền; tham dự những buổi học tập của cán bộ và gặp các phần tử thiên tả Việt-Pháp; và trao cho Yung nhiều ấn phẩm Anh-Việt để phổ biến tại Hoa kỳ. Đặc biệt, Đồng dặn Yung tiếp xúc với cán bộ Nguyễn Thị Ngọc Thoa, người cầm đầu một hệ thống tình báo CS tại Hoa Thịnh Đốn. Sĩ quan đặc trách Rob Hall – khi được thông báo mọi việc – ngăn Yung gặp Thoa vì cho rằng công tác phản gián là phần vụ cảnh sát của FBI, không liên hệ đến CIA chỉ chú trọng về chính trị. Y hăm sẽ bãi nhiệm Yung nếu bất tuân lịnh: không một ai được phép làm việc cùng một lúc với CIA và FBI. Yung bướng bỉnh cãi lại rằng cô làm việc không lương cho CIA từ 9 tháng nay, vì thế không bị ràng buộc bởi hợp đồng nào và cô sẽ nhờ chồng tường trình lên Đề đốc Bobby Inman, Giám đốc Cục Tình báo Hải quân. Lúc đó, John Krall là nhân viên Phòng Liên lạc Quốc ngoại trong cơ quan này. Vài hôm sau, Đề đốc Inman tiếp Yung. Cô trình bày nhu cầu cấp thiết phá vỡ lưới tình báo VC tại HK. Inman hứa sẽ thảo luận với Clarence Kelly, Giám đốc FBI. Tháng 6.1976, nhân viên FBI Bill Fleshman và sĩ quan đặc trách CIA Bill Reardon được chỉ định làm việc với Yung Krall, từ nay một gián điệp có hợp đồng.

Vụ án Đinh Bá Thi, Trương đình Hùng và đồng bọn.

Bức thơ giới thiệu của Huỳnh Trung Đồng giúp Yung Krall gặp Nguyễn Thị Ngọc Thoa dễ dàng tại một căn gác nhỏ ở 18th street N.W., thủ đô Washington. Địa chỉ này là trung tâm phát hành nhiều tài liệu tuyên truyền CS và nguyệt san Người Việt Đoàn Kết mổi tháng in 5000 số, với sự giúp đỡ của LM Trần Tam Tĩnh, Gia Nã Đại. Thoa rất kín đáo, sống kham khổ và có một người chồng Mỹ thiên tả nhưng không ở tại đây. Hệ thống của đương sự gồm có Việt kiều thân Cộng, không đông, có căn bản học thức, phản chiến trong những thập niên 60/70 và hoạt động khá hăng hái. Sinh viên Trương Đình Hùng, con của Ls Trương Đình Dzu, nguyên ứng cử viên Tổng thống chống Thiệu năm 1967, là một trong các người này.

Thoa và Hùng thường nhờ Yung chuyển nhiều bao thơ mật cho Hùynh Trung Đồng và Nguyễn Ngọc Giao ở Paris. Mổi lần, FBI và CIA được Tòa án cho phép chụp ảnh tài liệu để lưu trữ . Tháng 4.1976, nhờ Võ Văn Sung giới thiệu, Yung bắt liên lạc được với Nguyễn Văn Lũy, Chủ tịch Hội Việt kiều Yêu nước tại San Francisco và Lũy cho Yung gặp hai “đồng chí đắc lực” học tại Virginia Tech, Christianburg, VA. Sĩ quan đặc trách Rob Hall được tái chỉ định trở về cộng tác với Yung. Cuối 1976, Yung điện thoại xin đến thăm Đinh Bá Thi, Đại sứ CS tại Liên Hiệp Quốc ở New York với một bao thơ tài liệu của Trường Đình Hùng. Thi vui vẻ nhận lời vì quen thân với Đs Đặng Quang Minh. Chẳng những thế, Thi còn mời Yung Krall đến ở tại Sứ quán. Vì xông vào hang cọp, Yung thông báo trước cho CIA/FBI biết: nếu quá 3 ngày, không nhận được tin, là có chuyện nguy.

Nhân viên sứ quán võn vẹn gồm có Phạm Ngạc, Tham vụ phụ tá; Phạm Dương, chuyên viên kinh tế; Hưng, gác dan kiêm đầu bếp; và Vân, tài xế kiêm vệ sĩ. Tất cả sống chung với nhau, nhịn ăn điểm tâm “để tiết kiệm”, thường xuyên nghe ngóng thời sự trên 3 máy truyền hình và không được phép rời Nữu Ước quá 25 dặm. Theo Yung, Đinh Bá Thi tánh tình cởi mở và không quá khích. Y than vợ đang bịnh nặng ở VN và không được Chính phủ cho xuất ngoại. Nhân viên ngoại giao không có quyền đem theo gia đình để tránh nạn đào ngũ. Thi thông cảm nổi khó khăn thân mẫu của Yung gặp phải nếu trở về VN. Thi buồn rầu nhận định: “Một khi chế độ không đem lại hạnh phúc cho dân và không đưa đất nước tiến tới một tương lai hứa hẹn thì phải thối lui và tự đặt câu hỏi: Vì sao ?” (trang 312, hồi ký).

Sau khi CIA trắc nghiệm bằng máy dò sự thật, polygraph test, theo thủ tục định kỳ, Yung Krall trở lại Paris, tổng hành dinh tình báo VC ở hải ngoại. Mổi chuyến đều có Rob Hall đi kèm, để bảo vệ an ninh và vì lý do nghề nghiệp. Tuy đại diện cho MTGPMN, Phan Thanh Nam thiên hẳn về chủ trương của Hà-nội xúc tiến thống nhứt gấp VN. Nam khuyên Yung không nên lộ diện với Việt kiều cánh tả để dể làm việc mật với y. Nam còn xúi Yung bề ngoài vung vít chống Cộng, để đánh lạc hướng. Yung cũng bị Phòng Nhì Pháp theo dỏi. Phòng thuê của cô tại khách sạn bị lục soát, điện thoại bị ghi âm. Yung phản đối, viên Giám đốc xin lỗi, nói rằng có sự hiểu lầm. Vì tính cách hệ trọng của kỳ công tác này, Yung được gặp Dan Andrew, chỉ huy khu vực của CIA.

Huỳnh Trung Đồng đề nghị Yung đứng ra thành lập một Hội Việt-Mỹ tại HK vì các nhóm Việt kiều Yêu nước ở Hoa Thịnh Đốn, San Francisco và nơi khác chống đối lẩn nhau. Chính Trương Đình Hùng (tự David Trương) nhiều lần khuyên Yung không nên liên hệ với những nhóm “ăn hại” vừa kể. Dù sao, theo Yung, những tổ chức này đã thu được vài kết quả: móc nối với một số trí thức và khoa học gia HK hô hào giúp chính quyền Hà-nội. Gs Edward Cooperman, thuộc Đại học Fullerton, Californie, sáng lập viên của Ủy ban US-VN Science & Technology Committee, là một thí dụ.

Yung xâm nhập vào hoạt động của Ủy ban. Một thời gian sau, xảy ra hai vụ:

– Trần Văn Bé Tư mưu sát hụt KS Trần Khánh Vân, thành viên của Ủy ban nói trên và,
– Sinh viên Lâm Văn Minh hạ sát Cooperman.

Cộng đồng người Việt rất xao động về chuyện thanh toán này. Mặt khác, lúc ở Paris, Yung cũng đã lui tới với vài phần tử trước kia hợp tác với MTGP, nay bất mãn: Ký giả Cao Minh Chiếm và kỷ sư Huỳnh Ngọc Châu, rể và con của Huỳnh Ngọc Nhuận, một triệu phú ở Gia-định từng chứa chấp tại nhà dược sĩ Hồ Thu và nhiều nhân vật kháng chiến. Sau 1975, bà Nhuận bị CS giam cầm và tịch thu tài sản.

Kể từ mùa xuân 1977, Yung bám sát hoạt động của Trương Đình Hùng. Hùng nghịch với Nguyễn Văn Lũy và làm việc thẳng với Phan Thanh Nam (Paris) vả Đinh Bá Thi (New York), đồng thời liên lạc trực tiếp với Hà-nội. Hùng tâm tình với Yung rằng, với khả năng sẵn có và giao thiệp rộng, y mơ ước ngày kia, được “Trung Ương” giao cho trách nhiệm điều khiển “hệ thống thông tin quốc ngoại CS” ở Hoa Kỳ, tương đương với vai trò giám đốc CIA Việt Nam (!). Mộng xa vời, chưa đạt thì xộ khám. Đúng vậy, Yung liền thông báo cho Clarence Kelley, Giám đốc FBI và Thứ trưởng Ngoại giao Warren Christopher hay khi David Trương khoe với cô rằng y “có thể có những gì y muốn”, nhờ nắm được một nhân vật (HK) “vô ra ở tầng thứ 7 của Bộ Ngoại giao” (trang 336, hồi ký). Cuối tháng 4.1977, Huỳnh Trung Đồng, vừa được thu nạp vào đảng CS sau một cuộc víếng thăm Hà-nội, mời Yung Krall qua Paris “để chào” Thủ tướng Phạm Văn Đồng công du tại Pháp. David Trương nhờ Yung trao cho Phan Thanh Nam hai bao thơ “tối mật / tối khẩn”.

Tất nhiên, FBI chụp ảnh tất cả tài liệu bên trong. Huỳnh Trung Đồng niềm nở chào đón Yung ở Paris và giới thiệu với 4 cán bộ VC, trong đó có một phụ nữ tên Vân, nguyên phụ tá của Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị Paris. Tất cả tỏ vẻ vui mừng nhận được tài liệu của T.Đ.Hùng để cho phái đoàn CS Việt nhóm hôm sau với đại diện của Washington về “vấn đề bồi thường chiến tranh”. Giờ chót, không rõ lý do, H.T.Đồng xin Yung đừng đến phi trường Orly đón Thủ tướng Đồng và dự buổi tiêp tân. Tại HK, chiến dịch “Operation Magic Dragon” xúc tiến để tóm trọn gói tổ chức tình báo Việt Cộng. FBI ghi âm được đầy đủ điện đàm giữa T.Đ.Hùng và Ronald Louis Humphrey, một nhân viên của USIA, US Information Agency. Với sự đồng ý của Tổng thống Carter và giấy phép của Bộ trưởng Tư pháp Griffin Bell, FBI đặt máy thu hình bí mật trong văn phòng của Humphrey và bắt quả tang đương sự trộm tài liệu bí mật quốc gia để chuyển cho Hùng. Trong bức thơ riêng do Phan Thanh Nam nhờ Yung đưa cho Hùng, Nam viết: “Hoan nghinh chương trình làm việc của anh… Có những cố gắng lừa đảo và bịp lẫn nhau”. Hùng sống thanh bạch trong một căn phố nhỏ, đầy sách và báo, ở đường F. Street và làm việc trong một tiệm gởi thư tín, đường M Street, Hoa Thịnh Đốn. Khi Yung đến từ giã Hùng để đi Luân Đôn, nhiệm sở mới của chồng chuyển về Bộ Tư lịnh Hải quân HK tại Âu châu, Hùng đưa cho Yung một bì thơ đựng tài liệu “lấy từ Quốc hội” để nhờ trao cho Huỳnh Trung Đồng. Hùng nói: “I ran over to the Congress to get a package of that stuff”. Đây là bao thơ cuối cùng, trước ngày Hùng bị bắt.

Yung Krall thử thi hành một kế hoạch chót trước khi thôi việc với CIA-FBI: thuyết phục thân sinh từ nhiệm và giúp người anh cả là sĩ quan VC Đặng Văn Khôi trốn khỏi VN. CIA tặng cho Khôi 10.000 đô để trang trải chi phí. Yung qua Paris nhờ Đs Võ Văn Sung can thiệp với Bộ Ngoại giao CS cho Đặng Quang Minh đến Pháp gặp vợ, khai đang đau nặng. Sung cho biết đến nay, chính phủ Hà-nội không cho cán bộ nào, dù cao cấp, xuất ngoại vì vấn đề riêng tư. Yung đánh liều gởi hai bức thơ thỉnh nguyện cho Tổng Bí thơ Lê Duẫn và Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh, kèm theo giấy chứng bịnh (giả) của mẹ. Bất ngờ, một thời gian sau, Lai Xuân Chiểu, xử lý thường vụ Tòa Đại sứ VC tại Anh quốc, cho Yung hay Đs Đặng Quang Minh, trong dịp công du tại Moscow, sẽ ghé Luân Đôn. Được thông báo, Rob (CIA) và Bill (FBI) đề nghị Yung hãy khuyên cha xin về hưu và di cư qua Hoa kỳ. Nếu Đặng Quang Minh cương quyết từ chối, họ sẵn sàng giúp tay để tổ chức bắt cóc. Ngày 13.12.1977, Đs Minh đến phi trường Heathrow. Ban ngày, Đs Minh ở tại nhà Yung, chuyện trò và ăn uống với vợ con nhưng ban đêm lại nhứt quyết đòi về ngủ tại phòng của sứ quán dành riêng cho khách. Nói là tuân hành quy tắc chung (của CS !).

Khi nghe Yung năn nỉ về vấn đề xin về hưu để đoàn tụ với gia đình, Đs Minh lắc đầu, trả lời: “Đảng còn cần, không thể trốn nhiệm vụ !”. Đs Minh có vẻ lo sợ. hoảng hốt khi Yung – quá thất vọng – nói đùa: “Con sẽ bắt cóc Ba !”. Cuối cùng, Yung bỏ qua ý định bắt cóc vì biết giải pháp này sẽ vĩnh viễn đốt cháy cuộc đời của cha, chỉ biết có Đảng. Nơi trang 382, Yung Krall chán nản kết luận: “Phải có gì hơn phép mầu mới thắng nổi sự mê tín lý tưởng và lòng chung thủy vô biên của cha tôi đối với chủ trương của ông !”. Mẹ Yung thấy con khổ sở bèn vỗ về: “Không thể thay đổi đất nước và dân Việt bằng cách tố khổ suông CS trước mặt Ba. Đừng hành hạ Ba vì kinh nghiệm đau đớn của con. Không phải chỉ Ba con mà là cả chế độ đã không làm được gì tốt cho dân tộc. Mẹ biết con khổ, con còn trẻ, rồi mọi vết thương sẽ hàn gắn. Ba con không còn thời gian như con “. Khi tiễn cha lên máy bay, Yung cảm động bắt tay từ giã, với lời thú: “Con chống Chính phủ CS. Con không chống Ba !”. Đặng Quang Minh trảlời, lạnh lùng: “Con là con, Ba là Ba. Ba không chịu trách nhiệm về những gì con làm !”. (trang 385-395, hồi ký).

Đây là cuộc hội ngộ chót. Yung Krall quyết định giải nghệ mặc dù về thành quả công tác, Yung được thượng cấp đánh giá như một spy catcher, super spook, superstar spy… CIA tăng nguyệt phí lên 1,200 đô, một giá rẻ mạt, sánh với bao nhiêu công sức và hy sinh !. Tiền không phải là mục tiêu. Yung không thiết tha gì nữa. Cô trả lời Tony Lapham, Cố vấn CIA, và John Martin, Luật sư của Bộ Tư pháp, rằng cô sẵn sàng làm chứng (nhân chứng chính, key witness) khi Tòa xử vụ án gián điệp VC. Quyết định này gây nguy hiểm cho cô và gia đình. Mặt khác, sẽ chấm dứt liên hệ từ nay với CIA và FBI vì cô lộ diện. Nhưng không sao !. Ngày 31.1.1978, FBI bủa lưới bắt Ronald Humphrey, Trương Đình Hùng và đồng bọn. Một số can phạm khác bị truy tố nhưng không bị bắt: Huỳnh Trung Đồng, Phan Thanh Nam, Nguyễn Ngọc Giao và Đinh Bá Thi. Trong hồ sơ, Yung cung khai dưới bí danh Keyseat, ngụ tại 8 Regal Lane, Regent Park, London. Giới truyền thông HK ầm ỉ tung tin về vụ án này. Hùynh Trung Đồng gởi cho Yung Krall một tấm thiệp căn dặn “hãy đề phòng” vì tới giờ chót, y vẫn không ngờ Yung là gián điệp nhị trùng. Mãi đến ngày 17.3.1978, công chúng mới biết được lý lịch thiệt của Keyseat. Yung liền nhận được nhiều thơ nặc danh hăm dọa và sỉ vả là “kẻ phản bội”. CIA cũng không hài lòng vì mất một cộng tác viên đắc lực. Nỗi khổ tâm của Yung là không biết hậu quả gì xảy ra tại VN cho cha và anh ? Tuy nhiên, cô không hối tiếc đã giúp lật tẩy CS phá hoại tại Hoa kỳ, đất dung thân của gia đình cô. Những tâm tư này được gởi gấm trong một hồi ký đầy kỷ niệm và nước mắt: “Một Ngàn Giọt Lệ Rơi” . Yung Krall đã biến các dày xéo của bản thân và đất nước thành môt hành động tích cực để đấu tranh cho dân chủ.

o O o

Trong những lần tiếp xúc riêng, tác giả Yung Krall đã trả lời như sau vài câu hỏi của chúng tôi:

– Ngày 8.7.1978, Humphrey và Trương Đình Hùng bị Tòa phạt mỗi người 15 năm tù ở về tội làm gián điệp. Humphrey có vợ Việt, cưới khi y phục vụ tại VN. Hùng có vợ Mỹ và định cư tại Âu châu sau khi thụ án. Đs Đinh Bá Thi bị trục xuất khỏi HK, chết trong một tai nạn xe hơi (hình như do CS tổ chức vì nghi Thi “chệch hướng” ).

– Đs Đ.Q.Minh là người của Trung ương đảng bộ gài trong MTGPMN nên vẫn tại chức đến ngày qua đời tại Sàigòn năm 1986, vì bịnh đau tim. Chức vụ chót là Cố vấn Bộ Ngoại Giao CS. Có liên lạc với gia đình nhưng tuyệt nhiên không hề đề cập đến vụ án.

– Sau khi Tòa án HK tuyên xử, để đánh lạc hướng dư luận, báo chí CS viết rằng “con của một đảng viên cao cấp CS bị CIA buộc gài bẫy Đs Đinh Bá Thi và con trai của một luật sư trong vụ gián điệp “.

– Tháng 6.1986, hai tháng trước khi cha qua đời, Đặng Văn Khôi, sau nhiều lần vượt biên thất bại, đến định cư tại HK. Hiện sinh sống tại New York bằng nghề dạy guitar.

– Tháng 4.1986, thôi việc với CIA, tác giả Yung Krall, với tư cách riêng, qua Bắc Kinh 2 tuần để viếng Hoàng Văn Hoan, bạn nối khố của Hồ Chí Minh, tị nạn tại Trung Hoa và bị Lê Duẫn xử tử hình khiếm diện. Yung Krall sẽ viết bài tường thuật vụ tiếp xúc hi hữu này.

– Một số tài liệu về vụ án Đinh Bá Thi – Trương Đình Hùng đến nay chưa được giải mật nên không thể ghi vào hồi ký MNGLR.

o O o

Hoa kỳ lập bang giao với Việt Nam là tạo cơ hội cho Hà-nội mở rộng lưới gián điệp tình báo tại Mỹ trong mọi lãnh vực: văn hóa, kinh tế và chính trị. Cách đây một năm, FBI đả phải lên tiếng báo động và kêu gọi cộng đồng Việt giúp tay chận đứng sự xâm nhập. Trên 3 thập niên chiến tranh, xã hội chủ nghĩa tại VN là chất bạch phiến đã ru ngủ và mê hoặc dân chúng nhẹ dạ. Lòng yêu nước thiết tha và mù quáng của họ bị lợi dụng bỉ ổi. Đối với nhiều lớp người, chủ thuyết Mác Lê là một tôn giáo trên mọi tín ngưỡng, luôn luôn chủ trương “tử vì đạo”, chà đạp lý trí và lô-gíc. Chỉ thắc mắc mà thôi, đủ xem như phản bội. Con người CS quy hóa không khác đứa trẻ con bị đóng hộp, lớn lên và chết mòn giữa bốn bức tường thành khóa chặt. Lần hồi, trong tim phổi và linh hồn y, Mác Lê đã thay thế tổ tiên và quê cha đất nước.

Ngày nay, xã hội chủ nghĩa chỉ còn là một lý thuyết rổng tuếch, mất hết hấp lực, hào khí và linh nghiệm. Nhóm cầm quyền tại Bắc bộ phủ bồn chồn và xuýt xoa tìm cách bôi đỏ dậm vá một món đồ cổ đã phai màu và tróc sơn. Tái xích hóa không phải là lối thoát khôn ngoan. Lối thoát là mở mắt nhận thức Dân chủ, Nhân quyền và Kinh tế thị trường đang tiến trong thế giới đổi khác hằng ngày. Sự thực – chỉ có sự thực ! – mới giải thoát. Vì ù lì lẩn tránh sự thực, CS không bao giờ tự giải thoát nổi. Cho đến ngày cuồng phong cách mạng giải thoát và đào thải chúng.

Đọc qua ba bài chỉ trích xã hội chủ nghĩa của Phan Đình Diệu, Trần Độ và Hoàng Hữu Nhơn sẽ thấy ngay những khác biệt giữa một chiến sĩ dân chủ, một thành viên CS hối cải và một cán bộ chưa gột sạch chất nhựa mạc xít. Điều đáng tiếc là trong cả ba, không một ai đặt thẳng vấn đề với Trung ương đảng bộ: tẩy khỏi Hiến pháp điều 4 đề cao độc quyền đàng trị. Chừng nào họ mới dám bước thêm bước quyết định này ?

Yeltsin, một cựu thành viên CS biết quá nhiều, đã khẳng định: “CS không bao giờ thay đổi. Chúng chỉ có thể bị thay thế”.

Jean Francois Revel quả quyết dứt khoát hơn: “Cách duy nhứt để cải lương xã hội chủ nghĩa là xóa bỏ nó đi “[5].

Chú thích:

  1. Đọc Duyên Anh (La Colline Fanta), Dương Thu Hương (Les Paradis Aveugles 1991 và Roman Sans Titre 1992, dịch giả Phan Huy Dương, Arles), Phạm Thị Hoài (La messagère de cristal, 1990, dịch giả Phan Huy Dương, Arles), Nguyển Chí Thiện (Hoa Địa Ngục, The flowers of Hell), dịch giả Nguyễn Ngọc Bích, 1996, Tổ hợp xuất bản Miền Đông HK.
  2. “Le Chagrin de la Guerre”, BẢO NINH, dịch giả Phan Huy Dương, Editions Philippe Picquier, Arles, Pháp, 1994 và “The Sorrow Of War”, BẢO NINH, dịch giả Phan Thanh Hao, Riverhead Books, NY, 1996. “Nổi Buồn Chiến Tranh” của Bảo Ninh được Hội Nhà Văn Hà-nội xuất bản năm 1991, lần đầu tiên dưới tên “Thân Phận Của Tình Yêu”. Giới truyền thông HK đã so sánh tác phẩm này với “All quiet on the Western Front” của đại văn hào Eric Maria Remarque.
  3. Đọc trang 207-209 hồi ký MNGLR. Các hình vừa nêu có in nơi trang 213, 214 và 215 của sách.
  4. “Commander Smith, I want my mother out of VN! I will cooperate with the government if and when I am needed” (trang 221, hồi ký MNGLR).
  5. Đọc “De la réversibilité du communisme” của học giả Pháp Jean Francois Revel đăng trong tạp chí Politique Internationale, số 41, phát hành năm 1988 , Paris.

Lâm Lễ Trinh

Đọc sách Ngàn Giọt Lệ Rơi / Thousand tears falling 

https://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn2nmnmn4n31n343tq83a3q3m3237nvn

Audio Book 

https://www.youtube.com/watch?v=zFQePiAO1iU&t=102s

 - Hồi ký: NGÀN GIỌT LỆ RƠI ( A Thousand Tears Falling )
- Tác giả: YUNG KRALL ĐẶNG MỸ DUNG
- NXB Long Street Spress ở Attlanta - Georgia xuất bản lần thứ nhất năm 1995
- Nguồn: vnthuquan.net/
- Audio Book ( xx Tập ) do DĐHM thực hiện năm 2014
- Quản Thủ Thư Viện Audio Book DĐHM: Dịch giả QUỐC THÂN
- Kỹ thuật nhạc đệm: DHN
- Người đọc: Hiền Dũng


CUỘC PHỎNG VẤN CỦA ĐÀI VOA & TÁC GIẢ.-

- VOA: Thưa bà Mỹ Dung, bà có thể kể lại về hoàn cảnh Ba, Má bà gặp nhau được không ạ?

- Mỹ Dung: Anh với em của Má tôi ngày xưa là những người chống Pháp. Họ đã giới thiệu cho Má một người mà họ gọi là đồng chí Việt Minh với nhau. Về tới nhà thì bạn của mấy cậu rất thích Má tôi, sau đó thì người bạn đó, là ba tôi sau này, hỏi cưới má tôi.

- VOA: Bà có kể rằng cha bà đã rời bỏ ngôi nhà thân yêu để tham gia cuộc chiến tranh và ông đã theo phía Cộng sản khi ông tham gia Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Vậy khi đó bà bao nhiêu tuổi?

- Mỹ Dung: Năm 1954, lúc chia đôi đất nước, rồi ngoài Hà Nội đi vô trong nam thì trong lúc đó Ba tôi đã đi theo Cộng sản rồi. Khi Ba tôi đi tập kết là lúc tôi 9 tuổi.

- VOA: Khi mà một người tin vào một ý thức hệ nào đó thì người đó chắc hẳn phải có lý do, hay động cơ riêng của họ để làm như vậy. Vậy cha bà có bao giờ kể hay nói cho bà hay các con cái của mình về lý tưởng, hay là về lý do mà ông theo phía Cộng sản không, thưa bà?

- Mỹ Dung: Dạ thưa không. Lúc đó cái danh từ cộng sản ít khi nào được nhắc tới trong gia đình tôi, tại vì từ năm 17 tuổi đến năm ngoài 40 tuổi thì Ba tôi đi theo Việt Minh để chống Pháp. Đến năm 1954, khi Việt Minh thắng Pháp, từ đó trong gia đình mới rõ là Ba tôi đi theo Cộng sản vì Ba tôi báo cho gia đình biết là Ba tôi sẽ đi ra ngoài bắc tập kết để tổ chức hòa bình vĩnh cửu hơn. Đó là theo lời những người đi tập kết, vì trong gia đình tôi nhiều người đi tập kết lắm.

- VOA: Còn Má của bà lại là một người chống Cộng sản phải không ạ? Bà có được biết tại sao Má mình lại phản đối lý tưởng của Cha mình hay không?

- Mỹ Dung: Khi mà Ba tôi đi theo Việt Minh thì ba tôi đưa tất cả vợ con đi theo vô trong bưng biền để hoạt động, có cả ông Lê Duẩn và ông Lê Đức Thọ cũng vô gặp Ba tôi. Qua cái đời sống của những người ở trong bưng, thì Má tôi nhận thấy là khi đồng chí của Ba tôi đi tới đâu thì họ cũng lấy nhà, lấy đất của dân chúng để làm nhà ở và làm cơ quan, Má tôi bất đồng với Ba tôi nhiều lắm. Lúc nhỏ tôi không hiểu tại sao Ba, Má ban đêm hay cãi lộn, nhưng sau này các chị mới nói là vì Má không có đồng ý với đường lối làm việc bí mật của Ba tôi.

Ba tôi có 2 tổ chức, một là Việt Minh, hai là tổ chức của những người Việt Minh sau khi bị Tây bỏ tù ở Côn Đảo 5 năm thì họ bí mật đi theo Cộng sản. Từ đó Má tôi không bằng lòng với chế độ của Cộng sản, với đường lối và cách tổ chức của người Cộng sản. Má tôi không ngấm ngầm mà luôn ra mặt cho Ba tôi biết là Má tôi không chấp nhận cái đường lối làm việc theo Cộng sản của Ba tôi.

Lúc Ba tôi đi tập kết, Ba muốn đem Má và 7 đứa con theo, nhưng mà Má tôi không đi. Má tôi nói là “Anh đi đi, chừng nào anh sáng con mắt của anh ra thì anh trở về”, nhưng Ba tôi đi đến 20 năm Ba tôi mới về.
- VOA: Là một người con, khi mà Ba và Má có hai niềm tin khác nhau, hai ý thức hệ khác nhau và khi mà cha bà quyết định xa gia đình để cống hiến cuộc đời mình cho lý tưởng của ông, thì chắc hẳn trong bà nó có một sự giằng có và một lựa chọn khó khăn khi phải quyết định theo Ba hay theo Má phải không thưa bà?

- Mỹ Dung: Dạ không, tại vì thật ra trong đời sống trong bưng, thì ba đi vắng nhà nhiều lắm, thành ra Má ở nhà nuôi 7 đứa con một mình với cái nghề may vá. Một tháng Ba có thể đi một tuần, hoặc là ở nhà hai, ba tháng rồi đi vắng một tháng nữa. Trong gia đình của tôi, chuyện Mẹ nuôi con một mình là chuyện tự nhiên. Thành thử, lúc mà Ba đi thì nó không có giằng co gì hết về sự quyết định của Má ở lại, nhưng mà sự đau khổ nhất của con cái và Má tôi là Ba đi vắng nhà. Lúc đó tôi 9 tuổi thì tôi không biết Hà Nội nó bao xa, nó ở đâu, không biết chừng nào Ba tôi mới về, thành ra cái điều đau khổ nhất là sự cô đơn. Tôi nhớ Ba tôi nhiều lắm.

- VOA: Vậy là cho dù là ý thức hệ của bà cũng như Má trái ngược hẳn với của người Cha, nhưng ông ấy vẫn là người Cha của bà, và tình cảm cha, con thì vẫn gắn bó và không có gì chia cắt phải không ạ?

- Mỹ Dung: Dạ phải, Má tôi cũng vậy, hai người hai ý thức hệ mạnh mẽ ghê lắm. Má tôi không theo Cộng sản mà còn chê bai nữa. Khi tôi lớn lên đến tuổi học trung học thì chừng đó mới biết mình cũng khác với Ba mình quá nhiều, mình lại là người chống Cộng sản. Nhưng mà tình thương của cha, con, vợ, chồng thì không bao giờ thay đổi. Bằng chứng là Ba không lấy vợ khác, Má không lấy chồng khác, mà con cái thì luôn quí trọng Ba, nhưng mà trong gia đình luôn nói câu “ước gì Ba không theo Cộng sản”.

- VOA: Kể từ đó Bà có gặp lại cha của mình không, thưa bà?

- Mỹ Dung: Dạ thưa có. Tháng 8 năm 1975, Ba tôi đại diện phái đoàn của Mặt trận Giải phóng Miền Nam đi qua Tokyo để dự hội nghị chống bom nguyên tử thì lúc đó tôi được gặp Ba tôi. Cuộc gặp đó đau lòng lắm. Một mặt tôi là đứa con gái gặp lại cha mình sau 20 năm, một mặt là một người công dân của Việt Nam Cộng hòa đi gặp một ông đại sứ phía bên kia. Nhưng ngược lại thì Ba tôi lại rất vui mừng. Ông là một nhà ngoại giao lão thành, mà lại là một người cha nữa. Ông là người chiến thắng, tôi là người mất nước, thành ra khi gặp tôi, Ba tôi rất vững để cha và con không có nói gì tới chiến tranh, không nói gì về ý thức hệ, nhưng tôi thì mừng rỡ khóc, xong rồi thì tôi nói “chế độ của Ba đã cướp nước của con.” Rồi sau đó thì cãi nhau, nói là cãi nhau nhưng Ba tôi không có cãi gì mà tôi là người tấn công Ba tôi nhiều nhất.

- VOA: Cuộc gặp đó do ai sắp xếp thưa bà?

- Mỹ Dung: Đi ngược lại một chút, hồi tháng 3 năm 1975, biết là Cộng sản sẽ chiếm miền Nam, thành ra tôi có tới nói cho CIA biết là Ba của tôi là ông đại sứ của Mặt trận Giải phóng miền Nam ở Liên Xô, tôi là vợ của một sĩ quan hải quân Mỹ. Tôi xin CIA giúp Má tôi ra khỏi Việt Nam, khi giúp đuợc rồi thì nếu CIA muốn tôi giúp Mỹ thì tôi sẵn sàng trả ơn đó, nhưng họ nói rằng chuyện đó bỏ qua, để giúp Má tôi ra khỏi Việt Nam truớc đã. Khi mà họ giúp Má tôi rồi thì họ có tới gặp tôi, và sau đó chừng đầu tháng 5 tôi bắt đầu liên hệ để làm việc với cơ quan tình báo Mỹ CIA.

- VOA: Còn về cuốn 'Ngàn giọt Lệ rơi' của bà, lời khen hay bình luận nào làm bà cảm thấy hài lòng, hay tự hào nhất về cuốn sách đó thưa bà?

- Mỹ Dung: Rất nhiều người yêu mến cuốn sách của tôi đã nói là: ‘cám ơn chị đã viết cuốn sách này dùm cho tôi. Gia đình tôi ngày xưa cũng có người đi tập kết, nhưng không tiện nói ra.’ Có nhiều ngừơi ở Việt Nam viết thơ nói là: ‘cô viết dùm cho tôi vì tôi ở Việt Nam tôi không có tự do để nói ra những đau khổ của gia đình tôi.’ Tất cả những người trong cuốn sách này vẫn còn sống. Có nhiều nguời viết thơ nói là: ‘à, chị nói nơi chốn đó, chị là hàng xóm của tôi.’ Có người nói ‘ngày xưa ông bố của chị tới cái làng đó ở, chính phủ lấy nhà cho gia đình chị ở, đó là nhà ông nội của tôi.’ Có ngừoi nói ‘ba của chị ở tù Tây chung với tôi.’ Thành ra cái đó là điều tôi rất mừng, quyển sách này viết rất là thật. Tôi là người miền nam, tôi viết không có văn chương nhưng nó đem lại màu sắc, tiếng nói, tâm hồn của người Việt Nam của mình.

- VOA: Xin cảm ơn bà Mỹ Dung đã dành cho đài VOA cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Thưa quí vị, trong lời tựa của cuốn 'Ngàn Giọt Lệ Rơi', cựu Bộ trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ Griffin Boyette Bell viết, xin trích: "Yung Krall đúng là một công dân Mỹ vĩ đại. Tôi nhiệt liệt tán dương sự nghiệp của cô đối với nước ta, và tôi vui mừng thấy rằng cuối cùng người đọc đã được biết đến câu chuyện của người phụ nữ xuất sắc này. Hy vọng của tôi là cuốn sách này sẽ đóng góp vào quá trình hàn gắn vết thương và xiết chặt tình cảm ở đất nước này và ở Việt Nam.”.

MINH ANH thực hiện

ĐÔI DÒNG CỦA NGƯỜI ĐỌC.-

Do không biết chính xác nơi tác giả hiện đang sinh sống, nên chúng tôi không thể liên lạc để xin phép.
Kính mong vì lợi ích mà tác phẩm mang đến cho mọi người Việt đang sống trong nước cũng như đang phiêu bạt ở các nơi trên thế giới.
Xin tác giả lượng thứ cho sự đường đột của chúng tôi khi thực hiện Audio book này.
Chân thành cảm tạ,
Trân trọng.
Hiền Dũng
( Thành viên Audio Book của DĐHM )

LINK MEDIAFIRE ( NGÀN GIỌT LỆ RƠI ).-

- Tập 38end: http://www.mediafire.com/download/aemm8 ... +38end.mp3

 

2 comments:

  1. Trong loạt bài trên đây, có nhắc đến tên một người: Phan Thanh Nam sn:1952.
    Như vậy PTN là con của bà Phan Lương Cầm mà sau này lấy Ô.VV Kiệt, PTN có đưa tin cho biết chổ chôn cất của những người bị bắn rớt máy bay C47 {con Cò trắng} zo Tr/úy Phan Thanh Vân lái, lúc tiếp tế cho Toán nhảy Dù ở miền Bắc.
    Thật sự đây là chuyến tiếp tế của Đại/úy Ng Cao Kỳ, vì NCK đã thả trước và đương nhiên biết địa điễm. Còn PT Vân thì mới từ Hàng Không Dân Sự Pháp chuyển wa KQVN, thì làm sao mà làm Cơ Trưởng được?! (wy tắc trong QĐ bí mật cũng như wy ước là muốn lên Trưởng thì ít ra fải từng theo fụ trên 2 lần Công tác mới có đủ kinh nghiệm, nhưng chuyện này lại "ngoại lệ"? Vậy ai "đì"
    Tr/úy PT Vân vào chổ chết? điều này thì NC Kỳ "nổ" fải biết, vì chuyến Công tác đó là nhiệm vụ của Kỳ "nổ"?!!! Cũng như trong NKT hiện nay vẫn còn.....? hầu hết những điều "bí hiễm" thường xãy ra tại địa điễm trung chuyển.....ĐN?!!!

    ReplyDelete
  2. Hiện nay tại HCQ Mẽo, những thành fần "cò mồi, tráo bài 3 lá" lấy mấy chiếc GMC chở mới đủ! Còn tại Úc, thì ASIO (An Ninh&Tình Báo) chính thức thông báo là đã bắt được 2 Gián điệp {1 là Việt gốc Hoa, hiện đang điều tra vì có liên hệ đến nhiều Viên chức ở Melbourne}.Cuối TK21, QTCS đi đến lụi tàn, nên như ngọn đèn zầu sắp cạn, bùng lên sáng rực rồi....!!! (như Tết MT 68, "vi xi nằm vùng, chui lên khắp nơi; nột số còn mặc đồ Lính VNCH bán tại chợ Dân Sinh Q.2). Sẽ còn nhiều màn hấp zẩn cho năm nay. Wait and see show of vi xi sleeper wake up and slow....slow....slow died!!! đài Mẹ VN rất đau buồn....cho những đứa con của Mẹ, sinh Việt, tưữữ Mẽo! {đài Mẹ VN cuối tháng 4/75, đã zi tản và được tái tiếp tế tại đảo Phú Quốc; cho chuyến hành trình cuối cùng rời VN đau buồn! => có 2 chiếc LST Vận tải hạm của HQ Taiwan cũng góp sức chở lương thực và zụng cụ từ Tân Cảng-SG ra đảo PQ tiếp tế zi tản, một thủy thủ trên tàu trước đây cũng đã từng ở Dương Đông; sau theo gđ về Đài Loan và ja nhập HQ Taiwan. Đương nhiên là có SQ HQVN đi theo Tàu, để hướng zẩn cặp bến PQ. Cũng tại đầu cầu tàu PQ, vài ngày trước có Tòa Án QSMT lưu động, đã xữ bắn vài người! STD_SOG, B50/CCS/BMT

    ReplyDelete