Monday, October 10, 2022

Câu chuyện cuối tuần: SƠN TÂY, 1970.

Vào cuối năm 2020, nhân đánh dấu đúng 50 năm kể từ ngày Hoa Kỳ thực hiện cuộc giải cứu tù binh tại nhà tù Sơn Tây không đem lại kết quả, người ta nhìn lại vụ này. Nhân đó, một số chiến sĩ dũng cảm và tinh nhuệ tham gia vụ này cũng được phỏng vấn. Mãi đến tuần trước, chúng tôi mới nhận được trọn bộ hồ sơ về vụ này. Vì nó có tổng cộng hơn 100 trang nên chúng tôi chưa thể lược dịch mà chỉ có thể tóm tắt như sau.
Nửa đêm 20 rạng 21 tháng 11 năm 1970, 106 chiếc phi cơ đủ loại của Hoa Kỳ lần lượt cất cánh từ 6 căn cứ khác nhau. Tất cả đều trực chỉ không phận Bắc Việt. Khoảng 2 giờ 18 phút sáng, có mấy chiếc hạ cánh xuống nhà tù Sơn Tây, cách Hà Nội ngót 40 cây số về phía tây. Những chiến sĩ can trường vả thiện chiến từ phi cơ xông ra nhanh như chớp và tấn công như vũ bão. Mục đích của họ là giải cứu các tù binh Hoa Kỳ đang bị Bắc Việt giam cầm tại đây. Mọi việc diễn ra êm xuôi, đúng theo kế hoạch. Thế nhưng chỉ gần 30 phút sau, tất cả đều lên đường trở về mà không giải cứu được một ai. Lý do là không còn một tù binh nào bị giam giữ tại đó.

Sau khi đã nghiên cứu gần 1 ngàn không ảnh cũng như phân tích các nguồn tin tình báo, đến cuối năm 1968, Cơ Quan Tình Báo của Không Lực Hoa Kỳ (USAF - IU) tin chắc rằng có ít nhất 55 người Mỹ đang bị Bắc Việt giam giữ tại một khu nhà ở Sơn Tây. Sau đó, họ lại thấy Bắc Việt tăng cường việc phòng không chung quanh khu nhà này. Vì vậy nên họ không còn nghi ngờ gì nữa.
Phó Giám Đốc Đặc Trách Kế Hoạch của Bộ Không Quân Hoa Kỳ lúc đó là Tướng James Allen sang gặp Tướng Donald Blackburn là Phụ Tá Đặc Biệt Đặc Trách Phản Gián kiêm Đặc Trách Sứ Mạng Đặc Biệt (SACSA) của Lục Quân Hoa Kỳ. Tướng Blackburn liền gặp trực tiếp Tướng Wheeler, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Hoa Kỳ để trình bày sự việc. Sau đó, Tướng Blackburn đề nghị rằng nên giải cứu những tù binh này.
Tướng Wheeler không trả lời ngay mà chỉ nói rằng sẽ cứu xét. Sau đó, Tướng Wheeler cho thành lập một uỷ ban cứu xét xem việc giải cứu tù binh đang bị giam tại Sơn Tây có thể thành công hay là không.
Một uỷ ban được thành lập ngay sau đó để bắt đầu một cuộc nghiên cứu có mật danh là Polar Circle. Uỷ ban này có 15 người, tất cả đều rất lão luyện. Chỉ sau một thời gian ngắn, họ được biết một cách rất chắc chắn rằng có 61 tù binh Hoa Kỳ đang bị giam giữ tại Sơn Tây. Tình trạng tại đây rất tồi tệ, thiếu thốn mọi bề, và ho bị đối xử rất vô nhân đạo. Họ nghiên cứu tỉ mỉ tất cả các lãnh vực và cuối cùng kết luận rằng nếu một cuộc giải cứu được thực hiện ngay, và vào ban đêm, thì chắc chắn là thành công dễ dàng.

Tính ra, chỉ mới hai tháng kể từ khi Tướng Blackburn gặp Tướng Wheeler, Quân Đội Hoa Kỳ bắt đầu kế hoạch Ivory Coast (Bờ Biển Ngà) để lên kế hoạch giải cứu tù binh tại Sơn Tây, đồng thời xúc tiến việc huấn luyện. Người có toàn quyền trong Ivory Coast là Tướng Không Quân LeRoy Manor. Ông này rất giỏi, và đã từng là kiến trúc sư của mấy kế hoạch giải cứu tù binh trước đó, và đều thành công. Cũng vì sự thành công đó mà lần này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì Bắc Việt tăng cường việc phòng thủ để sẵn sàng đối phó với các toán biệt kích tấn công. Ngoài ra, quanh Sơn Tây còn có các căn cứ đậu đầy chiến đấu cơ Mig, các pháo đội phòng không cũng như các dàn phóng hoả tiễn SAM. Nói tóm lại, Hà Nội chỉ hơn Sơn Tây về mặt phòng không, còn về các mặt khác liên quan đến phòng thủ, Sơn Tây hơn tất cả các nơi khác.
Trước hết, ban khí tượng đề nghị với Tướng Manor như sau. Cuộc giải cứu nên được thực hiện từ ngày 21 đến 25 tháng Mười, hoặc từ ngày 21 đến 25 tháng Mười Một, năm 1970. Lý do là trong hai quãng thời gian này, thời tiết rất tốt và lại có trăng sáng. Tướng Manor đồng ý và cho các cộng sự viên xúc tiến tất cả mọi mặt của kế hoạch.
Quan trọng nhất trong kế hoạch là toán tấn công cảm tử. Việc này, đã cò Đại Tá Arthur Bull Simons đảm trách. Ông này là một con cáo già của Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ. Đại Tá Simons thân hành đến thăm Lực Lượng Đặc Biệt 6 và Lực Lượng Đặc Biệt 7. Tại cả hai nơi, ông đều nói rằng ông cần một số tình nguyện đi vào chỗ chết - đánh địch quân trên đất địch. Kết quả, có gần 300 chàng trai từ trung sĩ đến trung tá tình nguyện. Đại Tá Simons lọc lại, chỉ nhận một nửa.
Cuối cùng, Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) mới được nhập cuộc. Với những chi tiết mà Manor cung cấp cùng với những tin tình báo riêng của họ, CIA lập một trại giam Sơn Tây giả nhưng giống như thật. Trại tù binh giả được nguỵ hoá là Barbara. Đại Tá Simons cùng hơn 100 chàng Biệt Kích tấn công vào Barbara tổng cộng 171 lần rồi Đại Tá Simons mới dám tin rằng không một ai sẽ ngỡ ngàng hay ngập ngừng, hoang mang khi nhảy xuống nhà tù Sơn Tây thật. Ông đặc biệt hài lòng khi thấy tất cả ra tay rất nhanh chóng và chính xác, hạ gục bọn lính canh và giải thoát gần 100 tù binh bị xiềng chân vào giường và các thanh sắt dài.
Trong khi đó thì có mấy chiếc phi cơ thay phiên nhau hạ cánh xuống chiếc hàng không mẫu hạm USS America. Đó là những nhân vật quan trọng mà Tướng Wheeler và Tướng Manor gửi đến để gặp Phó Đô Đốc Frederic Bardshar. Họ đến để bàn với Đô Đốc Barshar về những gì mà chiếc USS America sẽ phải thực hiện.
Theo kế hoạch, trong thời gian các phi cơ thực hiện cuộc giải cứu bay vào không phận Bắc Việt thì rất nhiều phi cơ từ chiếc USS America sẽ cất cánh. Để đánh lừa Bắc Việt, những phi cơ này sẽ bay về nhiều hướng khác nhau. Vì trong thời gian này, Hoa Kỳ đang tạm ngưng dội bom Bắc Việt để đàm phán nên các phi cơ này sẽ không gắn bom. Điều này sẽ khiến Bắc Việt tin rằng Hoa Kỳ đang cho phi cơ đi tìm và cứu những phi hành đoàn Hoa Kỳ lâm nạn trong lúc bay trinh thám.
Ngoài ra, một số phi cơ từ chiếc USS America cũng sẽ bay vòng quanh phi trường Phúc Yên. Những phi cơ này tuy không mang bom nhưng vẫn có hoả tiễn và đại bác. Vì thế nên tất cả những chiếc MIG của Bắc Việt tại phi trường Phúc Yên sẽ không dám cất cánh. Như vậy, Bắc Việt chỉ có thể dùng hoả tiễn để đối phó với những chiếc phi cơ thực hiện cuộc giải cứu.
Chưa hết, việc phi cơ từ chiếc USS America ồ ạt bay vào sẽ khiến Bắc Việt quay hết hệ thống radar ra hướng biển, tức là hướng đông. Trong khi đó, tất cả các phi cơ tham gia cuộc giải cứu sẽ bay đến từ hướng tây.
__________
Ngày 24 tháng Chín 1970, Tướng Manor đến Ngũ Giác Đài gặp Tổng Trưởng Quốc Phòng Melvin Laird. Tướng Manor trình bày rằng mọi việc đã sẵn sàng, và cuộc giải cứu có thể được thực hiện vào ngày 21 tháng Mười. Tổng Trưởng Laird chấp thuận với sự hài lòng rõ rệt. Tuy nhiên, tên Henry Kissinger xen vào. Tên này lúc đó đang là Cố Vấn An Ninh Quốc Gia. Kissinger không đồng ý cho khởi sự vào tháng Mười. Y ta viện dẫn lý do là Tổng Thống Richard Nixon lúc đó không có mặt tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn mà Tổng Thống cần phải được thuyết trình về kế hoạch giải cứu một thời gian ít nhất sáu tuần trước khi khởi sự. Thế là người ta đành phải chọn ngày khởi sự là 21 tháng Mười Một, một ngày trước ngày giỗ Cố Tổng Thống John Kennedy.
Ngày 18 tháng Mười Một 1970, Đại Tá Simons cùng toán Biệt Kích của ông đến Thái Lan. Tại đây, ông chọn lấy 56 người để nhảy xuống đất địch, chia thành ba nhóm.
Nhóm thứ nhất có tên là Blueboy, gồm có 14 người. Đây là nhóm sẽ nhảy xuống bên trong bức tường khu nhà giam.
Nhóm thứ hai có tên Greenleaf, gồm có 22 người. Nhóm này sẽ nhảy xuống bên ngoài bức tường khu nhà giam. Ngay lập tức, họ sẽ dùng thuốc nổ thổi mấy lỗ trên bức tường rồi xông vào bên trong trợ chiến nhóm Blueboy.
Nhóm thứ ba có tên là Redwine, gồm có 20 người. Nhóm này sẽ vây quanh khu nhà giam, bắn gục tất cả những ai can thiệp.
_____________
Cũng vào ngày 18 đó, cơn bão Patsy ập xuống Phi Luật Tân. Các chuyên viên về khí tượng của CIA và Ngũ Giác Đài đều tin rằng nó sẽ đến Việt Nam trong vòng ba ngày. Điều này sẽ gây rất nhiều trở ngại.
Thứ nhất, gió bão sẽ khiến cho việc các phi cơ trên các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đậu ngoài khơi Vịnh Bắc Việt không thể cất cánh để đánh lừa Bắc Việt.
Thứ hai, do ảnh hưởng của Patsy, gió lạnh từ phía nam Trung Hoa Lục Địa sẽ thổi xuống Bắc Việt, chậm nhất là ngày 21, và sẽ gây lạnh cóng mấy ngày liền. Ngoài ra, thời tiết cũng sẽ rất xấu, suong mù dầy đặc vào ban đêm, tầm nhìn bị giới hạn.
Đọc xong các bản báo cáo kèm theo phần đề nghị, Tướng Manor suy nghĩ rất lâu. Ông nghĩ rằng có thể phải trì hoãn giờ hành động ít nhất 5 ngày. Bỗng nhiên, một bản tin khí tượng vào giờ chót được gửi đến. Nó cho biết rằng trước khi gió lạnh từ Hoa Lục thổi xuống, thời tiết tại vùng Sơn Tây lại tốt một cách khác thường. Ngoài ra, suốt ngày 20, biển rất lặng trên toàn Vịnh Bắc Việt.
Chiều ngày 20, một chiếc phi cơ trinh thám và một chiếc chở các dụng cụ đo thời tiết cất cánh và bay mấy vòng. Cả hai đều báo cáo rằng mọi sự tốt đẹp và sẽ tốt đẹp trong thời gian 10 tiếng đồng hồ. Tướng Manor không ngập ngừng, cho khởi sự sớm hơn một ngày, tức là ngày 20 thay vì 21 như Bộ Quốc Phòng đã chấp thuận.
Khoảng 4 giờ chiều, Tướng Manor ra lệnh chuẩn bị lên đường.
---------
Tướng Manor và bộ chỉ huy của ông bay đến Đà Nẵng. Họ ngồi tại Trung Tâm Kiểm Soát Chiến Thuật của Không Lực Hoa Kỳ để ban chỉ thị và theo dõi mọi việc.
Tại Thái Lan, Đại Tá Simons và 55 Biệt Kích của ông rời căn cứ vào lúc 11 giờ 25 khuya. Họ được đưa đến một nơi nào đó, không ai rõ. Tại đây, họ bước lên ba chiếc trực thăng HH-E Jolly Green. Một chiếc chở toán Blueboy do Đại Uý Richard Meadows chỉ huy. Chiếc thứ hai chở toán Greenleaf do chính Đại Tá Simons chỉ huy. Chiếc thứ ba chở toán Redwine do Trung Tá Elliot Sydnor chỉ huy.
Họ mang theo những vũ khí và dụng cụ mà chưa một đơn vị nào trước đó từng có. Đó là M-72, M-60, M-16, CAR-15, M-79, mìn Claymore, lựu đạn, búa, rìu, kìm cán dài để cắt song cửa, cắt đinh, bù-lon, dây kẽm, và xích. Họ còn đem theo cả loại xà-beng rất lạ mắt.
Chiếc trực thăng HH-3E đầu tiên chở Đại Uý Meadows và toán Blueboys hạ cánh bên trong khu trại giam vào lúc 2 giờ 18. Trong vòng chưa đầy một phút, họ bắn hạ không còn một tên lính canh nào.
Chiếc HH-3E thứ hai chở Đại Tá Simons và toán Greenleaf hạ cánh cách khu trại giam một quãng khá xa bởi vì bên trong, Đại Uý Meadows và 13 đồng đội đã làm chủ tình hình. Vậy nên Đại Tá Simons quyết định không thổi thủng bức tường để xông vào bên trong trợ chiến. Thay vào đó, họ tấn công dãy nhà mà trong đó có gần 200 tên lính đang nhớn nhác, chưa biết sự gì xảy ra. Tất cả đều bị bắn gục nhanh chóng. Xong xuôi, họ mới đến khu trại giam.
Toán Redwine được trực thăng thả xuống sau cùng. Vì tất cả đơn vị bảo vệ khu trại giam đã bị toán Greenleaf thanh toán rồi nên Trung Tá Sydnor và các đồng đội không cần lập hàng rào quanh khu trại giam để đối phó nữa. Thay vào đó, họ thổi thủng bức tường và xông vào bên trong để phụ với toán Blueboy giải cứu tù binh.
Gần 40 Biệt Kích lục soát khu trại giam hơn 10 phút. Không thấy một ai ngoài những xác chết bộ đội. Khoảng vài phút sau, biết chắc chắn rằng không còn một chỗ nào mà họ chưa lục soát, Đại Uý Meadows gọi cho Tướng Manor và báo cáo ngắn gọn "Dấu trừ". Rất bình tĩnh, Tướng Manor ra lệnh cho họ lui quân.
Tính từ lúc người lính đầu tiên của toán Blueboy nhảy ra khỏi chiếc trực thăng xuống trại giam cho đến lúc người lính sau cùng của toán Redwine nhảy lên chiếc trực thăng rời trại giam, tổng cộng chỉ có 27 phút. Họ về đến căn cứ tại Thái Lan an toàn vào lúc 4 giờ 28 phút sáng.
Tham gia trực tiếp cuộc giải cứu này gồm có 56 Biệt Kích Quân và và 92 người thuộc các phi hành đoàn điều khiển 28 chiếc phi cơ đủ loại.
Mãi về sau, người Mỹ mới được biết rằng có 65 tù binh bị giam tại Sơn Tây trước đó. Đến ngày 14 tháng Bảy 1970, tất cả được đem đến một nơi khác cách đó gần 25 cây số vì sợ sẽ có bão lụt. Đây là một sơ sót rất đáng trách của CIA và Tình Báo Không Quân Hoa Kỳ.
--------------
Thật ra thì mặc dù bị chỉ trích từ những kẻ muôn đời chỉ biết chỉ trích, cuộc giải cứu tù binh không có kết quả nói trên thật sự đã đem lại hai thành quả rõ ràng.
Thứ nhất, các tù binh Hoa Kỳ bị Bắc Việt giam giữ đã được đối xử đàng hoàng hơn sau vụ đột kích. Tất cả những ai bị biệt giam đều đã được cho về ở chung với các bạn tù như cũ. Kế đến, khẩu phần của tù binh cũng được tốt hơn trước, về phẩm cũng như lượng.
Thứ hai, chiến thuật mà Hoa Kỳ áp dụng trong cuộc giải cứu này rõ ràng là một thành công. Vì thế nên nó đã được rất nhiều nơi nghiên cứu để khi cần, có thể đem ra áp dụng với chút ít sửa đổi cho hợp với hoàn cảnh, địa thế. Chỉ riêng việc nghiên cứu và chuẩn bị, chẳng hạn như Polar Circle và Ivory Coast, cũng rất đáng được đem ra học hỏi và làm theo.
Nói tóm tắt, cuộc giải cứu tù binh Sơn Tây tuy không có kết quả nhưng nó có chỗ đứng trong lịch sử chiến tranh.
Hình đính kèm thứ hai chụp trong thời gian thực tập tại Hoa Kỳ.
Hình thứ nhất là toán Blueboy trên phi cơ đến Sơn Tây.
Hình thứ ba là tranh vẽ tả lại cuộc đột kích tại Sơn Tây.
FB Khiết Nguyễn

No comments:

Post a Comment