Tuesday, October 25, 2022

Nhắn tin Bobby Nguyễn (Nguyễn Văn Việt) Thông Dịch Viên Toán Biệt Kích ASP Chiến Đoàn 1 Xung Kích

Bobby Nguyễn (Nguyễn Văn Việt), anh ấy là Thông dịch viên của RT ASP, 1975 qua Mỹ tình nguyện đi xuống Nicaragua chiến đấu và đã chết chung với 2 người bạn Mỹ vào năm 1978.


TOÁN BIỆT KÍCH ASP
Cuối năm 1967, đoàn Nghiên Cứu Quan Sát (SOG), một đơn vị bao gồn liên quân binh chủng trong quân đội Hoa Kỳ cho chiến tranh ngoại lệ, có bộ chỉ huy trong Saigon, đã tổ chức các cuộc hành quân vượt biên sang đất Lào được hai năm. Các toán biệt kích SOG gọi là “Spike Team” có 12 quân nhân, 3 quân nhân LLĐB/HK và 9 biệt kích quân sắc dân thiểu số ở Việt Nam. Đơn vị SOG đã thực hiện nhiều chuyến hành quân xâm nhập, lấy tin tức, phá hoại, v.v… rất thành công trong năm đầu.
Đến đầu năm 1967, các đơn vị Bắc Việt / VC xâm nhập vào miền nam Việt Nam trên đường mòn HCM đã được báo động, đề phòng các toán biệt kích (đơn vị SOG). Do đó con số tổn thất của đơn vị SOG lên cao.  Càng “nhức đầu” hơn nữa cho các cấp chỉ huy đơn vị SOG, những người soạn thảo kế hoạch hành quân, mức độ xâm nhập người, vũ khí, tiếp vận trên đường mòn HCM gia tăng.
Chính quyền Washington quyết định “đóng cửa” đường biên giới nam Việt Nam, bằng những bãi mìn, hàng rào điện tử. Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara tin tưởng sự xâm nhập của quân đội Bắc Việt vào miền nam sẽ giảm đi. “Bức Tường McNamara” sẽ cung cấp câu trả lời kỹ thuật về việc chống xâm nhập trong cuộc chiến Việt Nam.
Khi phương pháp này được thực hiện, đơn vi SOG sẽ phải đảm nhiệm một phần kế hoạch. Trong mùa thu năm 1967, đơn vị SOG mở thêm hai căn cứ hành quân tiền phương (FOB), để cho các toán biệt kích đem máy dò thám (báo động) vào đặt “lớp bên ngoài” bức tường McNamara. Căn cứ hành quân tiền phương 3 (FOB-3, mới) đặt ở trong trại LLĐB Khe Sanh, căn cứ 4 (FOB-4) nằm trong Ngũ Hành Sơn phiá nam Đà Nẵng. Để cung cấp một số toán biệt kích cho mỗi căn cứ hành quân, một đợt lính LLĐB/HK được tăng cường cho đơn vị SOG trong ba tháng cuối năm 1967.
Căn cứ hành quân tiền phương 4 là nơi các toán biệt kích mới được thành lập và đặt tên theo các loại rắn, một trong những toán biệt kích có tên là Asp, một toán đặc biệt.
Asp được thành lập vào đầu năm 1968, lúc đó các cấp chỉ huy đơn vị SOG nhận thức rằng, một toán biệt kích 12 người, “quá nhiều” khó di chuyển, lẩn tránh địch quân. Kết qủa các toán biệt kích mới sau này chỉ có từ 7 đến 10 người. Toán biệt kích Asp là toán đầu tiên được thành lập theo mô hình mới này. Trưởng toán là Trung Sĩ George “Ron” Brown, Trung Sĩ Alan Boyer đã từng làm trưởng toán biệt kích Boa cũng gia nhập toán cùng với Trung Sĩ Charles Huston và bẩy biệt kích quân Việt Nam (người dân tộc thiểu số).
Điểm đặc biệt nữa về toán Asp, trong tháng Ba năm 1968, đơn vị SOG nhận được một số máy nghe lén điện thoại, một phần trong chương trình danh hiệu Circus Act (Trình Diễn Cirque). Trước đó nhiều toán biệt kích SOG đã xâm nhập đặt máy nghe lén điện thoại kiểu cũ, có thể thâu băng các cuộc nói chuyện của quân đội miền Bắc vài giờ trong ngày. Máy mới trong chương trình Circus Act có thể thâu băng mấy tuần lễ, đơn vị SOG quyết định đem máy mới vào đặt tại một vị trí quan trọng, cách đường mòn HCM 15 cây số, nơi có nhiều binh trạm của quân đội Bắc Việt ở Tchepone trên đất Lào và toán biệt kích Asp được trao cho nhiệm vụ này.
Nhiều đơn vị Bắc Việt đóng quân xung quanh Tchepone, nên toán Asp được thêm một điểm đặc biệt nữa, xâm nhập qua ngã Thái Lan, thay vì phát xuất từ các căn cứ hành quân tiền phương trong miền nam Việt Nam. Chính quyền Thái Lan lúc đó ủng hộ người Hoa Kỳ giúp đỡ miền nam Việt Nam chống cộng sản, nhưng sự hiện diện của các toán biệt kích SOG trên đất Thái Lan làm họ khó chịu. Trước đó ngày 14 tháng Giêng, một phản lực cơ phá sóng radar EB-66 của Không Quân Hoa Kỳ bị rơi ngoài bắc đối diện tỉnh Sam Neua của Lào. Các trực thăng cấp cứu bay đến bị súng cao xạ phòng không Bắc Việt “đuổi về”. Đơn vị đi cứu phi công xin SOG cho hai toán biệt kích xâm nhập vào miền bắc, làm thành phần an ninh khu vực phi cơ bị rơi, cho việc tìm kiếm, cứu phi công.
Việc đầu tiên, hai toán biệt kích được phi cơ vận tải C-130 (biệt phái làm việc với đơn vị SOG, sơn mầu đen, không phù hiệu) đưa qua phi trường Nakhon Phanom bên Thái Lan, Thứ hai, trực thăng Ch-3 thuộc phi đội 20 Cảm Tử cất cánh từ phi trường Udon cũng ở Thái Lan bay lên “bốc” hai toán biệt kích SOG trong phi trường Nhakhon Phanom, rồi bay ngang qua không phận nước Lào đến khu vực phi cơ bị rơi. Trước đó phi đội Cảm Tử đã từng đưa biệt kích quân Việt Nam xâm nhập miền bắc Việt Nam trong chương trình 34A.
Chuyến hành quân cứu phi công bị bắn rơi có danh hiệu “Quạ Già” (Old Crow) diễn tiến đúng theo kế hoạch, yêu cầu của chính quyền Thái Lan, khi chiếc C-130 chở biệt kích SOG đáp xuống phi trường Nakhon Phanom, một xe bus sơn mầu đen sẽ chạy đến đưa hai toán biệt kích đến chỗ mấy chiếc trực thăng CH-3 đang đợi. Sau đó mấy chiếc trực thăng cất cánh ngay tức khắc, để tránh những cặp mắt tò mò.
Hợp đoàn trực thăng bay được khoảng nửa giờ đồng hồ, chuyện không may xẩy ra, một trong số phi công trực thăng, Thiếu Tá Kyron Hall báo cáo dầu hộp số trực thăng của ông ta xuống thấp (bị hở…) nên phải bay trở về Thái Lan đáp khẩn cấp. Hợp đoàn thả biệt kích báo cáo về xin đổi một trực thăng khác để tiếp tục nhiệm vụ. Hai chiếc còn lại cũng bay theo về đáp trên một khoảng đất trống gần một làng yên tĩnh.
Khi trực thăng Thiếu Tá Hall đáp xuống, mở cửa cho toán biệt kích xuống. Những biệt kích quân Việt Nam (người dân tộc thiểu số) vì lẽ gì đó không được biết vấn đề trục trặc kỹ thuật phải bay về, nên họ nhào ra khỏi chiếc trực thăng bắn loạn xạ vào trong xóm làng Thái Lan (như trong ciné). Thiếu Tá phi công James Villotti lên tiếng “Tôi chưa từng thấy người Thái Lan chạy cong đít… Họ cũng nhanh đấy chứ!”
Vài giây sau mấy quân nhân LLĐB/HK mới trấn an được biệt kích quân Việt Nam, ngưng tiếng súng. Thật may, không một người dân Thái Lan nào bị thương. Sau khi có trực thăng thay thế, hợp đoàn trực thăng cùng hai toán biệt kích lên đường, nhưng khi đến khu vực chiếc phản lực EB-66 bị rơi, súng cao xạ phòng không Bắc Việt bắn lên dữ dội làm trực thăng phải quay về.
Khi hai toán biệt kích SOG về đến phi trường Nakhon Phanom để được đưa về Việt Nam trên chiếc C-130, tin tức về chuyện xẩy ra cho xóm làng nhỏ Thái Lan đã đến thủ đô Bangkok. Mặc dầu tòa đại sứ Hoa Kỳ đã xin lỗi, viên chức Thái Lan vẫn cho đó là những hành động “Cao bồi (Cowboy)”, vô kỷ luật của đám lính biệt kích SOG. Họ rất ngại nhưng cũng cho người Hoa Kỳ tiến hành chương trình gắn máy dò thám điện tử Circus Act (xử dụng phi trường Nakhon Phanom).
Đơn vị SOG đã có ít quân nhân làm việc tại phi trường Nakhon Phanom, nhưng họ nằm trong ban có nhiệm vụ trong chương trình 34A, thả biệt kích ra miền bắc, đồ tiếp tế… Toán biệt kích Asp nằm trong chương trình 35, vượt biên qua Lào, Cambodia, nên một toán nhân viên khác được SOG đưa qua Thái Lan để “lo” cho toán biệt kích Asp. Toán “chuyên viên” gồm có: Trung Sĩ Lonnie Wilhite đã từng làm trưởng toán biệt kích New York trên Kontum, Joe Woods đã từng ở trên Kontum, chỉ huy tổng quát là Thiếu Tá Ira Snell, năm trước chỉ huy căn cứ hành quân tiền phương Phú Bài (Huế).
Toán chuyên viên dưới quyền Thiếu Tá Snell đến Thái Lan ngày 27 tháng Ba, toán biệt kích Asp cũng được phi cơ SOG C-130 đưa qua phi trường Nakhon Phanom, rồi cũng một xe bus sơn đen đưa toán biệt kích đến mấy chiếc trực thăng đậu sẵn tại một nơi kín đáo phiá bên kia căn cứ không quân.
Trước khi hợp đoàn trực thăng cất cánh, trưởng toán biệt kích Asp Ron Brown được trao cho dụng cụ đặt máy nghe lén điện thoại đặt trong một vali (trông giống như vali). Toán biệt kích cũng được khuyến cáo “Cả toán lúc nào cũng phải di chuyển luôn luôn”, Trung Sĩ Wilhite nói tiếp “và không nên ở lại chỗ đặt máy”.
Toán biệt kích được đưa vào bãi đáp trong thung lũng Se Samou không gặp trở ngại, và tìm ra vị trí đặt máy nhanh chóng. Thiếu Tá Snell báo cáo về bộ chỉ huy sáng hôm sau, toán biệt kích đã tìm ra được đường giây điện thoại (của quân đội Bắc Việt) và đã đặt máy, đang trên đường trở về (nam Việt Nam). Ông ta nhớ lại “Khi tôi quay trở về Phú Bài, máy nghe lén điện thoại đã thâu băng”.
Chuyến xâm nhập gần như đã thành công, phi đội 20 Cảm Tử lên đường đi triệt xuất (thâu hồi) toán biệt kích. Hai Thiếu Tá không quân Villotti, Jay Oberg lái hai trực thăng CH-3 bay đến bãi đáp, Wilhite linh cảm có chuyện trục trạc xẩy ra “Tôi đã căn dặn họ, không nên di chuyển ra xa khu vực thả xuống, nhưng họ không nghe, chọn điạ điểm khác”
Việc thay đổi này chứng tỏ “tai hại”, khi trực thăng do phi công Oberg lái thả cuộn thang dây xuống, tiếng súng lính Bắc Việt nổ vang từ dưới đất. Mấy biệt kích quân Việt Nam đã leo lên lưng chừng một cách khó khăn vì phải mang theo súng đạn, dụng cụ nặng chĩu trong ba lô, trong khi ba quân nhân LLĐB/HK đúng ở dưới giữ cho thang dây khỏi đưa qua đưa lại, do hơi gió từ dưới bụng trực thăng thổi ra. Từng phút hồi hộp trôi qua, sáu biệt kích Việt Nam chui lọt vào bên trong, người thứ bẩy đã đến lưng chừng, đứng lúc địch quân bắn lên chiếc trực thăng CH-3.
Thiếu Tá Oberg bình tĩnh giữ chiếc trực thăng đứng yên cho Trung Sĩ Boyer leo lên thang dây. Từ bên trong trực thăng, Wilhite chứng kiến những giây phút căng thẳng, lính Bắc Việt đã truy kích đến gần, bắt buộc chiếc trực thăng bắt đầu bay lên cao. “Khi chúng tôi lên được cao độ khoảng 1500 bộ” Wilhite nói tiếp “một bậc thăng gẫy làm cho Boyer rơi xuống”.
Hai phi công bay vòng vòng trên bầu trời, họ có thể nhìn thấy hai quân nhân Hoa Kỳ vẫn còn ở dưới đất, và tiếng súng nổ vang nên cả hai phải quay về căn cứ không quân Nakhon Phanom. Khi Thiếu Tá Oberg đáp xuống, biệt kích quân Việt Nam (người thứ bẩy) vẫn còn đu trên chiếc thang dây.
Nhận được báo cáo, đơn vị SOG thảo kế hoạch cấp cứu ba quân nhân biệt kích Hoa Kỳ trong toán Asp bị kẹt lại. Cùng lúc đó, có sự trùng hợp, một phản lực F-111 (lần đầu tiên tham chiến thả bom miền bắc) của Không Lực Hoa Kỳ bị rơi ngoài bắc, và có dấu hiệu phi công sống sót. Toán biệt kích Boa, một toán biệt kích vẫn còn giữ đội hình 12 người từ căn cứ hành quân 4 (FOB-4, Ngũ Hành Sơn) được cấp tốc đưa đến phi trường Nakhon Phanom. Không may thời tiết nơi miền bắc Việt Nam lúc đó xấu, làm chuyến cấp cứu phi công F-111 không thực hiện được. Khi trời quang đãng, viên phi công đã bị bắt.
Những đám mây đen dầy đặc đó cũng cản trở việc cứu ba quân nhân LLĐB/HK. Nhưng toán biệt kích Boa đã có mặt ở Thái Lan nên cấp chỉ huy SOG quyết định hôm 1 tháng Tư đưa toán Boa vào Tchepone tìm kiếm ba quân nhân Hoa Kỳ trong toán Asp. Trưởng toán biệt kích Boa là Trung Sĩ Charles “Chuck” Feller, anh ta là người có “ân tình” với toán Asp “Khi tôi mới đến Việt Nam tháng Mười Một (1967) trước đó, Al Boyer đã đi cùng với tôi nhiều chuyến trong toán Boa”. Bây giờ Feller đi tìm xác Boyer để đem về.
Khi đặt chân xuống phi trường Nakhon Phanom, Feller linh cảm “có vấn đề”, có điều gì không đúng. Trong những chuyến xâm nhập từ căn cứ hành quân tiền phương ở miền nam Việt Nam, họ thường được trực thăng võ trang bay theo yểm trợ (hợp đoàn trực thăng chuyên đi thả biệt kích xâm nhập). Hỏa lực trực thăng của phi đội 20 Cảm Tử chỉ có khẩu đại liên nơi cửa… và chiếc trực thăng chở toán biệt kích vẫn còn thang dây bị gẫy bậc thang, chưa được thay. Feller yêu cầu phải thay chiếc thang dây ngay lập tức.
Trong buổi sáng hôm đó, toán biệt kích Boa được trực thăng Ch-3 đưa vào Tchepone không gặp trở ngại. Quân biệt kích tìm kiếm trong sáu (6) tiếng đồng hồ vẫn không thấy dấu vết ba quân nhân LLĐB/HK. Trên đường rút ra (điểm để trực thăng đón về, có thể là bãi đáp nhỏ, hoặc thang dây, tùy theo mức độ khẩn cấp) họ bị tấn công và cũng như trường hợp toán Asp, các biệt kích quân toán Boa phải xử dụng thang dây để triệt xuất. Tất cả mọi người “móc” (dùng một loại khóa an toàn, lính biệt kích thường đeo ở dây mang đạn) vào thang dây rồi trực thăng cất cánh nhanh chóng. Lần này cả ba quân nhân Hoa Kỳ đều về đến căn cứ an toàn, duy nhất một biệt kích quân Việt Nam tên Bùi, xạ thủ súng phóng lựu đạn M-79, móc khóa không đúng hay sao đó, bị rơi xuống lúc trực thăng đã lên đến cao độ 6000 bộ. Khi trở về căn cứ hành quân tiền phương 4 (FOB-4), thiếu quân nhân LLĐB/HK, các binh sĩ Việt Nam được chuyển qua các toán biệt kích khác, tên toán biệt kích Asp “chìm” mất trong danh sách các toán biệt kích.
Mùa xuân năm 1968, đơn vị SOG soạn thảo kế hoạch cho các loại hành quân ngoại lệ khác, xử dụng lính Bắc Việt đào ngũ. Một trong những hành quân này có mật danh “Thundercloud”, gồm có toán ba người xâm nhập Lào bắt cóc (bắt sống) tù binh lính chính quy Bắc Việt.
Đại Úy Warren “Bud” Williams, một cấp chỉ huy trong chương trình Thundercloud trang bị một toán biệt kích của ông ta ống chích chứa morphine để tiêm vào người tù binh nhưng toán biệt kích trở về không thành công. Trung Tá Larry Trapp cho biết thêm “Một lần khác họ định đem về một nữ cán binh Bắc Việt, nhưng bị cào cho sước mặt”. Đến cuối tháng Bẩy sau bốn tháng hoạt động, cấp chỉ huy SOG nhận định, toán biệt kích ba người không có hiệu qủa, không đủ sức “đấm” mạnh, và thiếu sự chỉ huy (trưởng toán) của quân nhân LLĐB/HK. Họ quyết định trong tháng Chín 1968, chấm dứt chương trình Thundercloud, gom các biệt kích thành lập toán Asp mới.
Trưởng toán biệt kích Asp “hồi sinh” là Trung Sĩ Mel Westerfield, toán phó là Trung Sĩ Larry Trimble, trước đó hai tháng đã từng làm trưởng toán biệt kích Rattler, ngoài ra có thêm một quân nhân Việt Nam làm thông ngôn Nguyễn Văn Việt, biệt danh “Bobby”.
Toán Asp mới được thành lập đặc biệt từ lính đào ngũ Bắc Việt trong chương trình Thundercloud, nên được trao nhiệm vụ “bắt cóc” một lần nữa. Nguồn tin tình báo cho biết một viên Đại Tá quân đội Bắc Việt sống trong một ngôi làng bên kia biên giới giáp tỉnh Kontum. Toán biệt kích Asp với hai quân nhân LLĐB/HK, Bobby, và bốn biệt kích Thundercloud được đưa lên căn cứ SOG trên Kontum (B15) huấn luyện, nhận diện vị Đại Tá Bắc Việt. Họ cũng đem theo thùng đồ “Thundercloud” bên trong chứa quân phục chính quy Bắc Việt, tiểu liên AK-47 cho mỗi quân nhân trong toán.
Như kế hoạch vạch sẵn, toán biệt kích Asp được trực thăng H-34 phi đoàn 219 Kingbee VNCH đưa đi xâm nhập vào nước Lào, sau đó họ sẽ phải lội rừng thêm hai ngày để đến mục tiêu. Toán biệt kích đến bìa ngôi làng vào lúc xế chiều, bắt đầu thám sát trạm đóng quân (ngôi làng) của địch bằng ống nhòm (kính viễn vọng) từ một khoảng cách an toàn. Toán biệt kích dự định sẽ xâm nhập bí mật vào làng, đến đúng căn nhà vị Đại Tá Bắc Việt đang ở, tiêm morphine cho ông ta mê rồi khiêng đi, nhưng ngôi làng rất yên tĩnh dường như bị bỏ trống. Toán biệt kích đợi đến khi trời sắp tối, di chuyển vào mục tiêu. Trước khi họ đến những căn nhà (như những căn chòi phủ rơm rạ), một lính Bắc Việt đang phát giác nổ súng, và lính Bắc Việt từ trong các căn nhà chạy ra.
Toán biệt kích Asp đang ở trong tình trạng nguy khốn, bị lính Bắc Việt đang kéo ra bao vây. Nhận định tình hình, Trung Sĩ Westerfield trưởng toán muốn ở lại “bám trụ” trong căn nhà chiến đấu, Trimble không đồng ý “Mình phải chạy ra khỏi nơi này”, anh ta nhớ lại “Tôi nói với họ (các biệt kích quân) di chuyển thật nhanh lên một ngọn đồi gần đó trốn trong khi trời tối”.
Chiến thuật “chạy” hiệu qủa. Lính Bắc Việt lục soát trên sườn đồi cả đêm, thỉnh thoảng bắn “bâng quơ” vào các điểm tình nghi có quân biệt kích lẩn trốn. Qua đêm toán biệt kích Asp vô sự, sáng sớm hôm sau họ báo cáo, xin được trực thăng vào “bốc” đêm về. Trực thăng cấp cứu đến thả những sợ dây cấp cứu (Stabo) cho biệt kích “ngồi vào” và khoảng 50 phút sau, toán biệt kích về đến Dak To (căn cứ hành quân tiền phương của SOG). Sau chuyến bắt cóc thất bại, Westerfield mãn nhiệm kỳ về nước, Trung Sĩ Trible được đề cử lên làm trưởng toán, anh ta rất xứng đáng…
Qua ba phần tư (3/4) năm 1969, toán biệt kích Asp hành quân xâm nhập 12 chuyến, làm nhiệm vụ đặt máy nghe lén hoặc dò thám lấy tin tức thành công, trở về bình an vô sự. “Vì sự cấu tạo của toán biệt kích (lính đào ngũ Bắc Việt)”, toán phó (mới) Gene Pugh nhớ lại “Chúng tôi được trao nhiệm vụ xa nhất, cực bắc vùng hoạt động (của đơn vị SOG)”.
Đến mùa thu năm 1969, các quân nhân LLĐB/HK trong toán Asp lần lượt về nước (mãn nhiệm kỳ), các biệt kích quân Việt Nam thay đổi, toán Asp gần như “bất khiển dụng” một thời gian ngắn. Sau đó Đại Úy George “Gary” Robb được thuyên chuyển đến làm trưởng toán biệt kích Asp.
Ngày 26 tháng Mười, Đại Úy Robb được “rửa tội” bằng hỏa lực của địch, khi toán Asp được lệnh vượt biên sang đất Lào đi cấp cứu. Bốn ngày trước đó, một trung đội Khai Thác (Tiếp Ứng - Hornet) đơn vị SOG hành quân bên Lào (thường được trao nhiệm vụ phá hủy binh trạm của địch), lúc được hợp đoàn trực thăng đón về, lính Bắc Việt bắn rơi chiếc trực thăng cuối cùng chở viên sĩ quan trung đội trưởng. Toán biệt kích đang hoạt động gần nhất là toán Idaho đã được lệnh di chuyển đêm đến vị trí chiếc trực thăng bị rơi, bố trí an ninh, băng bó vết thương cho các quân nhân bị thương. Toán biệt kích Asp đến vào sáng sớm hôm sau tiếp tay với toán Idaho, di tản các quân nhân bị thương ra khỏi khu vực.
Trong thời gian cấp cứu, toán biệt kích Asp vẫn chưa được bổ xung thêm hai quân nhân LLĐB/HK nên Đại Úy Robb kiêm luôn chức vụ toán phó và hiệu thính viên (đeo máy truyền tin liên lạc). Điều này không làm sờn lòng viên đại úy trẻ “Từ lúc ban đầu tôi thích chỉ mỗi mình tôi cùng các biệt kích quân Việt Nam”. Lúc đó toán Asp vẫn còn bốn quân nhân Thundercloud nguyên thủy, sau đó được thêm hai người nữa trong đó có một lính Bắc Việt đào ngũ. “Họ mê tín dị đoan, thích con số chẵn”, Robb nói “Nghiã là tôi chỉ đem theo ba người lính biệt kích Việt Nam, tôi nữa là bốn”. Cũng như năm ngoái, toán biệt kích Asp mặc quân phục lính Bắc Việt đem theo tiểu liên AK-47.
Trong vòng một năm, toán biệt kích vẫn may mắn, chỉ bị thương một người. Mỗi chuyến xâm nhập, trung bình toán Asp hoạt động trong lòng địch được bốn ngày (có nhiều toán vừa xuống đã bị lộ, phải triệt xuất). Cũng trong cùng thời gian, hệ thống phòng không Bắc Việt bảo vệ đường mòn HCM được ghi nhận gia tăng kỷ lục. Để khen thưởng, toán biệt kích Asp được chọn trong tháng Chín năm 1970, là toán biệt kích đầu tiên xâm nhập nước Lào bằng phương tiện nhẩy dù. Mặc dầu Đại Úy Robb chỉ thích là một quân nhân Hoa Kỳ duy nhất trong toán biệt kích, chuyến nhẩy dù xâm nhập này có thêm Trung Sĩ Robert Ramsey từ Đà Nẵng và hai quân nhân Việt Nam (bốn người).
Ngày 8 tháng Chín, toán biệt kích Asp lên phi cơ C-130. Nhiệm vụ của họ thám sát khu vực phiá tây vùng phi quân sự chia đôi bắc, nam Việt Nam. Khu vưc này nổi tiếng từ lâu có sự hiện diện đông đảo quân đội Bắc Việt và rất nguy hiểm xâm nhập bằng trực thăng. Các cấp chỉ huy SOG hy vọng việc thả dù với cao độ thấp, sẽ an toàn hơn cho toán Asp.
Khi chiếc C-130 đến không phận mục tiêu khoảng 4 giờ chiều, từ cao độ 400 bộ, toán biệt kích Asp (chỉ có 4 người 2 Hoa Kỳ, 2 Việt Nam) nhẩy dù ra đáp xuống trên đầu ngọn cây vô sự. Khi toán biệt kích gom lại cùng với đồ trang bị, họ biết có chuyện chẳng lành. “Chúng tôi nhẩy dù xuống gần hơn (chưa đến mục tiêu) rồi đáp gần một căn cứ đóng quân của địch” Đại Úy Robb nhớ lại “Họ (lính Bắc Việt) càn quét khu rừng tìm dấu vết chúng tôi từ lúc trời sáng”. Toán biệt kích phản ứng nhanh chóng, xin phi cơ (phản lực Hoa Kỳ) oanh kích dọc theo một rặng núi, đồng thời yêu cầu trực thăng triệt xuất. Khoảng 10 giờ sáng, một trực thăng Lục Quân UH-1 phát xuất từ Quảng Trị bay đến, “câu” bốn biệt kích quân ra về an toàn.
Hai tháng Sau, Đại Úy Robb rời Đà Nẵng, ba trong bốn quân nhân Thundercloud nguyên thủy vẫn còn trong toán, nhưng họ trở nên “lạnh cẳng” sau hai năm trong toán Asp. Sau đó họ xin “giải ngũ”, toán biệt kích Asp lại ra khỏi danh sách.
Đến cuối năm 1970, sáu người dân tộc thiểu số Thái tuyển mộ ở Đà Nẵng. Người Thái sinh sống trong vùng tây bắc miền Bắc, có nhiều người di cư qua Lào sinh sống sau trận chiến tranh Đông Dương với người Pháp. Một trong số sáu người là Lò Văn An đã từng gia nhập đơn vị SOG năm 1966, tuyển mộ từ Vientiane (thủ đô Vạn Tượng, Lào) nhẩy dù xuống miền bắc trong chương trình 34A. Trong năm 1968, SOG chấm dứt chương trình 34A (nằm vùng dài hạn nơi miến bắc Việt Nam), chuyển sang chương trình xâm nhập ngắn hạn do các toán biệt kích Strata đảm trách (34B). Một trong những toán Strata đầu tiên xâm nhập miền bắc vị phân tán, trưởng toán là cha của Lò Văn An bị bắt, riêng Lò Văn An được trực thăng cứu thoát. Sau chuyến xâm nhập đó, Lò Văn An ra khỏi chương trình Strata, đến cuối năm 1970 anh ta cùng với năm người Thái khác trở lại đơn vị SOG, được bổ sung vào toán biệt kích Asp mới được xây dựng lại.
Toán biệt kích Asp mới có Đại Úy Lucius Delk vừa làm trưởng toán, vừa chỉ huy các toán biệt kích khác ở Đà Nẵng. Nhiều sĩ quan cùng cỡ đặt câu hỏi, sao có chuyện này! Ông Bố vợ của Delk, Đại tá Dan Schungel, là người chỉ huy các cuộc hành quân vượt biên (Lào Miên, chương trình 35) trong đơn vị SOG. Đến đầu năm 1971, Đại Tá Schungel thuyên chuyển đi đơn vị khác, Đại Úy Delk cũng ra đi.
Đại Úy Delk chỉ ở với toán Asp một thời gian ngắn, trưởng toán mới của toán biệt kích Asp là Trung Sĩ Klaus Bingham. Đó là chuyến tour thứ hai của Bingham ở Đà Nẵng, trước đó năm 1968,  anh ta phục vụ trong căn cứ hành quân 4. Toán Asp có thêm hai trung sĩ khác là James Luttrell và Lewis Walton.
Tháng Hai năm 1971 là thời gian có sự thay đổi trong các hoạt động của đơn vị SOG ở Đà Nẵng. Trong tháng đó, quân đội VNCH mở cuộc hành quân lớn về  hướng tây (Lam Sơn 719) vào Tchepone trên đất Lào để cắt đứt hệ thống đường mòn HCM, phá hủy các binh trạm, kho tiếp vận của quân đội Bắc Việt ở Lào. Ngoài vấn đề cung cấp không trợ, trực thăng đổ quân, Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc hành quân, không đưa người qua nước Lào (tất cả cố vấn trong các đơn vị VNCH được lệnh ở lại). Một trong những lý do người Hoa Kỳ muốn trắc nghiệm quân đội VNCH tự lực mở các cuộc hành quân cấp lớn (quân đoàn) và để chính quyền Tổng Thống Nixon đưa quân đội Hoa Kỳ về nước.
Theo lệnh chính sách này, đơn vị SOG ngưng các chuyến hành quân xâm nhập vào đất Lào ngoại trừ việc cứu phi công bị bắn rơi. Các toán biệt kích SOG chỉ hoạt động trong miến nam Việt Nam, vùng phi quân sự. Đến tháng Tư, sự thay đổi vùng hoạt động đưa đến việc cho các toán biệt kích trở lại đội hình nguyên thủy 12 người, vì cần hỏa lực hơn giữ yếu tố bí mật.
Mùa xuân 1971, đơn vị SOG tập trung vào việc phát triển đường xá của quân đội Bắc Việt (đường mòn HCM). Công binh Bắc Việt đã xây thêm, kéo dài con đường từ thung lũng A Shau về hướng nam đến thung lũng A Vương tỉnh Quảng Nam. Toán biệt kích Asp được trao nhiệm vụ “điều tra” việc xây dựng đường xá này mà toán biệt kích đã làm nhiều chuyến tương tự từ hai tháng trước.
Sáng sớm ngày 3 tháng Năm, toán biệt kích Asp gồm có 3 LLĐB/HK, 6 biệt kích quân người Thái xâm nhập vào sườn núi hướng tây ngọn Bol Kin, cách biên giới Lào 15 cây số. Ngọn núi Bol Kin cao thứ hai trong điạ phận tỉnh Quảng Nam, khống chế thung lũng A Vương từ hướng nam.
Mười phút sau khi xuống bãi đáp, toán Asp ra dấu hiệu an toàn qua máy truyền tin. Ngày hôm sau, một phi cơ điều không tiền tuyến FAC lên bao vùng khu vực toán biệt kích Asp hoạt động nhưng không nhận được tín hiệu nào phát ra từ máy truyền tin, hoặc từ dưới đất (gương phản chiếu…)
Ngày 5 tháng Năm, mấy phi cơ (FAC, trực thăng…) bay trở lại tìm kiếm dấu vết toán biệt kích Asp. Hai phi công báo cáo trông thấy gương phản chiếu, pano (vải phát ra mầu cam, hoặc xanh chói sáng rất dễ nhận ra từ trên cao) cách vị trí toán biệt kích xâm nhập khoảng 50 thước. Ngay sau đó, hai dáng người trong quân phục mầu xanh đậm được nhìn thấy gần tấm pano. Quay trở về Đà Nẵng vào buổi trưa, chiếc FAC hộ tống một trực thăng khác chở toán biệt kích cấp cứu SOG bay đến chỗ nhìn thấy tấm pano. Khi họ đến, trời đã về chiều, trời u ám sắp đổ một cơn mưa lớn, việc cứu toán biệt kích Asp phải ngừng lại, chỉ còn chiếc FAC bay bao vùng đến 5 giờ chiều.
Ngày hôm sau, một tận mưa bão lớn hơn nữa làm ngưng tất cả mọi việc. Đến ngày 7 tháng Năm, đơn vị SOG cố gắng đưa toán cấp cứu lên đường. Mười trực thăng được xử dụng để đưa (có thể cả trung đội Khai Thác Hornet) vào gần vị trí toán biệt kích Asp xâm nhập từ mấy hôm trước. Khi chiếc trực thăng dẫn đầu bay gần đén bãi đáp, súng đại liên quân Bắc Việt bố trí trên các sườn đồi bắn xối xả vào hợp đoàn trực thăng. Ba trực thăng đổ quân, hai trong số bốn trực thăng võ trang UH-1 Cobra trúng đạn hư hại, hợp đoàn trực thăng phải quay về Đà Nẵng.
Thay thế các trực thăng bị hu hại, đơn vị SOG cố gắng “vào” thêm một lần nữa trong ngày. Lần này, bãi đổ quân được chọn nơi khác có cao độ cao hơn bãi đáp cũ 600 thước. Để tránh đạn phòng không của địch, các phi công bay từ hướng khác vào, tránh những sườn núi có đặt súng. Lúc đó, trời sắp mưa làm cho chuyến hành quân cấp cứu bị ngừng lại.
Một loạt mưa gió tiếp theo làm việc cứu toán biệt kích Asp đình lại. Đến ngày 11 tháng Năm, thời tiết trở nên tốt, và đơn vị SOG không bỏ rơi đồng đội. Hai toán biệt kích SOG mỗi toán 12 người lên đường. Toán thứ nhất Bushmaster, trưởng toán là Eldon Bargewell, đã phục vụ tour thứ hai. Toán thứ hai Connecticut có trưởng toán Trung Sĩ Andre Smith.
Lúc đó, các quân nhân LLĐB/HK trong toán Asp đã được chính thức báo cáo mất tích, tuy nhiên cấp chỉ huy đơn vị SOG vẫn hy vọng toán biệt kích vẫn còn đang lẩn trốn trong một bụi cây nào đó, trong rừng núi. Hai toán biệt kích vào tìm kiếm hy vọng tìm được dấu vết toán Asp để lại như ba lô, vật dụng cá nhân… hoặc bắt sống một địch quân nào đó, để biết rõ số phận các biệt kích quân trong toán Asp.
Hai toán biệt kích được đưa vào cách xa vị trí thả toán Asp để an toàn, họ lần mò vào khu vực dò thám. Sau hai ngày lục soát, họ tìm thấy một phần tấm pano bị rách nơi một vị trí trống trải có thể làm bãi đáp cho trực thăng thả / bốc toán biệt kích. Trưởng toán Bushmaster Bargewell lên tiếng báo động “Coi chừng bẫy của địch!” Cả hai toán biệt kích “de” (lùi) lại, đúng lúc tiếng súng lính Bắc Việt bắn tới từ xa. Cả hai toán biệt kích vừa chạy giữ khoảng cách đối với quân truy kích Bắc Việt, vừa gọi trực thăng cấp cứu. Cả hai đều được trực thăng đưa về cann cứ an toàn.
Đó là lần chót đơn vị SOG cố gắng tìm kiếm các quân nhân mất tích toán biệt kích Asp. Vài tháng sau, một tù binh Bắc Việt khai, toán biệt kích Asp đi vào một ngôi làng (đã bị quân đội Bắc Việt chiếm đóng) và bị “thanh toán”.
Tên toán biệt kích Asp trồi lên một lần cuối trong tháng Tám năm 1971. Toán được thành lập lại với hai Trung Sĩ Thompson và Queen. Trong thời gian đó, việc rút quân đội Hoa Kỳ về nước đang tiến hành, sự hiện diện quân nhân LLĐB/HK trong đơn vị SOG cũng giảm đi nhiều, toán biệt kích Asp bị giải tán trước khi nhận lệnh hành quân. Đơn vị SOG chấm dứt nhiệm vụ trong tháng Tư năm 1972.
Câu chuyện về toán biệt kích Asp có nhiều uẩn khúc, về định mệnh của các biệt kích quân trong toán. Về việc mất ba quân nhân Hoa Kỳ lần đầu tiên năm 1968, toán tìm kiếm, thâu hồi quân nhân (Hoa Kỳ) mất tích trong trận chiến tranh Việt Nam, đã tìm kiếm khu vực nơi hướng bắc Tchepone năm 1992, khi được nghe dân điạ phương nói phong phanh, ba người Hoa Kỳ chết được chôn cất trong khu vực. Một người dân điạ phương tình nguyện đưa toán tìm kiếm đến vị trí chôn cất, nhưng khu vực bị bom tàn phá nặng làm cho người dẫn đường không nhận diện được vị trí. Toán tìm kiếm đào xới nhiều nơi nhưng không tìm thấy xương cốt, vật dụng tùy thân của ba quân nhân Hoa Kỳ.
Về chuyện mất tích năm 1971, trong tháng Mười năm 1991, một người dân sống trong khu vực trả lời nhân viên phòng tìm kiếm thâu hồi quân nhân Hoa Kỳ mất tích, lúc đó có một trận đánh giữa VC (đơn vị điạ phương) và toán biệt kích (Asp), trong vòng hai ngày, kết qủa cả sáu người lính biệt kích đều bị giết chết.
Trong tháng Năm 1992, một người dân điạ phương khác nói rằng, cả ba quân nhân Hoa Kỳ đều tử trận và họ không được chôn cất. Một cuộc đào xới trong khu vực năm 1993, chỉ tìm thấy vài khuy áo và một con dao găm, chưa đủ bằng chứng về toán biệt kích Asp.
Cũng trong năm đó, một biệt kích quân duy nhất Lò Văn An trong toán Asp sống sót  chuyến xâm nhập tháng Năm 1971. Anh ta kể lại, gần giống như nhân chứng trước đó, toán biệt kích đi vào trong làng và bị quân điạ phương VC bao vây. Bị ra lệnh đầu hàng, ba quân nhân LLĐB/HK không chịu, chống lại, chiến đấu cho đến khi hết đạn. Trận đánh làm chết vài VC nên cả ba quân nhân Hoa Kỳ, năm biệt kích Thái bị hành quyết. Lò Văn An là người duy nhất sống sót, chạy sang Lào, anh ta hiện sống bên Pháp.
vđh
  










Greg Walker
Thank you, my new STD friends! Bobby was an orphan who was adopted by SOG/Mike Force as an interpreter. He was Vietnamese/French. The NVA killed his family and only he survived. He was with RT ASP and later with the Mike Force. He then became a warrant officer, then a Captain in the Vietnamese Airborne. It was his company that held Tan son Nhut airbase during the fall of Saigon - he broke out with his men and made it to the coast and ultimately the US 7th Fleet. Bobby was known as Nguyen van Viet while with RT ASP, and when he immigrated to the US he called himself "Ngyuen van Nguyen". He kept the name "Bobby" until his death in 1978. Bobby is buried in Ontario, Oregon, along with those killed with him in Nicaragua - any additional information about this warrior-brother is greatly appreciated!




Bobby Nguyễn tên Việt Nam là Nguyễn Văn Việt 






https://www.specialforces78.com/wounded-warrior-part-two/

Michael Echanis Wikipedia
















No comments:

Post a Comment