Hồi
mặt trận An Lộc, báo chí có nói tới hai câu thơ của cô giáo Pha viết
trên bức tường của một ngôi trường bị bom đạn đã làm đổ sụp:
An Lộc địa sử ghi chiến tích
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân
Tôi tuy cũng là quân nhân đối diện với cái chết thường xuyên, nhưng với
những Binh chủng oai hùng như Biệt Động Quân, Nhảy Dù hoặc Thủy Quân
LụcChiến thì lòng rất ngưỡng mộ; còn về Biệt Cách Dù thì cũng từng nghe
thấy báo chí đề cập tới Liên Đoàn 81, nhưng cũng không biết đơn vị này
thuộc lực lượng nào và do ai chỉ huy, đóng quân ở đâu v.v…
Hồi
qua núi Sơn Trà, Đà Nẵng đi đổ toán thì chỉ biết tại đây có trại Lôi Hổ,
họ ăn mặc quần áo kaki Nam Định của lính chính quy Bắc Việt, trang bị
AK báng xếp, những toán viên mặt lạnh như tiền, ngồi im lìm không hề gợi
chuyện với ai, kể cả với phi hành đoàn.
Rồi cách đây gần 10 năm,
khi tôi đang đổ lại miếng cement đằng trước nhà, thì thấy có ba người
trạc bằng tuổi tôi, mà lại đi với mấy bà vợ, nhòm nhòm ngó ngó như muốn
tìm nhà để mướn, nên tôi chào hỏi. Họ cũng đứng lại nói dăm ba câu
chuyện và tỏ thực là dân H.O. mới qua, giờ sống chung trong căn
Apartment chật chội quá, muốn đi thuê căn nhà cho thoải mái hơn.
Tôi hỏi các anh bị tù bao lâu. Họ đáp có người 20 năm, có người 30 năm.
Tôi ngạc nhiên hỏi vặn, vậy chớ các anh cấp cao lắm hay sao mà ở lâu
vậy? Họ nói là bị ở lâu là vì bị bắt ngoài Bắc hồi năm sáu mấy mà đến
gần cuối thập niên 90 mới ra.
Sau cùng tôi mới vỡ lẽ là họ thuộc toán nhảy ra Bắc.
Vì công việc cũng đang cần người, nên tôi có nhận một anh đi làm chung.
Nghe nói về quá khứ của anh, người bạn tôi cũng kể là hồi xưa anh ta là
Hạ Sĩ Quan đi học lớp Truyền Tin, trong đó có một Nữ Quân Nhân, sau này
cô ấy nhảy toán ra Bắc và bị bắt ở ngoài đó.
Anh Bạn Biệt Kích trầm ngâm rồi nói rằng:
- Không có đâu anh. Nhiều người thuộc lực lượng khác, có khi họ chỉ
nhảy trong nội địa hoặc qua bên kia biên giới Miên, Lào. Những toán nhảy
Bắc tôi biết tên hết vì bị nhốt chung với nhau khá lâu, mà khi huấn
luyện ở căn cứ Long Thành thì cũng biết nhau nữa. Nữ toán viên không có
người nào đâu, và nếu có cũng không có ai bị bắt.
Sau này tôi đọc
bài viết của ông Phan Lạc Phúc, có đề cập tới Người tù Kiệt Xuất Đại Úy
Nguyễn Hữu Luyện cũng nhảy toán ra Bắc rồi bị bắt.
Tôi tìm hiểu
qua anh bạn tôi, nhưng anh chỉ là một toán viên thường nên kiến thức
tổng thể về đơn vị không có nhiều, vì thế tôi vẫn còn mù mờ về lính Biệt
Kích.
Cho đến hôm nay, nghe anh Lôi Hổ Nguyễn Hữu Thọ kể lại, tôi mới biết nhiều về lực lượng này.
Lực Lượng Đặc Biệt được thành lập thời cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm,
mang một cái tên rất hiền lành là Sở Khai Thác Địa Hình do Đại Tá Lê
Quang Tung chỉ huy, nhưng đặt trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Tổng Thống
hoặc ông Ngô Đình Nhu. Trong cơ cấu tổ chức của sở thì có phòng E hay
phòng 45 đặc trách nhiệm vụ tình báo bên kia vĩ tuyến 17 thường được gọi
là Sở Bắc. Toán ra Bắc thường là ba bốn người, nhưng cũng có những toán
một người về qua ngả chính thức từ Lào, Miên hay Pháp… dưới vỏ bọc là
Việt Kiều.
Đầu năm 63, Sở Khai Thác đổi thành Bộ Tư Lệnh Lực
Lượng Đặc Biệt với hai Liên Đoàn 77 và 31. Sở Bắc vẫn duy trì và phối
hợp với Toà Đại Sứ Hoa Kỳ.
Chính biến 1-11-63 xẩy ra và Đại Tá
Tung bị giết chết vì không chịu phản bội Tổng Thống Diệm. Sau đó Bộ Tư
Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt bị chuyển ra đóng ở Nha Trang.
Sở Bắc
được tách ra khỏi Lực Lượng Đặc Biệt lấy tên là Sở Khai Thác đặt dưới sự
chỉ huy của Bộ Tổng Tham Mưu. Chỉ Huy Trưởng là Đại Tá Trần Văn Hổ và
các Cố Vấn Mỹ của MACV.
Cùng thời gian này Sở Liên Lạc được thành
lập với nhiệm vụ hoạt động xâm nhập ngoại biên trên đất Lào và
Campuchia. Các toán Thám Sát được gọi là Lôi Hổ (Thundering Tiger). Chỉ
Huy Trưởng của Sở Liên Lạc là Đại Tá Hồ Tiêu và đơn vị đóng gần sân banh
Quân Đội cạnh Bộ Tổng Tham Mưu.
Tóm lại, Sở Bắc (Sở Khai Thác)
là toán Biệt Kích nhảy ra ngoài Bắc, Sở Liên Lạc là toán Lôi Hổ nhảy qua
Lào và Miên. Cả hai Sở này thuộc Nha Kỹ Thuật, còn Biệt Kích Delta cũng là toán Lực Lượng Đặc Biệt, nhưng nhảy trong nội địa.
Đến năm 1971 thì sự yểm trợ của Mỹ giảm bớt rất nhiều nên Lực Lượng Đặc
Biệt giải tán, Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho Nha Kỹ Thuật gom lại thành
những sở sau đây:
- Sở Liên Lạc
- Sở Không Yểm (liên quan đến Không Quân)
- Sở Phòng Vệ Duyên Hải (Hải Quân và Người Nhái)
- Sở Tâm Lý Chiến (Đài Phát Thanh Mẹ Việt Nam và Đài Gươm Thiêng Ái Quốc)
- Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng (Long Thành)
- Sở Công Tác gồm Đoàn 11 và 68 đã có từ trước và khi Lực Lượng Đặc Biệt giải tán thì lập thêm Đoàn 71, 72 và 75.
Bây giờ tôi xin nói về Biệt Cách Dù:
- Trước Mậu Thân 1968 Lực Lượng Đặc Biệt có 1 Tiểu Đoàn mang tên là 81
Biệt Cách để yểm trợ hành quân cho các toán Delta. Tiểu Đoàn này hoàn
toàn là lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà chứ không có CIDG (Dân sự chiến
đấu do Mỹ trả lương). Khi các toán Delta đi nhảy toán khám phá ra sự
chuyển quân, nơi đóng quân hay kho tàng của Việt cộng thì thường gọi
Không Quân đến thanh toán, nhưng cũng đôi khi cần đến lực lượng bộ chiến
thì đã có đơn vị Biệt Cách Dù này. Họ chiến đấu dũng mãnh còn hơn Tổng
Trừ Bị nữa.
Hồi Mậu Thân, vị Tiểu Đoàn Trưởng Biệt Cách 81 là Thiếu Tá Quế đã tử trận.
Sau 1970, Lực Lượng Đặc Biệt giải tán, các căn cứ Lực Lượng Đặc Biệt
dọc biên giới đổi thành Tiểu Đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng, còn các căn
cứ sâu trong nội địa chuyển qua Địa Phương Quân trực thuộc Tiểu Khu của
Tỉnh sở tại.
Các Sĩ Quan và Hạ Sĩ Quan kỳ cựu danh tiếng hầu hết
được rút về Nha Kỹ Thuật , hoặc Biệt Động Quân còn thì về Biệt
Cách Dù hết.
Lúc này Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù đã tăng quân số và
trở thành Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, đổi huy hiệu của Lực Lượng Đặc
Biệt từ con cọp nhảy qua dù thành con chim ưng lồng trong hình tam giác.
Họ vẫn giữ bê rê nồi màu xanh, có dù màu đỏ. Những chiến sĩ này vì nhớ
tới nguồn gốc đơn vị cũ nên vẫn còn mang trên vai áo huy hiệu Lực Lượng
Đặc Biệt còn bên kia là Biệt Cách Dù. Như vậy Lực Lượng Đặc Biệt chính
là tiền thân của Biệt Cách Dù.
Bây giờ trở lại với các Chiến Đoàn Xung Kích của Lôi Hổ:
- Chiến Đoàn 1 thường nhảy qua vùng thượng Lào, từ Đông Hà theo đường
số 9, bay ngang Khe Sanh mà vượt biên giới. Nơi đây đồi núi chập chùng
nên khi đã nhảy xuống đất rồi thì di chuyển rất khó khăn. Các máy bay
H34 cổ lỗ sĩ của Phi Đoàn 219 lại tỏ ra rất hữu hiệu, nhất là khi bốc
hay đổ toán. Nó có động cơ nổ 10 máy nên chịu đạn "chì" hơn loại UH bán
phản lực sau này. Thường thì sau khi đã có Sĩ Quan Tiền Không Sát đi
chụp hình bãi đáp ngày hôm trước bằng phi cơ quan sát, cả toán Lôi Hổ,
Chỉ Huy Trưởng và Trưởng Phi cơ đã vào phòng thuyết trình Hành Quân, và
khi đầy đủ Trực Thăng Võ Trang hay khu trục hộ tống, thì 3 chiếc H34 sẽ
vào vùng, họ bay rất cao và chiếc chở toán sẽ cúp ga, làm một cú lá vàng
rơi xoắn ốc cho đến gần mặt đất mới tăng ga để đáp.
Làm Auto Rotation như thế thì mới tránh khỏi bị bắn rơi, những tay Pilot phải rất giỏi và kinh nghiệm đầy mình.
Đổ quân vùng này thì ngoài sự đối đầu với cán binh Bắc Việt, còn đôi khi phải chơi luôn cả phe Pathet Lào nữa.
Chuyến bay tử thần vào đồi 31 Hạ Lào
Kingbee Bùi Tá Khánh
Chuyện về cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh sang Hạ Lào nhằm cắt đứt
đường mòn HCM đã được nhiều người viết ra. Ðầu tiên là nhà văn Phạm Huấn
với quyển "Trận Hạ Lào năm 1971", rồi nhà văn nhảy Dù Lê Ðình Châu, Đại
Úy Đại Đội Trưởng Đại Đội công vụ nằm vòng đai bảo vệ cho Lữ Đoàn 3
Nhảy Dù trên đồi 31 cũng ra mắt quyển "Ðôi mắt người Tù Binh", và anh
Nguyễn Văn Long, Thiếu Úy sĩ quan phụ tá ban 2 Lữ Ðoàn 3 Nhảy Dù vẫn
thường xuyên viết về Hạ Lào cho Ðặc San Nhảy Dù ở Úc Châu.
Ở đây, tôi chỉ ghi lại câu chuyện như là một mẩu hồi ức dưới mắt nhìn của một người lính Không Quân.
Tôi là một hoa tiêu phục vụ trong Phi Đoàn 219, thuộc Không Ðoàn 51, Sư
Ðoàn I Không Quân trú đóng tại Ðà Nẵng. Phi Đoàn 219 là hậu thân của
Biệt Đoàn 83 với nhiệm vụ tiến hành cuộc chiến tranh thầm lặng trong
bóng tối nhằm gây rối, phá hoại hậu phương của địch. Vì thế tất cả phi
cơ của Phi Đoàn 219 chỉ sơn toàn bệt màu đen và xanh lá cây xẫm bên trên
phần bụng trắng và không mang phù hiệu hay cờ gì cả ngoài số serial
number mà thôi.
Là một Phi Đoàn chỉ thi hành những phi vụ đặc
biệt ngoài lãnh thổ và ngoài những cuộc hành quân bình thường, nhưng
trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, nằm trong kế hoạch được mệnh danh là
Việt Nam hoá chiến tranh, một cuộc hành quân quan trọng lần đầu tiên hoàn
toàn do Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đảm nhiệm với sự yểm trợ tối thiểu
của không lực Hoa Kỳ trong những ngày đầu với những loại trực thăng
khổng lồ chuyên chở những xe cơ giới hạng nặng như xe ủi đất, lô cốt
tiền chế, đại pháo 105 và 155 ly để Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà dọn bãi
thiết lập những căn cứ hoả lực đầu cầu trên đất Lào. Vì thế nên Quân
Ðoàn I đã phải trưng dụng tất cả những đơn vị Không Quân trực thuộc Sư
Ðoàn I Không Quân trong đó có Phi Đoàn 219.
Như vậy Phi Đoàn
chúng tôi, ngoài những phi vụ đặc biệt thường lệ, lại phải đảm nhiệm
thêm việc yểm trợ cho Sư Ðoàn Dù, một trong 3 lực lượng nòng cốt trong
cuộc hành quân Lam Sơn 719. Mỗi ngày Phi Đoàn 219 tăng phái một Phi Đội
gồm 2 hoặc 3 chiếc H34 nằm trực chiến tại Khe Sanh, nơi đặt bản doanh Bộ
Chỉ Huy Tiền Phương Sư Ðoàn Dù. Từ đây chúng tôi xuất phát những phi vụ
tiếp tế lương thực, đạn dược cho các căn cứ hoả lực 29, 30, 31 và các
đơn vị hành quân lục soát bên ngoài căn cứ.
Những phi vụ này
thường là rất "hot", nhưng "hot" nhất vẫn là những phi vụ tải thương cho
binh sĩ Nhảy Dù khi có đụng độ với quân cộng sản Bắc Việt. Và chuyện
này xảy ra như cơm bữa hàng ngày nên chúng tôi coi như pha. Chúng tôi cứ
luân phiên nhau mỗi Phi Đội trực chiến cho Sư Ðoàn Dù 4 ngày rồi trở về
Ðà Nẵng tiếp tục những phi vụ thường nhật.
Hôm nay đến phiên trực
của chúng tôi. Phi Đội gồm có 2 phi cơ do anh Chung Tử Bửu lead, tôi
copilot và Nguyễn Văn Em là mê vô, chiếc thứ hai tôi chỉ nhớ hoa tiêu
chánh là anh Yên. Chúng tôi vào Phi Đoàn nhận lệnh vào lúc 8 giờ sáng
rồi chia tay nhau về nhà sửa soạn hành trang, hẹn gặp nhau lúc 10 giờ
ngoài phi đạo 219.
Ðúng giờ hẹn, chúng tôi ra phi cơ làm tiền
phi, check nhớt, xăng, load những cơ phận sửa chữa dự trữ, đồ nghề và
anh em kỹ thuật 219 rồi cất cánh, trực chỉ Ðông Hà, Quảng Trị. Khoảng
quá trưa thì chúng tôi ra đến Khe Sanh. Vừa đến nơi, không màng ăn trưa
vì nóng lòng muốn cứu đồng đội nên chúng tôi quyết định phải vào ngay
đồi 31 chứ không thể đợi lâu hơn được. Trong khi anh Bửu vào trình diện
với Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Sư Đoàn Dù để đặt kế hoạch cho chuyến bay thì
tôi và mê vô Em đi check lại máy bay. Xăng vẫn còn đầy bình trước, dư
sức bay không cần phải refuel.
Một lát sau từ phòng briefing ra,
anh Bửu vắn tắt cho anh em biết về phi vụ quyết tử này. Chuyến vào chúng
ta sẽ chở theo một Tiểu Đội Tác Chiến Điện Tử Dù cùng với 18 chiếc máy
"sensor" vào tăng phái cho căn cứ 31 dùng để phát giác đặc công địch,
chuyến ra sẽ rước Phi Hành Đoàn anh Nguyễn Thanh Giang về. Mười lăm phút
trước khi lên vùng, pháo binh Dù sẽ bắn dọn đường mở một hành lang dọc
theo quốc lộ 9, dập vào những địa điểm được ghi nhận có phòng không địch
vì tình hình lúc này rất gây cấn, địch tập trung lên đến cấp Tiểu Đoàn
phòng không gồm đủ loại từ 37 mm, 12 ly 7 và lần đầu tiên còn nghe có cả
SA7 nữa.
Về không trợ thì có 2 chiếc Gunship của Phi Đoàn 213 do Trung Úy Thục bay trước mở đường.
Trước đó trong lúc briefing, anh Bửu đã được nói chuyện trực tiếp với
anh Giang từ trong đồi 31 và được biết, ngày hôm qua khi bay vào vùng
anh Giang đã dùng chiến thuật "lá vàng rơi", từ trên cao cúp máy auto
xoáy trôn ốc xuống, nhưng vì phòng không địch quá dày đặc nên khi gần
đến đất, phi cơ anh bị trúng đạn rớt xuống gãy đuôi nằm bên cạnh vòng
rào phòng thủ ngoài cùng của Lữ Ðoàn 3 Dù. Phi Hành Đoàn vô sự, chỉ có
copilot là Võ Văn On bị xây xát nhẹ ở cổ, tất cả chạy thoát được vào
trong căn cứ Dù. Nhưng trước khi bỏ phi cơ, mê vô Trần Hùng Sơn không
quên vác theo cả cây M60 trên cửa máy bay nữa.
Rút kinh nghiệm,
hôm nay anh Bửu bay Rase Motte sát ngọn cây theo hướng Ðông-Tây đi vào.
Trên đường bay dọc theo quốc lộ số 9 tôi còn nhìn thấy những cột khói
bốc lên nghi ngút, chứng tỏ pháo binh Dù bắn rất chính xác và hiệu quả.
Gần đến Landing Zone, anh Bửu đổi hướng lấy cấp Ðông Nam-Tây Bắc để đáp
xuống. Vừa ló ra khỏi rặng cây, tôi đã thấy chiếc Gunship của Trung Úy
Thục bay vòng lại, cùng với tiếng anh la lên trong máy "Bửu coi chừng
phòng không ở hướng Tây". Từ trên phi cơ nhìn xuống, giữa màu xanh trùng
điệp của rừng cây nhiệt đới, ngọn đồi 31 đỏ quạch nổi bật với những đốm
bụi đất tung lên từng cơn vì đạn pháo kích quấy phá của cộng quân Bắc
Việt.
Không nao núng, anh Bửu vẫn điềm tĩnh tiếp tục đáp xuống.
Khi phi cơ còn cách mặt đất độ 15 thước thì trúng một tràng đạn phòng
không, phi cơ phát hoả, bùng lên một đám khói bao trùm cả phi cơ, mê vô
Em la lên khẩn cấp trong máy "Đáp xuống, đáp xuống anh Bửu ơi, máy bay
cháy".
Cùng lúc anh Bửu cũng cao tiếng báo động cho chiếc wing
"Yên ơi, tao bị trúng đạn rồi, đừng xuống nữa" trong khi vẫn bình tĩnh
đáp xuống. May mắn là đạn trúng vào bình xăng phụ đã hết xăng, chỉ còn
ít hơi đốt, nên phi cơ không bắt cháy như phi cơ Đại Úy An ở Bù Ðốp hôm
nào. Vừa chạm đất, theo phản xạ tôi cùng anh Bửu nhanh tay tắt gió,
xăng, điện rồi nhảy ra khỏi phi cơ. Mọi người chạy ngược lên đồi về phía
hàng rào phòng thủ thứ nhất của Đại Đội công vụ Dù cách khoảng 100
thước. Tôi còn tiếc chiếc xách tay quần áo nên phóng vào trong phi cơ để
lấy. Một cảnh thương tâm hiện ra trước mắt, một binh sĩ Dù bị trúng đạn
ngay giữa trán, nằm ngửa chết ngay trên ghế. Trên sàn tàu, đống máy
"sensor" vẫn còn nguyên vẹn. Tôi chỉ kịp vớ lấy cái xách tay rồi phóng
chạy lên đồi theo những tiếng kêu gọi của binh sĩ Dù "trên đây nè Thiếu
Úy, tụi tôi bắn yểm trợ cho". Tôi lom khom chạy trong khi tiếng đạn nổ
lóc chóc trên đầu. Lên đến nơi tôi thở như bò rống. Không quân mà hành
quân dưới đất thì phải biết là mệt đến đâu. Tôi nhớ mãi hôm đó là ngày
22 tháng 2 năm 1971.
Vừa ngồi nghỉ mệt, tôi vừa nhìn xuống bãi
tải thương nơi chiếc phi cơ đang đậu hiền lành, thì cũng vừa lúc địch
điều chỉnh tác xạ, một quả đạn đạn súng cối rơi trúng ngay tàu nổ tung,
bốc cháy khói đen mù mịt cả một góc trời. Tôi nhìn con tàu xụm xuống,
lòng quặn lên. Con tàu thân thương đó đã gần gụi với mình lâu nay, giờ
thành một đống sắt vụn.
Một lát sau, theo chỉ dẫn của anh em binh
sĩ Dù, chúng tôi men theo giao thông hào lần về đến Ban Chỉ Huy Lữ Ðoàn
3 Dù. Gặp lại Phi Hành Đoàn anh Giang, On, Sơn anh em chúng tôi mừng rỡ
thăm hỏi rối rít. Chúng tôi được giới thiệu với các sĩ quan trong ban
tham mưu Lữ Ðoàn 3. Ðầu tiên là Đại Tá Thọ Lữ Đoàn Trưởng Lữ Ðoàn 3,
Thiếu Tá Ðức Trưởng Ban 3, Đại Úy Trụ phụ tá Ban 3, Đại Úy Nghĩa sĩ quan
liên lạc Không Quân, Trung Úy Chính sĩ quan Không Trợ Dù, Thiếu Úy Long
phụ tá Ban 2. Về phía Pháo Binh thì có Trung Tá Châu Tiểu Đoàn Trưởng
và Đại Úy Thương Trưởng Ban 3 thuộc Tiểu Đoàn 3 pháo binh Dù. Ðại Tá Thọ
mừng anh em "mới đến" mỗi người một điếu Havatampa và một ly Hennessy
để lấy lại tinh thần. Tôi ngạc nhiên vô cùng, đi đánh giặc, nằm ở tuyến
đầu ác liệt vậy mà mấy "ông" Nhảy Dù vẫn thản nhiên hút sì-gà Cuba và
uống rượu Mỹ như máy! Quả các anh ăn chơi cũng dữ mà đánh giặc cũng chì
thật.
Buổi chiều vùng rừng núi trời tối thật nhanh, chúng tôi
dùng tạm bữa cơm dã chiến với ban tham mưu Lữ Ðoàn rồi chia nhau ngủ ké
với anh em Dù. Tôi được ngủ chung một hầm với anh Nguyễn Quốc Trụ, một
sĩ quan trẻ xuất thân khoá 20 trường Võ Bị Ðà Lạt. Anh cũng là anh ruột
của Trung Úy Nguyễn Hải Hoàn, một hoa tiêu chánh trong Phi Đoàn tôi. Tin
tức chiến sự mỗi ngày một căng thẳng hơn vì đối với cộng sản bắc Việt,
sự hiện diện của căn cứ 31 trên hệ thống đường mòn HCM như một lưỡi dao
đâm thẳng vào yết hầu của chúng. Vì thế cộng quân đưa thêm quân vào tạo
áp lực nặng nề lên căn cứ 31 với ý định đánh bật căn cứ này ra khỏi sinh
lộ của chúng.
Hai hôm sau, vẫn không có chuyến bay tiếp tế nào
vào được vì địch quân luôn di động dàn phòng không của chúng khiến Không
Quân Việt Nam và Hoa Kỳ không phát huy được ưu thế của mình. Mỗi sáng,
chỉ có 2 phi tuần F4 đến ném bom vài khu vực khả nghi chung quanh đồi 31
và thỉnh thoảng mới có một đợt B52 rải thảm ì ầm xa xa vọng đến rồi mọi
sự lại chìm vào rừng núi trùng điệp. Ngược lại, quân bắc Việt tập trung
bao vây, tăng cường pháo kích suốt ngày nhằm quấy rối và làm tiêu hao
lực lượng Dù.
Sáng ngày 25 tháng 2 năm 1971, chúng tôi nhận được
lệnh và khởi sự di chuyển ra các hầm cứu thương sát bãi đáp chờ đến trưa
đích thân Phi Đoàn với 3 chiếc H34 sẽ vào tải thương binh Dù đồng thời
bốc 2 Phi Hành Đoàn ra. Tôi và anh Bửu cùng vài thương binh Dù nấp chung
với nhau trong một hầm trú ẩn. Ðến trưa khi chúng tôi bắt đầu nghe
tiếng máy nổ quen thuộc xa xa thì cũng là lúc địch khởi đầu trận "tiền
pháo" dồn dập lên đồi 31. Qua lỗ châu mai từ trong hầm cứu thương nhìn
qua bên kia đồi đối diện, cách nhau một cái yên ngựa, tôi thây rõ hai
chiếc xe tăng T-54 của cộng quân tiến lên xếp hàng ngang, cùng với quân
tùng thiết dày đặc chung quanh nhắm đỉnh đồi chúng tôi mà nhả đạn. Những
tia lửa từ nòng súng phụt ra, tôi và anh Bửu thụp đầu xuống cùng nhìn
nhau như nhắc nhở câu mà anh em trong Phi Đoàn thường nói với nhau mỗi
khi lên đường hành quân "Trời kêu ai nấy dạ!".
Ngoài kia, trong
từng giao thông hào binh sĩ Dù chống trả mãnh liệt, nhất là những pháo
thủ pháo đội C trên căn cứ 31, với những khẩu pháo đã bị hỏng bộ máy
nhắm vì pháo kích của địch, họ phải hạ nòng đại bác để bắn trực xạ thẳng
vào xe tăng địch bên kia đồi và trong những loạt đạn đầu tiên đã hạ
ngay được 2 chiếc T54. Nhưng để trả giá cho hành động dũng cảm này nhiều
binh sĩ Dù đã nằm xuống, có người nằm chết vắt trên những khẩu pháo của
họ, trong số này có cả Pháo Đội Trưởng Nguyễn Văn Ðương, người đã là
niềm hứng khởi cho một nhạc phẩm nổi tiếng sau đó. Chúng tôi vui sướng
reo mừng trong hầm bên này. Không ngờ, chỉ mỗt lúc sau 2 xe tăng khác ở
phía sau tiến tới ủi những chiếc xe cháy xuống triền đồi rồi lại hướng
súng đại bác về đồi chúng tôi mà bắn! Sau vài loạt đạn, một phi tuần 2
chiếc F4 xuất hiện nhào xuống oanh tạc vào đội hình địch, và lại phá hủy
thêm 2 xe tăng nữa. Trong tiếng bom đạn tơi bời, tôi vẫn nghe văng vẳng
tiếng máy nổ của những chiếc H34 đang vần vũ trên cao như lo lắng cho
số phận những đồng đội của mình. Cho đến khoảng 5 giờ chiều thì địch
tràn lên chiếm được đồi. Chúng lùng xục từng hầm trú ẩn kêu gọi binh sĩ
Dù ra đầu hàng. Biết không thể làm gì hơn, tôi và anh Bửu tháo bỏ súng
đạn cá nhân, chui ra khỏi hầm.
Về phía Không Quân, tôi, anh Bửu,
On và Sơn bị trói bằng dây điện thoại và bị dẫn giải ra Bắc Việt chung
với tất cả tù binh khác. Không thấy anh Giang và Em đâu. Chúng tôi bắt
đầu thăm hỏi các Sĩ Quan và binh sĩ Dù trên đường đi. Cuối cùng tôi gặp
được anh Long là người ở chung trong hầm với anh Giang khi cộng quân kêu
các anh ra đầu hàng. Ðến lần thứ 3 các anh vẫn không chịu ra nên chúng
thảy lựu đạn chày và bắn xối xả vào hầm. Anh Long chỉ bị thương nhẹ nên
chúng bắt theo còn anh Giang vì bị thương nặng gãy cả 2 chân không đi
được nên bị chúng bỏ lại và chết ở trong hầm. Về phần mê vô Em thì bị
lạc đạn trúng bụng đổ ruột ra ngoài, khi bị bắt dẫn đi Em cứ 2 tay ôm
bụng giữ lấy ruột mà không hề được băng bó vết thương nên đi được một
khoảng không chịu được đau đớn Em gục chết ở bên đường.
Thế là
219 ghi thêm vào quân sử của mình một thiệt hại 2 Phi Hành Đoàn trên
chiến trường Hạ Lào. Trong đó anh Giang và Em đã vĩnh viễn ở lại trên
đồi. Ngọn đồi quyết tử 31. Những người còn lại của 2 Phi Hành Đoàn đó là
Bửu, On, Khánh và Sơn thì sa vào tay địch, bị đưa đến những bến bờ vô
định, biết còn có ngày về hay không?
Viết để nhớ đến tất cả những
chiến sĩ anh hùng đã thành danh hay vô danh, vẫn còn sống hay đã hy
sinh cho quê hương đất nước. Sau 33 năm ít ra tên tuổi các anh vẫn còn
được nhắc đến một lần.
Bùi Tá Khánh
No comments:
Post a Comment