Sunday, March 17, 2024

CAO NGUYÊN THÁNG BA 1975

        Vào những tháng cuối của năm 1974, tình hình trên quân đoàn II bắt đầu sôi động, địch quân gia tăng áp lực để chuẩn bị cho những trận đánh lớn sắp đến. Đặc biệt trên vùng này chỉ có hai sư đoàn bộ binh, sư đoàn 22 bảo vệ các tỉnh miền duyên hải, Bình Định, Phú Yên. Sư đoàn 23 chịu trách nhiệm trên vùng cao nguyên, Ban Mê Thuột, Pleiku, v.v...  Tuy nhiên bộ tư lệnh quân đoàn còn có năm liên đoàn Biệt Động Quân, sau đó còn được bộ Tổng Tham Mưu tăng cường thêm hai liên đoàn 4 và 6 BĐQ (Tổng trừ bị).
        Hai liên đoàn này khi ra đến quân khu II, được tăng phái cho Sư Đoàn 22 BB, hành quân tại mặt trận Tam Quan, Bồng Sơn, phía bắc tỉnh Bình Định. Đến gần cuối năm 74, lo ngại cho mặt trận trên vùng cao nguyên sắp bùng nổ, Bộ Tư Lệnh quân đoàn ra lệnh cho hai Liên Đoàn Biệt Động Quân (4 và 6) quay trở lại vùng cao nguyên để phòng thủ. Trước khi mặt trận Ban Mê Thuột bắt đầu, các đơn vị Biệt Động Quân trên quân đoàn II được phối trí như sau:
- Bộ chỉ huy BĐQ/QK II dời lên trên Kontum gọi là Bộ Tư Lệnh chiến trường Kontum.
- Liên đoàn 4 BĐQ: Tiểu đoàn 44 đóng quân gần Pleiku làm thành phần trừ bị. Tiểu đoàn 42 đóng tại Plei Bau Can trên quốc lộ 19, phía đông quốc lộ 14. Tiểu đoàn 43 nằm với bộ tư lệnh Sư Đoàn 23 BB trong căn cứ Hàm Rồng.
- Liên đoàn 6 BĐQ: Hai Tiểu Đoàn 34 và 35 nằm giữ phía đông và đông bắc thành phố Kontum. Tiểu-đoàn 51 tăng phái cho Liên Đoàn 25 BĐQ trong quận Thanh An, tỉnh Pleiku.
- Liên đoàn 21 BĐQ: Tiểu đoàn 96 trấn giữ đèo Chu Pao (ở giữa Pleiku và Kontum). Tiểu đoàn 72 nằm trừ bị trong Kontum. Tiểu đoàn 89 tăng phái cho Liên Đoàn 6 BĐQ giữ mặt đông nam thành phố Kontum. (Liên Đoàn 21/BĐQ sau khi rút khỏi Ban Mê Thuột đã về TTHL/BĐQ Dục Mỹ, để bổ sung quân số rồi đưa ra phòng tuyến Khánh Dương trên QL25, giúp Nhảy Dù chận địch từ Ban Mê Thuột tràn xuống. Tại nơi đó, Tiểu Đoàn 96 BĐQ được tách ra để tăng phái cho mặt trận Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.)
- Liên đoàn 22 BĐQ: Tiểu đoàn 95 đóng tại làng Trung Nghĩa phía tây Kontum. Tiểu đoàn 88 đóng trên núi Ngok Bay tây bắc Kontum và tiểu đoàn 62 nằm ở Ngô Trang làm trừ bị.
- Liên đoàn 23 BĐQ (Đơn vị trừ bị cho QĐII &QK II): Ba Tiểu đoàn 11, 22, 23 đóng quân trên phiá bắc Kontum, dọc theo quốc lộ 14.
- Liên đoàn 24 BĐQ: Tiểu đoàn 63 đóng tại tỉnh lỵ Gia Nghĩa. Tiểu đoàn 81 đóng quân về phía nam quận Kiến Đức. Tiểu đoàn 82 đóng tại quận lỵ Kiến Đức thuộc tỉnh Quảng Đức.
- Liên đoàn 25 BĐQ: Cả ba tiểu đoàn 67, 76 và 90 nằm trong phạm vi quận Thanh An, thuộc tỉnh Pleiku.
     Tóm lại, trước khi mặt trận phía nam cao nguyên (Ban Mê Thuột, Quảng Đức) bùng nổ, trên Kontum; tỉnh xa nhất trên vùng cao nguyên có gần bốn (4) Liên Đoàn Biệt Động Quân (21, 22, 23 và 6). Liên đoàn 24 BĐQ đã được điều động về bảo vệ tỉnh Quảng Đức, phía nam Ban Mê Thuột.
    Trong tỉnh Pleiku có hai liên đoàn 4 và 25 Biệt Động Quân. Khoảng đầu tháng 3/1975, LĐ 22 BĐQ được (biệt phái hành quân) một phi cơ quan sát L19 bay bao vùng trong khu vực hành quân của Liên Đoàn. Đến gần trưa, bỗng nhiên viên phi công L19 gọi Trung Tâm Hành Quân/ LĐ và thông báo là "...được lệnh bay về Pleiku" tức là sẽ ra khỏi hệ thống chỉ huy của Liên Đoàn 22 BĐQ.
    Thông thường, vị sĩ quan ban 3 nào đang trực tại Trung Tâm Hành Quân/ LĐ sẽ yêu cầu L19 nán lại một chút để trình lên liên đoàn trưởng và trưởng ban 3. Trong trường hợp của ngày hôm đó, vị sĩ quan trực phải tuân hành thượng lệnh vừa được phi công thông báo vì (như ông nói) "Quân Đoàn cho mình xử dụng... Bây giờ họ đòi lại. Mình phải để chiếc L19 bay về ngay..."
    Vài ngày sau, tôi được ra phố chơi, thăm hai người bạn làm nghề dậy học ở Kontum và được đưa đi ăn cơm trưa (hai ông nhà giáo độc thân, xa nhà, ăn cơm tháng). Hôm đó, bàn bên cạnh có mấy ông phi công trực thăng cũng đang ăn cơm; tôi hỏi thăm và được biết, chiếc L-19 bay bao vùng cho đơn vị tôi mấy hôm trước, thay vì quay về Pleiku, đã được lệnh bay thẳng về hướng Ban Mê Thuột để điều động các phi tuần phản lực A-37 bắn phá, thả bom đoàn xe chở quân của quân đội Bắc Việt. Hai ông phi công trực thăng nói thêm “... mình bắn cháy được khoảng 80 chiếc Molotova của địch!” 
     (Sau này, tôi có tìm tài liệu nghiên cứu thêm. Được biết đó là đoàn xe Molotova chở Sư Đoàn 10, tức F10 quân đội Bắc Việt; di chuyển từ phía bắc Kontum, xuống phía nam Ban Mê Thuột, chuẩn bị đánh quận Đức Lập tỉnh Quảng Đức, cắt quốc lộ 14 nơi hướng nam và cô lập thị xã Ban Mê Thuột. Sư đoàn 320 sẽ di chuyển vào vị trí cắt quốc lộ 14 nơi hướng bắc. Mũi dùi chính đánh vào thị xã Ban Mê Thuột sẽ do Sư Đoàn 316, từ miền Bắc vào đảm trách, với sự trợ lực của Sư Đoàn F10).
      Tuy QLVNCH đã khám phá cuộc chuyển quân của địch (Sư Đoàn F10) và ra tay làm cú ngoạn mục (bắn cháy 80 xe chở quân Molotova của địch) nhưng đỡ không nổi với ba sư đoàn chính quy Bắc Việt 320, 316, 10, cùng với Trung Đoàn 25 CSBV, cộng thêm hai trung đoàn biệt lập, trong nỗ lực cắt quốc lộ 21 từ Ban Mê Thuột đi Nha Trang. Trong khi đó, Trung Đoàn 95 cùng với Sư Đoàn 3 Sao Vàng cắt quốc lộ 19 Pleiku – Qui Nhơn.
      Ban Mê Thuột mất khoảng ngày 10, 11 tháng 3/1975. Sau khi liên đoàn 21/BĐQ rút đi, trên Kontum còn ba Liên Đoàn: 22, 23 và LĐ 6 BĐQ. Ngày 14/3/1975, Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh QĐII & QKII bay ra Cam Ranh họp với Đại Tướng Cao Văn Viên, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm và Trung Tướng Đặng Văn Quang.
      Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho tướng Phú đem tất cả các đơn vị "chủ lực" về Nha Trang (để phản công, tái chiếm Ban Mê Thuột) còn toàn thể Địa Phương Quân của các tiểu khu đều không được lệnh di tản. Lúc đó, trên vùng cao nguyên vẫn còn Sư Đoàn 23 BB (-) với hai Trung Đoàn 44 và 45, cùng với Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh, cộng thêm toàn bộ lực lượng BĐQ.
        Để chuẩn bị cho việc di tản, Liên Đoàn 6 BĐQ được lệnh rút về Pleiku. Liên đoàn này là một trong 3 đơn vị BĐQ tổng trừ bị, trực thuộc bộ Tổng Tham Mưu (hai liên đoàn còn lại là LĐ 4 và LĐ7 BĐQ). Liên Đoàn 6 BĐQ nhận nhiệm vụ dẫn đầu đoàn quân di tản, đồng thời bảo vệ cho lực lượng Công Binh sửa đường và bắt cầu). Trên Kontum còn lại hai Liên Đoàn 22 và 23 BĐQ.
        Một hai ngày sau, đến phiên liên đoàn 23/BĐQ rút đi. Kontum lúc đó chỉ còn Liên Đoàn 22 BĐQ cô đơn, là đơn vị chủ lực quân duy nhất, cùng với các tiểu đoàn địa phương quân. Liên đoàn 23 BĐQ (Liên Đoàn 2 cũ, chủ lực của QĐII và QK II)  có định mệnh riêng. Tôi có mấy người bạn cùng khóa ở đơn vị này. Trên đường di tản, gặp lại bạn, tôi chỉ biết đưa tay vẫy mấy cái như chào từ biệt… mạng ai nấy lo… trời gọi ai, người đó dạ! (1)
        Trong Bộ Chỉ Huy hành quân Liên Đoàn 22/BĐQ, mọi sinh hoạt vẫn giữ dáng vẻ bình thường ở bề ngoài. Có lần, trong bữa cơm chiều (sĩ quan ăn cơm chung), có người nêu lên vấn đề (câu hỏi) “Các liên đoàn BĐQ bạn đã rút đi khỏi Kontum để về Pleiku. Khi nào mới đến đơn vị mình?” Không một ai có câu trả lời! Hình như có ai đó nói “Không lẽ họ (cấp cao hơn) để mình lại làm con chốt thí?”
      Cuối cùng Liên Đoàn 22 BĐQ cũng nhận được lệnh rút ra khỏi Kontum. Lệnh cho liên đoàn rất khẩn cấp, không đầy 24 tiếng đồng hồ, cả liên đoàn phải di chuyển. Tất cả các toán tiếp liệu (liên đoàn, ba tiểu đoàn, đại đội trinh sát BĐQ, pháo đội (ĐĐ Pháo Binh BĐQ) phải đem vào vùng hành quân thực phẩm, thêm một cấp số đạn cho tất cả quân nhân trong đơn vị trực thuộc, và phải tiếp tục, kể cả khi trời đã tối. Do đó mới có chuyện các toán tiếp liệu ra chợ Kontum thu mua thực phẩm làm cho người dân, kể cả các làng Thượng gần thành phố báo động.
        Riêng bản thân tôi “kẹt” hơn nữa, vì tôi có hai người bạn học cũ đang dạy học trên Kontum. Căn nhà hai ông bạn thuê trở thành “hậu trạm” cho đám BĐQ, đặc biệt mấy sĩ quan trẻ cùng lứa thuộc Đại Đội 22 Trinh Sát (thường đóng quân bảo vệ BCH/HQ của Liên Đoàn). Đôi khi, những người lính cũ thuộc Tiểu Đoàn 95/BĐQ mà tôi từng phục vụ, có dịp ra phố, thường hay đến nhà mấy ông thầy giáo tìm tôi, nên mấy ông thầy giáo tỉnh lẻ cũng quen biết họ. Nhờ đi theo BĐQ mà hai ông bạn này thoát chết trong những ngày di tản, rồi về đến Saigon an lành.
       Trong Bộ Chỉ Huy hành quân LĐ 22 BĐQ có Th/Úy Trần Thiện Danh K4/72 Thủ Đức và tôi làm việc trong Trung Tâm Hành Quân dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Th/Tá Phước, Trưởng Ban 3. Tôi và Danh rất thân, đi lính cùng lúc (K6/72 là khóa 4/72 rớt lại), cùng gốc tiểu đoàn 95/BĐQ, nên cũng “thân” luôn với hai ông thầy giáo.
        Sáng sớm hôm sau, tôi ra phố sớm lại nhà hai ông thầy giáo nói họ chuẩn bị hành trang, những gì gọn gàng có thể đem theo… Lúc đó tôi cũng chẳng biết dặn dò gì thêm, sĩ quan “nhí” như tôi không biết gì hơn… lệnh là lệnh, chỉ biết ra khỏi Kontum, còn đi hành quân nơi đâu hoàn toàn không được biết. Dặn dò hai người bạn xong, tôi chạy vào hậu cứ B-15, căn cứ của Nha Kỹ Thuật (Lôi Hổ, sau khi bàn giao cho LĐ 22 BĐQ, B-15 được đổi tên là trại Đinh Bộ Lĩnh) coi tình hình ra sao?
       Bên trong hậu cứ, mọi người đang tập họp nhận lệnh, tôi cũng bước vào đứng trong hàng cuối cùng để nghe Th/Tá Tể, chỉ huy hậu cứ, ban lệnh “Tôi nói thẳng cho anh em biết, mình bỏ Kontum cho thằng cộng sản… Tất cả đều phải di tản, các anh em không được cho thường dân đi theo, nếu không mình không đủ xe… và sẽ bị bỏ rơi!".  Sau khi tan hàng, mọi người trở về chuẩn bị di tản, những gì không đem theo được đốt phá hết…”
       Tôi nghĩ thầm… Như vậy là “rồi…”, những lần trước, đơn vị đi hành quân ở Pleiku hay những nơi khác, hậu cứ vẫn “dậm chân tại chỗ” vì là nơi lo chuyện hành chánh, giấy tờ. Theo lệnh của vị sĩ quan chỉ huy hậu cứ, không được cho thường dân đi theo, có nghĩa là rất nghiêm trọng… Đang phân vân lo cho hai ông bạn thầy giáo, đúng lúc mấy chiếc GMC chở Đại Đội Trinh Sát về đến hậu cứ.
       Tôi đến chào Đ/Úy Đình, ĐĐT rồi nói chuyện với Th/Úy Biên ĐĐP. Ông này học khóa 7/72 Đồng Đế, cũng có thể nói là quen biết (cùng lứa). Tôi hỏi thăm chuyến ĐĐ/TS 22 BĐQ về Saigon ứng chiến dịp Tết vừa qua, rồi nói cho Biên biết về trường hợp hai ông bạn nhà giáo. Biên rất sốt sắng nói cứ đưa vào, rồi rủ tôi cùng mấy sĩ quan trong đại đội lên một xe Dodge chạy trở vào trong thành phố Kontum (Đại Đội Trinh Sát 22 BĐQ có 7, 8 sĩ quan, quân số nhiều hơn một đại đội thường, có mấy ông làm trưởng toán viễn thám).
      Thật không ngờ, tôi mới vào trong hậu cứ khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ, quốc lộ 14 từ Kontum đi về hướng nam (Pleiku) chật cứng người tỵ nạn, đàn ông, đàn bà, trẻ con, người gìa tay xách tay nải, bọc quần áo dắt nhau chạy giặc. Tôi nhìn trong đám đông, nhận ra hai ông nhà giáo Hạnh, Vinh cũng đeo túi Air Việt Nam, bước đi như chạy theo đoàn người… xuôi nam. Tôi nói tài xế ngừng lại, rồi nhẩy xuống xe chạy lại, lôi hai ông thầy giáo đẩy lên xe.
        So với Pleiku và Ban Mê Thuột, Kontum nhỏ hơn và buồn hơn nhiều (Thật ra, chỉ con đường chính Lê Thánh Tôn là có nhiều cửa hàng buôn bán. Phố xá còn lại rất thưa thớt). Từ Kontum theo quốc lộ 14 lên hướng Bắc sẽ đi ngang qua những địa danh nổi tiếng trong chiến sử; đặc biệt là căn cứ Charlie, nơi cố Đại Tá Nhẩy Dù Nguyễn Đình Bảo đã hy sinh, rồi trại LLĐB Ben Het (TĐ 95/BĐQ), Tân Cảnh, Dakto (nơi Đại Tá Lê Đức Đạt tư lệnh sư đoàn 22 BB đền nợ nước năm 1972), Dak Seang (TĐ 90/BĐQ) và cuối cùng là căn cứ Dak Pek (TĐ 88/BĐQ). Lên nữa, sẽ đến quận Ba Tơ, thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
        Trở vào trong hậu cứ, mọi người đã bắt đầu di tản. Khung cảnh hỗn loạn, không còn lính canh gác cổng. Có mấy người Thượng đẩy xe chở đồ (không có động cơ) vào bên trong hôi của… Như đã trình bầy ở phần trên, sau chuyến tái tiếp tế khẩn cấp cho các đơn vị trong Liên Đoàn 22 BĐQ; người dân Kontum đã biết bị bỏ rơi, nên khi trông thấy mấy chiếc GMC chở Đại Đội Trinh Sát  đi ngang qua phố, người dân Kontum bắt đầu bồng bế dắt díu nhau ra đi (đi bộ…). Còn người Thượng thì “tự động” đẩy xe chở đồ vào hậu cứ của Liên Đoàn để… dọn dẹp!
        Lính của Đại Đội Trinh Sát được lệnh bố trí xung quanh doanh trại, đợi lệnh rồi cùng di chuyển một lượt với Bộ Chỉ Huy/LĐ và 3 tiểu đoàn tác chiến trực thuộc. Tôi cùng với hai ông giáo Hạnh, Vinh và mấy ông sĩ quan trẻ ĐĐ/TS nói chuyện bàn tán vẫn chưa biết rút đi đâu? Hành quân nơi đâu? Mọi người chỉ đoán mò “Chắc là kỳ này tới phiên Liên Đoàn 22 BĐQ nhảy vào chiến trường Ban Mê Thuột...” Còn có một nguồn dư luận khác cho rằng “... Mình (VNCH) cắt đất cho cộng sản… nhưng cắt tới đâu, chẳng ai biết!”
        Hai ông thầy giáo Hạnh, Vinh thuê nhà cùng dẫy có mấy ông cảnh sát, sĩ quan Điạ Phương Quân tiểu khu Kontum. Hạnh nói với tôi “Hàng xóm đã ra đi từ đêm qua, lúc ở nhà đợi ông, bọn tao nóng cả ruột. Rồi khi nhìn ra cửa thấy người dân bồng bế ra đi liên tục, nên cứ đi theo. Không ngờ được mày lôi lên xe, để vào trong hậu cứ liên đoàn”
        Lúc đó có Trung Sĩ Nê trung đội phó của tôi hồi tôi còn ở Tiểu Đoàn 95 BĐQ (Nê thỉnh thoảng ra Kontum ghé tìm tôi nên cũng quen với hai ông giáo). Tôi hỏi Nê kiếm cho hai ông thầy giáo bộ đồ bông (quân phục BĐQ) để dễ dàng đi chung. Nê cởi ngay áo mình đang mặc đưa cho Hạnh còn mình khoác lên người áo giáp, sau đó một BĐQ đem lại cho tôi cái áo giáp mới toanh và khẩu M-16.
        Lúc đó, Trung Sĩ Minh, một BĐQ rất dễ thương, lúc nào cũng cười, dễ hòa hợp với mọi người. Minh thuộc thế hệ đàn em, cũng đi lính năm 1972, thụ huấn khóa Hạ Sĩ Quan cùng với hai “Trung Sĩ trẻ” trong trung đội tôi (2). Minh cũng thường ra nhà hai ông thầy giáo tìm tôi, và sau khi quán cơm tháng đóng cửa (nhiều người dân Kontum di tản trước Tết năm 1975 sợ đánh lớn như Tết Mậu Thân và năm 1972), Minh mua gạo trong đơn vị cho vào ba lô đem lại nhà tiếp tế hai ông thầy giáo. 
        Minh nói với tôi và hai ông bạn Hạnh, Vinh, là có một GMC (chiếc cuối cùng) sắp di chuyển nên cứ đưa Hạnh và Vinh đi theo. Nghe Minh nói rất hợp lý (vì đi với ĐĐ/TS thế nào cũng có chuyện… vỡ mặt). Do đó, tôi nhờ với Biên nhắn lại với Danh (Ban 3), là tôi kẹt hai người bạn (Danh cũng biết), sẽ gặp lại nhau trên đường di tản…
        Hậu cứ Liên Đoàn 22/BĐQ (B-15 cũ) chia đôi, nằm hai bên quốc lộ 14. Hướng tây có nhiều dãy nhà đặt làm văn phòng cho liên đoàn (và cả 3 tiểu đoàn trực thuộc). Chúng tôi vừa băng qua đường thì gặp anh chàng Quới (Tôi, Danh và Quới là ba trung đội trưởng, đại đội 1 tiểu đoàn 95/BĐQ) cũng muốn đi theo tôi.
        Chiếc xe GMC chở những người lính còn lại (các ban ngành ở hậu cứ), có thêm thường dân, toàn là những người quen biết (họ mở hàng quán, tiệm may vá ngay bên cạnh hậu cứ) và hai ông bạn nhà giáo Hạnh, Vinh. Tôi và Quới leo lên buồng lái ngồi cạnh tài xế.
        Xe vừa ra khỏi cổng trại, trên quốc lộ 14 về hướng Pleiku, dân chạy giặc tay xách, tay mang, dắt nhau, bồng bế trẻ con đi bộ hai bên đường thành hai hàng dài như vô tận, có gia đình đánh xe bò chở theo nhiều đồ đạc, hòa nhập vào trong dòng người. Tôi ngồi lặng yên, đoàn người di tản hy vọng tìm gặp người thân ở Pleiku, họ vẫn chưa biết Pleiku cũng di tản, chuyến đi tìm tự do của họ sẽ kéo dài mãi mãi và nhiều người sẽ không bao giờ đến…
        Xe tiếp tục chạy trên quốc lộ 14. Nhìn trước sau tôi mới biết là có hàng trăm chiếc xe đủ loại, quân xa lẫn dân sự, nối đuôi nhau. Khi đi ngang qua thành phố Pleiku, sắp đến Hàm Rồng, một căn cứ rộng lớn, người Mỹ để lại, (hai sư đoàn bộ binh 22, 23 lên hành quân trên vùng cao nguyên thường đặt bộ tư lệnh tiền phương) đoàn xe bắt đầu đi chậm lại.
        Tôi nhìn dọc theo lề đường bên phải, một hàng dài Thiếu Sinh Quân (trường Thiếu Sinh Quân Cao Nguyên ở gần Hàm Rồng, tôi nhớ không lầm gần đó có một trại cùi). Các em vẫn quần áo trắng, bí tất trắng cao gần đầu gối, mũ beret đỏ, đeo balo trên lưng gói ghém tất cả hành trang, lặng lẽ đi bộ thành hàng dài. Tôi quay trước, quay sau, nói với chính mình (cả Quới lẫn ông tài xế đều nghe)… “Trường Thiếu Sinh Quân di tản… Cấp chỉ huy nhà trường đâu? (tại) Sao để các em đi bộ?”
           Lúc đó bỗng dưng tôi “nổi hứng gió sương” nói với bác tài xế như ra lệnh “Tấp vào lề!” (sau này nghĩ lại, mình không có quyền, chỉ là người đi nhờ xe, còn đem theo hai người bạn… Những dòng chữ này thay cho lời xin lỗi muộn màng. vđh). Bác tài nghe lời tôi tấp xe vào lề (có lẽ cũng vì lòng yêu thương các em Thiếu Sinh Quân. Trong cuộc chiến này các em đã mất mát nhiều rồi…).
        Cả ba người đều nhẩy ra khỏi xe, tôi nói bác tài và Quới thấy xe GMC nào còn trống vẫy lại nhờ (yêu cầu) họ chở giùm các em Thiếu Sinh Quân. Chúng tôi phải đỡ từng đứa, đưa lên xe… Mặt trời sắp lặn, xâm xẩm tối, vẫn còn các em TSQ rảo bước từ phiá xa (có lẽ đã thấm mệt), Quới bước đến bên tôi nói nhỏ “Mình đi… Chuyện ai nấy lo!”
        Tôi lại nổi nóng “Tao chưa nhận được lệnh (bỏ) chạy!” (đó cũng là điều không đúng, trong ba ông trung đội trưởng, tôi về tiểu đoàn 95 BĐQ trước Danh và Quới. Danh khóa đàn anh nhưng từ trong vùng 3 thuyên chuyển ra. Cả ba chúng tôi là bạn ngang hàng!).
       Anh chàng Quới chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ ra đường đón được xe Jeep của một đơn vị nào đó, leo lên … biến mất. Bác tài lúc đó bước lại nói nhỏ với tôi “Thôi mình đi…” (Sau này, tôi nghe ai đó trong đơn vị kể lại, chiếc xe chở theo Th/Úy Quới, bon chen chạy ẩu (liều mạng lên trước) bị rớt xuống vực sâu… Âu cũng là số phận. Mong bạn tha thứ vì những lời lẽ “lớn lối” không hay, không đúng! vđh).
        Lúc sắp sửa lên xe, tôi được biết có một phụ nữ có con nhỏ, đã quá mệt mỏi vì trong thùng xe chật chội, nên tôi xách súng, áo giáp leo lên mui ngồi để nhường chỗ cho mấy mẹ con. Khi chiếc GMC rẽ vào liên tỉnh lộ 7B (đã bị bỏ hoang từ lâu), xe cộ dồn lại chật cứng. Cả đoàn xe cứ nhích lên từng chút. Khi trời sụp tối, đoàn xe bật đèn sáng đi thêm một đoạn nữa rồi nằm im, tắt đèn.
       Mọi người trên xe đã ngủ vì quá mệt mỏi, nhưng tất cả đều phải ngủ ngồi (tại chỗ), không một ai dám xuống xe, vì có thể bị xe cán, đường rất xấu, rất hẹp. Vả lại, đoàn xe có thể di chuyển bất cứ lúc nào (khi xe trước nổ máy tiến lên, thì xe kế tiếp cũng phải chạy nối theo sau để có chỗ trống cho những xe đi sau nữa)…
        Đoàn xe kéo dài như vô tận. Đám đàn ông trên xe cũng thấm mệt, ngồi co ro vì lạnh. Tôi khoác chiếc áo giáp vào để chống lạnh rồi cũng ngủ gà ngủ gật. Đó là đêm đầu tiên trên liên tỉnh lộ 7B của một xe GMC hậu cứ Liên Đoàn 22 BĐQ. Những chiếc GMC khác của các tiểu đoàn đều đã chạy lạc nhau (vì không có ai chỉ huy).
       Trong khi đó, nơi thành phố KonTum, Dân và Quân vẫn tiếp tục di tản. Xe Jeep của Trung Tá Bùi Văn Huấn, cùng với xe của mấy sĩ quan tham mưu, khi ra đến Kontum, họ chạy một vòng quanh thành phố trước khi vào hậu cứ B-15. Trong vùng hành quân vẫn còn sĩ quan Ban 2, Th/Tá Phước trưởng Ban 3, và Th/Úy Trần Thiện Danh, cùng mấy người lính truyền tin.
        Nhóm người này phải ở lại để theo dõi các cuộc rút lui của 3 tiểu đoàn Biệt Động Quân trực thuộc sau khi bàn giao phòng tuyến cho các đơn vị Địa Phương Quân tiểu khu Kontum. Chuyện bàn giao phòng tuyến có thể mất cả ngày, nếu không làm gấp và nhanh chóng. Một lần Đại Đội 4 (đại đội đầu tiên tôi phục vụ, sau đó mới đổi qua đại đội 1) nằm trên đồi Ba Chấm, một vị trí chiến lược nằm về hướng tây thành phố Kontum. Trung đội tôi được lệnh ở lại cuối cùng, chờ một đại đội ĐPQ lên bàn giao. Khi họ lên đến nơi đã hơn 2 giờ chiều, Trung Sĩ Cơ phải dẫn mấy người lính ĐPQ xuống một cái chốt để thay cho BĐQ, rồi trung đội tôi mới bắt đầu di chuyển ra khỏi khu vực trách nhiệm. Cả trung đội xuống đến chân đồi Ba Chấm chỉ còn một chiếc GMC duy nhất, đang kiên nhẫn chờ. Lúc đó đã hơn 4 giờ chiều! Trên vùng cao nguyên, mặt trời đi ngủ sớm.
       Theo thứ tự rút quân từ Kontum, sau Đại Đội Trinh Sát 2 BĐQ, Pháo đội 22/PB/BĐQ sẽ rút tiếp theo, rồi đến Tiểu Đoàn 88 ở xa nhất (núi Ngok Bay), Tiểu Đoàn 62, cuối cùng là Tiểu Đoàn 95 BĐQ. Tuy nhiên, khi Tiểu Đoàn 95 BĐQ từ làng Trung Nghĩa rút ra đến quốc lộ 14, không thấy có xe đón. Các đại đội tự động cho lính di chuyển dọc theo con đường, súng chỉa ra hai bên, sẵn sàng chiến đấu… và cứ thế mà lết vào đến phố Kontum.
        Trong khi đó, đoàn xe chở Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn, ĐĐ/TS, Pháo Đội 22/BĐQ, cùng hai Tiểu Đoàn 88 và 62 BĐQ, đã đến đèo Chu Pao. Trong trận Kontum năm 1972, quân cộng sản đóng chốt dày đặc, cắt quốc lộ 14 không cho tiếp tế, để chúng tấn công, dứt điểm thành phố Kontum. BĐQ được lệnh đánh chốt không được lấy xác, chôn tại chỗ (trong đó có Th/Tá Hòa TĐT/TĐ 35, Liên Đoàn 6/BĐQ tử thương vì trúng đạn bị pháo kích. Sau đó gia đình ông mới lên Kontum tìm xác đem về)
“Chu Pao ai oán, hờn trong gió!
Mỗi tấc khăn tang, một tấc đường”
       Sau khi Thiếu Tá Nguyễn Thanh Vân, TĐT TĐ 95 BĐQ báo cáo cho liên đoàn trưởng về tình trạng xe cộ, Trung Tá Bùi Văn Huấn báo cáo lên cho Tướng Phạm Duy Tất và được trả lời là trước tình thế này, Liên Đoàn 22/BĐQ phải tiếp tục di chuyển (đành phải bỏ rơi TĐ 95/BĐQ).” Nhưng Trung Tá Huấn không chịu bỏ rơi thuộc cấp, ông đã trả lời Tướng Tất: “Tất cả cùng đi hoặc cùng chết”.
       Là đơn vị di tản sau cùng, LĐ 22 BĐQ đã gặp rất nhiều chuyện rủi ro. Rất ít BĐQ liên đoàn 22 về đến miền duyên hải. Định mệnh bắt họ nằm xuống, trong cánh rừng xa xăm vùng cao nguyên đất đỏ. (3)
      Trở lại liên tỉnh lộ 7B, trời đã sáng, đoàn xe vẫn kẹt cứng, không di chuyển được. Con đường được biết đã không xử dụng từ nhiều năm qua, rất xấu, nhiều đoạn bị lở, bong nhựa đường chỉ còn đá xanh, đoạn khác không còn gì trở nên con đường đất cát bụi bậm. Tôi nhìn xung quanh quan sát (tại sao xe cộ kẹt dữ vậy?…), phong cảnh rất đẹp, đồi núi trùng điệp… dân cư thưa thớt nên bảo tồn được thiên nhiên.
        Con đường rất hẹp, với một bên là núi rừng, còn bên kia là vực sâu, hay thung lũng. Lái xe không cẩn thận, rơi xuống vực là kể như xong! Dọc theo bìa rừng bên kia đường, tôi nhận ra một đơn vị bạn. Quân phục rằn ri đã gần như biến thành màu đỏ (bết bụi trường chinh).
        Nhìn là biết lính của Liên Đoàn 23/BĐQ, đơn vị chủ lực, trừ bị của Quân Đoàn II. Tên cũ là Liên Đoàn 2/BĐQ, đơn vị này đã tham dự hầu hết các trận đánh lớn trên vùng cao nguyên như Ben Het, Dakto, Pleime, Dak Sang… Phía xa có hai quân nhân Biệt Động Quân và một máy truyền tin PRC-25. Có lẽ là một trung đội trưởng và người mang máy. Đại đội này (có thể là cả tiểu đoàn) đang rải quân ra giữ an ninh trật tự, bảo vệ một đoạn đường trên liên tỉnh lộ 7B.
      Bất ngờ có tiếng súng bắn chỉ thiên. Mọi cặp mắt nhìn về hướng một người lính BĐQ, một tay cầm súng hướng lên trời, tay kia chỉ vào một xe vận tải đang tìm cách len lỏi đi ngược trở lại. “Bác tài. Ngừng xe lại, không tôi bắn bây giờ!” Bác tài xuống xe, giải thích, phân bua gì đó, người lính BĐQ vẫn phải làm theo lệnh cấp chỉ huy “Đại đội trưởng của tôi ra lệnh, không cho bất cứ một chiếc xe nào quay trở về Pleiku!”
        Tiếp theo có tiếng còi xe inh ỏi, tôi quay đầu lại nhìn, một chiếc xe Jeep vừa bóp còi xe, vừa lách chạy lên (cũng có thể từ phía dưới, binh sĩ BĐQ điều khiển trật tự xe cộ, để cho chiếc xe Jeep này quyền ưu tiên chạy lên trước). Người ngồi trước bên cạnh tài xế đeo hai bông mai đen (ngụy trang), người ngồi một mình trên băng ghế sau (quay ngược lại như xe của VIP) nhận ra tôi, cùng lúc tôi cũng nhận ra người bạn cùng khóa 6/72 làTh/Úy Lê Quyền, sĩ quan không trợ LĐ 23/BĐQ. Cả hai đưa tay lên vẫy chào nhau, chiếc xe Jeep chạy nhanh vượt xa ra khỏi tầm mắt. (Anh chàng này đô con nên cấp chỉ huy thích có người như anh ta tháp tùng) (4).
       Trong tác phẩm “Sự Thật Cuộc Triệt Thoái Quân Đoàn II” tác giả Đổ Sơn có cho biết Liên Đoàn 6/BĐQ và một đơn vị hỗn hợp, rút ra khỏi Kontum trước, về Pleiku để đi đầu đoàn quân triệt thoái, bảo vệ một phần liên tỉnh lộ 7B từ Cheo Reo đến sông Ba cho Liên Đoàn 20 Công Binh làm đường, sửa chữa cầu cống. Nhóm rút quân đầu tiên này gồm có Liên đoàn 6/BĐQ, Thiết Đoàn 19 Kỵ Binh và Liên Đoàn 20 Công Binh. Các đơn vị này rời Pleiku ngày 16 tháng 3 năm 1975.
       Nhóm thứ hai rời Pleiku ngày 17/3/1975 gồm có Bộ Tư Lệnh hành quân triệt thoái huy) của Quân Đoàn II (Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm chỉ huy), Lữ đoàn 2 Kỵ Binh (Đại Tá Đồng), Liên Đoàn 23/BĐQ (tăng phái cho Lữ Đoàn 2 KB), Liên Đoàn 7/BĐQ (dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Nguyễn Kim Tây vừa được bộ TTM đưa lên quân đoàn II), 3 tiểu đoàn Pháo Binh và 2 đại đội cơ giới. Liên Đoàn 23/BĐQ bảo vệ thị trấn Cheo Reo (tỉnh Phú Bổn), Liên Đoàn 7/BĐQ bảo vệ đèo Tu Na.
        Cuối cùng, nhóm thứ ba gồm 3 Liên Đoàn BĐQ (4, 22, và 25), Thiết Đoàn 3 Kỵ Binh và một đơn vị Pháo Binh rời Pleiku ngày 18/3/1975 (do Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất chỉ huy). Cả 3 Liên Đoàn BĐQ trong nhóm này đều bị thiệt hại nặng nề lúc giao tranh với địch trên đường rút theo đoàn quân di tản. (5)
           Buổi chiều ngày 17/3/1975, đoàn xe chở Liên đoàn 22/BĐQ di chuyển vào đến liên tỉnh lộ 7B rồi nhập vào đuôi đoàn xe di tản rồi dừng lại, lo chuyện ăn uống sau hơn một ngày phơi nắng. Cái đuôi của đoàn xe di tản này tiếp tục kéo dài ra đến ngã ba nối với quốc lộ 14. Nơi đó, có hai tiểu đoàn còn lại của Liên Đoàn 4/BĐQ, cùng với thành phần còn lại của Liên Đoàn 25/BĐQ (kẹt trong quận Thanh An, Pleiku bị địch tấn công, bám sát không cho rút).
        Nhiều người tản mát ra, đi tìm người thân quen, hỏi thăm nhau, bàn tán, lo âu. Trên đường có một xe Jeep để mui trần chạy tới, một Thiếu Tá BĐQ đứng trên xe (không nhớ có phải Th/Tá Khôi trưởng phòng 3 BCH/BĐQ/QKII hay không?) dùng loa phát thanh nói lớn ra lệnh “Theo lệnh của Tư Lệnh Chiến Trường Kontum (Chuẩn Tướng Tất), bắn bỏ tại chỗ sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ vô kỷ luật không tuân lệnh cấp chỉ huy!”, sau đó chiếc xe Jeep đi đến đơn vị khác dọc theo con đường ban lệnh của vị tư  lệnh chiến trường (6).
        Cũng buổi chiều đó, hai ông thầy giáo Hạnh, Vinh gặp lại nhóm nhà giáo ở Pleiku di tản trên một xe hàng chở đồ, biến cải vừa chở đồ, vừa chở người. Trông thật kinh khủng, vì cái gì cũng chồng chất bỏ lên xe. Từ phía dưới đoàn xe, Th/ Úy Danh sĩ quan Ban 3 LĐ 22/BĐQ lững thững đi dọc theo lên phía trước tìm tôi. Gặp lại “bạn hiền” của nhau, chúng tôi mừng quá. Cứ thế mà hai đứa tôi, với cả hai ông thầy giáo tha hồ hỏi thăm, trao đổi tin tức.
        Danh kể cho tôi nghe, trên đường đi phải dừng lại nhiều lần để đợi đơn vị (rất nhiều xe dân sự đã chen vào các đoàn xe quân sự). Nhờ vậy, Thiếu Úy Sĩ sĩ quan tiếp liệu của một TĐ/ĐPQ thuê nhà cạnh mấy thầy giáo, di tản bằng xe Honda, đã gặp Danh. Anh ta mừng quá, xin cho ít xăng. Th/Tá Phước (trưởng ban 3 LĐ 22/BĐQ) cũng dễ dãi nói tài xế cho anh ta đầy bình xăng (bình xe Honda 50cc thời đó chỉ chứa khoảng 2, 3 lít xăng). Danh nói cứ lo cho hai ông thầy giáo còn chàng ta (bắt buộc không còn chọn lựa) phải đi theo Ban 3 Liên Đoàn. Khi biết đã hơn một ngày ba đứa tôi (Hiếu, Hạnh, Vinh) phải ăn cơm ké dân chạy giặc, tối hôm đó, Danh lần mò trong bóng tối tìm tôi, đưa cho mấy lon đồ hộp.
         Đêm 17/ 3/1975, bắt đầu có những cuộc chạm súng xung quanh thị trấn Cheo Reo. Các đơn vị CS Bắc Việt thuộc Trung Đoàn 48/SĐ 320 di chuyển vào vị trí tấn công, đụng phải các chốt của liên đoàn 23/BĐQ xung quanh Cheo Reo. Về hướng đông, từ đèo Tu Na, Tiểu Đoàn 9, thuộc Trung Đoàn 64/SĐ 320 CSBV, được lệnh di chuyển gấp rút về hướng liên tỉnh lộ 7B, đóng chốt không cho đoàn xe di tản đi qua.
         Ở cuối đoàn xe, đường xá bị kẹt cứng. Nhiều người dân chạy giặc lo sợ, nên đã bỏ xe, bồng bế con nhỏ, dắt dìu nhau đi bộ dọc theo con đường thành từng hàng dài, các bà mẹ lo nắm tay trẻ con sợ bị lạc. Cứ thế, đoàn người di tản đi bộ suốt đêm. Lúc nào mệt, họ ngồi lại bên đường, nghỉ lấy sức, rồi lại tiếp tục di chuyển. Đàn ông, đàn bà đều thấm mệt, nhưng vẫn nhìn thẳng về phía trước, rảo bước. Tội nghiệp những đứa trẻ cố gắng bước nhanh theo chân mẹ, có lẽ chúng không còn sức để nói “Mẹ ơi! Đi chậm lại…”
         Sáng hôm sau, khi linh cảm sự nguy hiểm đang gần kề, tôi nói hai ông giáo Vinh, Hạnh nên đi trước, theo xe (dân sự) của mấy người bạn đồng nghiệp. Hạnh còn ngần ngừ, tôi khuyên cứ đi trước, tôi sẽ lo liệu (cho bản thân mình) sau. Nhờ vậy, họ đi thoát. Khi về đến Tuy Hòa, hai bạn tìm được người bạn học năm xưa (P. Đ. Cường) đang làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín trong thị xã, nhờ giúp đỡ (mượn tiền mua vé máy bay về Saigon ). Cường rất hiền lành, ăn ở rộng rãi với bạn bè.
         Khung cảnh quanh khu vực thị trấn Cheo Reo buổi sáng hôm đó, phải nói là kinh hoàng! Đoàn người đi bộ vào đến khu vực, lem luốc vì mồ hôi, bụi đường. Nhiều người đi chân đất. Họ trải chiếu ngồi tụm lại từng gia đình nghỉ mệt, hoặc cứ ngồi, nằm trong một góc khuất nào đó để tránh bị xe cán.
        Ký giả Nguyễn Tú báo Chính Luận, cho biết “chuyện buồn nhất là hàng ngàn người phải đi bộ… Suốt đêm, hàng dài người kéo nhau, lê lết đi bộ đến Cheo Reo. Khi ánh mặt trời lên, sức nóng làm cho họ thấm mệt nhanh chóng…đàn bà, người già và trẻ em không còn một giọt nước để uống.” Ông ký giả sợ rằng nhiều người sẽ chết vì khát. Ký giả Nguyễn Tú đã chứng kiến nhiều cuộc di tản, kể cả cuộc di tản khỏi Quảng Trị trên quốc lộ 1 ("đại lộ kinh hoàng" năm 1972), nhưng lần di tản trên quân đoàn II lần này “kinh hoàng” hơn nhiều. (7)
        Sau khi một ít xe dân sự qua khỏi đèo Tu Na, phần còn lại của trung đoàn 64 CSBV vào đến chiến trường, phối hợp với trung đoàn 48 BV tấn công các vị trí của Liên Đoàn 23/BĐQ và Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh. Bộ Tổng Tham Mưu QL/VNCH bắt được công điện của Sư Đoàn 320 CS chuẩn bị tấn công tiêu diệt đoàn quân di tản ở Cheo Reo, nên vội vã báo tin ngay cho Tướng Phú.
      Tướng Phú lập tức bay lên Cheo Reo, ra lệnh cho Đại Tá Đồng, xử dụng Liên Đoàn 7/BĐQ phối hợp với thiết giáp, tấn công lên đèo Tu Na. Biệt Động Quân đi trước mở đường cho chiến xa và đoàn xe GMC theo sau, tiến lên đèo. Liên Đoàn 7/BĐQ đánh xuyên qua phòng tuyến, phá các chốt của Tiểu Đoàn 9/Trung Đoàn 64 Bắc Việt dễ dàng để cho đoàn xe tạm thời lưu thông được, để băng qua đèo Tu Na đến Cung Sơn.
         Rồi chuyện xui xẻo cũng đến với Liên Đoàn 7/BĐQ. Mấy phi tuần A-37 bay yểm trợ, thả bom lầm vào phòng tuyến BĐQ, gây tổn thất nhiều cho lính Mũ Nâu. Trong đó có một vị tiểu đoàn trưởng (Th/Tá Võ Mộng Thủy TĐT 32/LĐ 7 BĐQ, cựu TĐT/TĐ30 BĐQ (thuộc LĐ 32, tên cũ là LĐ 5 BĐQ). Th/Tá Thủy tướng tá ngon lành cao lớn, đẹp trai, lúc chết vẫn còn anh hùng. Ông nhờ người dân chạy giặc, nói lại với các binh sĩ BĐQ là đừng đi tìm ông… (lúc đó, có rất nhiều dân chạy giặc trong khu vực giao tranh). Trong trận này, Đại Úy Hiệp, Tiểu Đoàn Phó TĐ 58/BĐQ (tên cũ là TĐ 41) Liên Đoàn 7/BĐQ cũng bị thương.
        Sau khi đánh xuyên qua các chốt địch trên đèo Tu Na, Liên Đoàn 7/BĐQ đã mở đường và bảo vệ cho một số xe thiết giáp, GMC, xe dân sự đi thoát về Cung Sơn. Trung Đoàn 64 Bắc Việt được lệnh tấn công lên đèo, nhưng BĐQ giữ vững phòng tuyến. Trung đoàn này đóng quân dọc theo liên tỉnh lộ 7B, khóa chặt không cho phần còn lại di tản tiếp tục (thoát khỏi Cheo Reo).
        Trong khi đó, pháo binh Bắc Việt đã sẵn sàng, bắt đầu pháo kích vào thị trấn Cheo Reo, một thị trấn rất nhỏ, kẹt cứng với hàng trăm xe đủ loại, và hàng ngàn thường dân. Hỗn loạn cùng với sự kinh hoàng xẩy ra. Nhiều xe bị trúng đạn hư hại, bốc cháy. Thường dân lại phải dắt nhau, bồng bế trẻ em, bỏ chạy khắp nơi tránh đạn pháo kích.
      Theo ký giả Nguyễn Tú “Tiếng đạn đại bác xé gió bay vào thành phố, tiếng đạn nổ, tiếng súng tiểu liên AK, M-16 (phòng tuyến liên đoàn 23/BĐQ thu nhỏ lại, sát vòng đai thị trấn), tiếng la hét, tiếng than khóc người bị thương, tiếng trẻ em vừa khóc vừa gọi cha mẹ nghe như tiếng gào từ dưới điạ ngục.”
       Liên đoàn 23/BĐQ cầm cự đến 5 giờ chiều, rồi rút vào bên trong thị trấn Cheo Reo, chỉ còn lại những túi kháng cự nhỏ. Đến gần 12 giờ đêm, Trung Đoàn 48/SĐ 320 CSBV hoàn toàn thanh toán những ổ kháng cự cuối cùng của BĐQ. Trước đó, trung đoàn 9/SĐ 320 tấn công phía cuối đoàn xe trên liên tỉnh lộ 7B.
        Ba liên đoàn BĐQ đi sau, đã bị tổn thất trước đó, đang trải dài trên con đường, là mục tiêu rất tốt cho các loại súng của địch như B-40, AK-47, đại bác không giật, hỏa tiễn tầm nhiệt chống chiến xa AT-3 Strella. Trong khi pháo binh BĐQ đã xếp càng để kéo đi theo, không thể bắn yểm trợ quân bạn, pháo binh Bắc Việt cùng với các ổ súng cối 61, 82 ly gây tổn thất đáng kể cho BĐQ.
       Các tiểu đoàn thuộc Liên Đoàn 22/BĐQ nằm chịu trận trên đường, không liên lạc được với nhau. Th/Úy Đỗ Tường Chin (K6/72) sĩ quan truyền tin tiểu đoàn, kiêm ĐĐP Công Vụ kể lại “Tao bị thương, trốn được hai ngày trong rừng mới bị bắt. Tội nghiệp vợ chồng Đại Úy Ngọ tiểu đoàn phó, cả hai ông bà bị trúng miểng đạn pháo kích chết. Vợ ông Ngọ bất ngờ từ Saigon ra thăm chồng, rồi phải đi theo đoàn quân di tản!”
       Th/Úy “Toàn Mát” một thời là ĐĐP của tôi, thoát được với hơn 10 người lính. Một tay “gangster” của tiểu đoàn là Th/ Úy Sú A Sam, người dân tộc thiểu số, gốc Thiếu Sinh Quân, bị bắt rồi bị lính Bắc Việt bắt cởi đôi giầy để khỏi trốn (đó là một nhược điểm quan trọng). Sam kể cho tôi nghe “lúc phi cơ lên oanh kích, tụi nó lính quýnh… tao dọt luôn!”. Khi về đến Dục Mỹ đôi bàn chân của chàng sưng rất to, chỉ mang đôi bí tất, đi cà nhắc. Một tay súng khác là Th/Úy Sang (K9/72), chỉ vào cái địa bàn buộc trên sợi dây đeo cổ “Bản đồ hành quân không có… (vì trên đường di tản), tao chỉ còn cái này dắt hơn một chục người lính (đủ các liên đoàn), băng rừng vượt suối về đến Nha Trang.”
       Đại Đội Trinh Sát 22/BĐQ chiến đấu rất anh dũng, bảo vệ Bộ Chỉ Huy của liên đoàn. Các sĩ quan tham mưu chạy lạc khắp nơi, kể cả bác sĩ y sĩ trưởng. Danh chạy cùng với Th/Tá Phước, trưởng Ban 3. Tháng Ba trên vùng cao nguyên, nắng cháy da người. Khát nước khô cổ họng, đôi môi nứt nẻ. Đó là điều ký giả Nguyễn Tú lo sợ, dưới sức nóng của ánh mặt trời, không còn một giọt nước, nhiều người kiệt sức, đặc biệt trẻ em có thể chết.
       Danh kể lại “Ông Phước đi hết nổi, đã phải uống nước tiểu cho đỡ cơn khát. Khi đến một khoảng đất trống đủ rộng để trực thăng đáp xuống, hai người ngồi nghỉ mệt, bất chợt nghe tiếng trực thăng bay ngang đầu, Ông Phước cầm tấm panô (một mặt mầu xanh, một mầu cam để cho phi cơ nhận diện) chạy ra giữa khoảng đất trống (lúc đó con người không còn sợ chết nữa). Rồi ba thằng lính Bắc Việt cầm AK từ trong bìa rừng phía bên kia bước ra khỏi hàng cây… Tao quay trở lại dọt lẹ!”.
        Đến chiều ngày 19/3/1975, có thể nói trận chiến trên liên tỉnh lộ 7B chấm dứt, sau khi Trung đoàn 64/SĐ 320 CSBV thanh toán các ổ kháng cự cuối cùng của BĐQ tại Cheo Reo. Không Quân chiến thuật của Quân Đoàn II được lệnh bắn phá, tiêu hủy tất cả các chiến cụ nặng mà quân đội VNCH bỏ lại trên liên tỉnh lộ 7 đầy “máu và nước mắt”.
         Bên trong thị trấn Cheo Reo, khu vực xung quanh thung lũng đầy xác người, thường dân nhiều vô số kể. Xác đàn bà, trẻ em thường nằm cạnh nhau trông rất thương tâm. Trên Kontum, bên cạnh nhà hai ông thầy giáo bạn tôi, có ba ông dạy trường Nông Lâm Súc Kontum, Toàn, Hoàng, và Tiền. Lúc bắt đầu di tản, tôi  hỏi ông bạn Hạnh “Còn mấy ông Nông Lâm Súc tính sao?” Hạnh trả lời, mấy ông Nông Lâm Súc quen với một tay làm việc cho tòa lãnh sự (tôi quên mất tên), sẽ cho ba ông thầy Nông Lâm Súc đi theo.
       Cuối cùng, họ lại bị bỏ rơi, phải chạy theo đoàn người di tản bằng đường bộ và định mệnh đuổi kịp họ trong thung lũng Cheo Reo. Tôi gặp ông tên Tiền ở Nha Trang, anh vừa khóc vừa kể lại câu chuyện “Thằng Toàn trúng đạn chết tại chỗ, Hoàng bị thương, tôi cũng bị thương nhẹ nơi chân vẫn còn đi được. Tôi cố dìu Hoàng lết đi theo đoàn người, rồi Hoàng kiệt sức, không có thuốc men, băng bông và cũng không có nước uống. Nó nói tôi bỏ nó lại, nó chỉ muốn nằm ngả lưng, đi hết nổi rồi…”
        Nhiều đơn vị bị phân tán, các đơn vị BĐQ không phân biệt liên đoàn; gom lại thành từng nhóm nhỏ, cố gắng vượt qua đèo Tu Na bằng cách đi vòng. Tôi gặp Th/Úy Sĩ, sĩ quan tiếp liệu ĐPQ, lúc đó cũng đã vất bỏ chiếc Honda để chạy bộ. Hai chúng tôi đến một xóm làng nhỏ phía bên kia chân đèo. Cả hai thấm mệt, tôi cởi áo giáp gấp đôi lại làm gối, ngả lưng trên nền đất. Ông bạn Sĩ cũng nằm xuống tâm sự… “BĐQ đi rồi, cả thành phố Kontum vắng tanh… tôi liên lạc với TĐT (ĐPQ) báo cáo, ông ta nói tôi… Nếu có chuyện gì, cứ chạy vào (nơi đóng quân của TĐ/ĐPQ) với ông ta…”.
       (Theo tài liệu của địch, Sư Đoàn 968 Bắc Việt (một sư đoàn nhẹ chỉ có hai trung đoàn) cho quân tiến vào tiếp thu hai thành phố Pleiku, Kontum. Họ ra lệnh cho một đơn vị tiền phương tiến nhanh lên cắt quốc lộ 14 đoạn nối Pleiku – Kontum, bắt được viên Tỉnh Trưởng cùng mấy sĩ quan tham mưu của ông ta trên đường đi về Pleiku sáng ngày 17/3/1975).
        Sáng hôm sau, Sĩ đi mất tiêu từ lúc nào không biết. Còn một mình, tôi đi dọc theo bìa rừng, tránh ngôi làng và cứ tiếp tục đi vòng chân núi, hy vọng gặp lại đoàn xe chạy trước sau khi Liên Đoàn 7/BĐQ đã đánh xuyên qua các chốt chặn của Trung Đoàn 64 Bắc Việt cho một số quân xa và xe dân sự đi thoát qua bên kia đèo Tu Na đến Cung Sơn. Tôi đi đến xế trưa thì thấy cánh rừng đã thưa ra, không nhiều cây cối như trên lưng đèo. Có một con đường đất đỏ, hẹp đủ rộng cho một chiếc xe đi qua (có lẽ dân khai thác gỗ làm cho xe “Be” chạy).
        Cảm thấy an toàn và hy vọng Liên Đoàn 7/BĐQ vẫn còn trấn đóng trên đỉnh đèo Tu Na, tôi đi bộ dọc theo con đường đất được một quãng, trông thấy một bà già và một cô cháu gái nhỏ chừng 12, 13 tuổi đang dừng chân nơi một con lạch nước (suối) nhỏ, chỉ rộng khoảng 1, 2 thước rất cạn, nhìn thấy đáy.
       Hai bà cháu đã uống nước, dùng một túi (bọc nylon) lấy thêm nước cột lại để đem theo. Thật mừng rỡ, tôi cũng đi lại cúi xuống, lấy hai tay tạt nước vào mặt, lên đầu ướt hết áo. Đã cơn khát, tôi ngước lên nhìn hai bà cháu cũng đang ngừng tay nhìn người lạ (tôi). Nhìn xuống dưới chân họ, cả hai bó hai bàn chân bằng những tấm vải cột lại (trong lúc chạy cho mạng sống, giầy dép vứt bỏ cho nhanh). Thật buồn, thấy mình cũng chẳng giúp gì được hai bà cháu, cũng không biết mở miệng chào hỏi đôi câu, nên tôi lặng lẽ bỏ đi.
       Tôi vừa đi và chạy, trên người chỉ mỗi bộ quần áo, một khầu súng M-16 và một băng đạn, đủ bảo vệ sinh mạng của mình, chẳng giúp được ai. Nhớ lại ánh mắt hai bà cháu, tôi cảm thấy xấu hổ và mang mặc cảm tôi lỗi, vì không làm tròn bổn phận của một quân nhân. Được một quãng, tôi thấy có cặp vợ chồng trẻ, người đàn ông mặc quần áo lính màu xanh (treillis). Có lẽ anh là lính Địa Phương Quân tiểu khu Phú Bổn, cũng có thể là Phú Yên vì Cung Sơn đã thuộc về Phú Yên.
       Vì đi một mình, tôi băng qua mặt hai vợ chồng trẻ nhanh chóng. Chợt nghe tiếng xe, tôi quay đầu lại trông thấy một xe Jeep Công Binh cũng đang chạy trên con đường đất nhỏ, tôi đưa tay vẫy cho xe ngừng lại. Ở phía dưới, hai vợ chồng trẻ ôm con chạy lên xin quá giang. Trên xe đã chật, mấy ông sĩ quan Công Binh chỉ cho mình tôi lên xe, còn hai vợ chồng chi cho lên xe được một người.
        Lúc đó tôi nhìn kỹ, họ bế theo một đứa con sơ sinh quấn trong mấy tấm vải, tã lót. Người chồng mừng rỡ xin cho vợ con đi theo còn mình đi bộ… Nhớ đến đây, tôi cảm thấy xấu hổ, sao mình hèn quá, chỉ biết lo cho bản thân… Tại sao không nhường chỗ cho người chồng, để cặp vợ chồng trẻ đi chung với nhau?
       Xe Jeep chạy đến khoảng 4 giờ chiều, gặp lại đoàn xe di tản đã thoát qua khỏi thung lũng tử thần Cheo Reo và đèo Tu Na. Tài xế ngừng lại, tôi leo xuống rồi bắt đầu đi bộ dọc theo đoàn xe, tìm người quen trong số mấy chiếc xe GMC chở hậu cứ Liên Đoàn 22/BĐQ đi trước.
        Một anh Trung Sĩ phục vụ trong liên đoàn, có lẽ là nhân viên Ban 1 nhận ra tôi. Anh hỏi thăm rồi dẫn tôi đến chiếc xe GMC chở mấy quân nhân trong ban Truyền Tin, các Ban khác trong đơn vị. Chỉ mới hơn một ngày, có lẽ thấy tôi đã “xuống sắc”, anh trung sĩ Ban 1 đem lại cho tôi một tấm chăn đắp để muỗi không “làm thịt”. Đúng là ở hiền, gặp lành nên được nhiều người trong liên đoàn nhận ra tôi, dù chưa tiếp xúc với nhau lần nào. 
       Trong đoàn xe này rất nhiều xe dân sự được trưng dụng. Tôi nhận thấy có một toán Lôi Hổ. Họ từ chiến trường Ban Mê Thuột về đến Pleiku được biết đơn vị mình và cả Quân Đoàn II di tản, nên lấy xe chữa lửa trong phi trường đi luôn. Phía trước vẫn còn kẹt, đoàn xe lại dậm chân tại chỗ. Không thấy xe hàng dân sự chở mấy ông thầy giáo, tôi mừng thầm và cầu cho họ được đi thoát.
        Bộ tư lệnh chiến dịch (Tây Nguyên) Bắc Việt điều động ba tiểu đoàn địa phương cấp tỉnh (như ĐPQ của QL/VNCH) từ khu vực hoạt động nơi hướng bắc, di chuyển xuống đóng chốt trên liên tỉnh lộ 7B, không cho đoàn xe chạy thoát về Tuy Hòa. Một đơn vị du kích xâm nhập quận Phú Túc, chiếm đóng bộ chỉ huy Chi Khu đêm 18/3/1975. Đêm đó, một đơn vị thuộc Liên Đoàn 7/BĐQ cũng rút về đó. Sáng hôm sau (19/3/1975) họ đánh đuổi đám du kích này chạy trở vào rừng.
        Cùng lúc đó, Tiểu khu Phú Yên được lệnh đánh giải tỏa mấy chốt VC, nhưng không xong, nên đoàn xe phải nằm chờ… Một đoàn người thiếu kiên nhẫn, nóng lòng đẩy mấy chiếc Honda lên phía trước đoàn xe. Họ chở vợ con, vali đựng quần áo, chạy về hướng Tuy Hòa. Không đầy nửa tiếng đồng hồ sau, có tiếng súng nổ. Chỉ một phụ nữ chạy trở lại, vừa chạy vừa la hét thất thần “Tụi nó (du kích VC) bắt chồng tôi rồi… Họ bắt chồng tôi tôi rồi…”
       Tôi la lớn “Nắm bà ta lại!”. Hai người lính BĐQ nắm hai tay giữ người đàn bà. Trước ngực bà đeo một túi vải đựng đứa con nhỏ (cột vào người cho dễ chạy, hai tay được tự do). Đứa bé bị thương, máu thấm ra ướt tấm vải cột nó dính vào người mẹ. Một người đàn ông mặc quần áo dân sự lại tiếp tay, cởi túi vải lấy đứa bé ra. Nhưng đã quá trễ để cứu đứa bé. Người mẹ được dìu ngồi xuống đất, khóc lu bu, vẫn chưa biết con mình đã chết.  Hai chân bà ta, cũng như nhiều người đi bộ khác, được bó nhiều lớp vải (như hai bà cháu tôi đã gặp) để dễ dàng di chuyển.
       Đoàn xe lại phải chờ thêm một ngày nữa. Cuối cùng BĐQ phải gánh trách nhiệm đánh mấy chốt của quân du kích Phú Yên. Như đã nói trong phần đầu, Liên Đoàn 6/BĐQ đi đầu đoàn quân di tản và bảo vệ Liên Đoàn 20 Công Binh sửa chữa đường xá, cầu cống, nên ít bị thiệt hại.
        Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất ra lệnh cho Liên Đoàn 6/BĐQ (lúc đó Tr/Tá Trương Khánh làm liên đoàn trưởng, thay cho Đại Tá Cao Văn Ủy lên làm phụ tá cho Tướng Tất) đưa TĐ 34/BĐQ do Th/Tá Trịnh Trân làm tiểu đoàn trưởng, cùng với Thiết Vận Xa M113 quay trở lại liên tỉnh lộ 7B để “nhổ” chốt địch.
        Sáng 20/3/1975, một chiếc xe Honda (phải dùng Honda mới luồn lách đi dưới ruộng) chở một người bị thương vào đùi, máu chảy không cầm được vì không có thuốc men, băng bông, chạy dọc theo đoàn xe tìm bác sĩ hay y tá. Người bị thương đã kiệt sức, gục đầu vào lưng người lái xe Honda. Anh ta được chôn cất ngay bên vệ đường, trên ngôi mộ có hai miếng gỗ làm dấu thánh giá ghi tên họ người vắn số, hy vọng sau này thân nhân của anh tìm thấy được.
       Đến buổi trưa, có một đoàn người đi bộ, bồng bế dìu nhau đi tới. Có lẽ Trung Đoàn 64 CSBV tấn công dữ dội vào tuyến phòng thủ của LĐ 7/BĐQ đang bảo vệ đoạn hậu cho đoàn xe di tản, nên dân lành phải chạy lên phía đầu đoàn xe. Họ đi ngang qua đoàn xe nào, người đi trong đoàn xe đó tự động lên xe để khỏi mất chỗ và xe phải chuẩn bị di chuyển.
        Trong đám ruộng, ngang chỗ xe GMC của liên đoàn chúng tôi đang đậu, có hai người lính Điạ Phương Quân ở lại. Một trong hai người đã bị thương, nằm khóc khi biết bạn mình sắp bỏ đi. Đoàn người tỵ nạn tiếp tục đi ngang qua, người lính ĐPQ vẫn chưa nỡ bỏ bạn mình và vẫn ngồi bên cạnh. Còn anh kia vẫn nằm đó than khóc. Lúc đó, trên xe GMC có một sĩ quan trợ y BĐQ (tôi không biết thuộc đơn vị nào) lấy trong balô một mũi morphine chích cho người lính ĐPQ kém may mắn ấy.
        Trong khi đó, TĐ 34/BĐQ (Liên Đoàn 6) vẫn còn đang đánh mấy chốt của địch. Đám du kích VC chịu không nổi bỏ chốt chạy về hướng đoàn xe. Chúng bắn lung tung, làm cho mọi người trên xe nhảy xuống ruộng (đã khô vì mùa hè, thấp hơn mặt đường) tránh đạn. Đằng trước xe GMC của liên đoàn là một xe Pháo Binh Phòng Không, trên xe có ổ súng đại bác phòng không 40 ly bốn nòng, bất ngờ bỏ chạy.
       Theo phản ứng tự nhiên, tôi nhảy lên bửng xe GMC, một tay nắm kính chiếu hậu, tay kia thủ khẩu M16, vừa chỉ tay vào chiếc xe Pháo Binh, hét vào tai bác tài “Chạy theo xe kia!” (tôi tin hỏa lực của bốn khẩu đại bác 40 ly, có thể che chở cho xe mình). Bác tài nghe lời tôi cho xe chạy ngay. Giữa hai chiếc xe (Pháo Binh và xe BĐQ) là hàng trăm người đàn ông, quân lẫn dân chạy bộ trên đường.
       Du kích VC lại bắn ra, đoàn người đang chạy bộ vội nhảy xuống ruộng. Trên liên tỉnh lộ 7B chỉ còn xe cộ tiếp tục chạy. Tôi vẫn chưa thấy một tên du kích nào xung phong vào đoàn xe, nên nhắm vào những bụi cây bóp cò súng. Khẩu M16 hết đạn nhanh chóng (tôi chỉ có một khẩu súng và một băng đạn).
       Thật ra, tôi cũng không thể ráp đạn được, một tay vẫn phải nắm chắc kính chiếu hậu xe GMC để khỏi rơi xuống xe. Tôi đưa khẩu súng lên lên trên, nói lớn “đưa khẩu súng khác”. Trên xe có Trung Sĩ Sơn chuyền xuống cho tôi khẩu AK-47 và tôi cũng bắn hết đạn cả hai khẩu. (xem hình. Trung Sĩ Sơn là người đeo khẩu AK47, tôi đội mũ lưỡi chai, trên đùi là áo giáp vừa đỡ đạn vừa làm gối ngủ)
        Trên đường, những người chạy bộ đi trước, bị BĐQ chận lại vì có chốt đánh chưa xong. Họ tấp vào một hiên nhà tránh nắng, rồi có tiếng lựu đạn nổ. Người chết và bị thương nằm lại, ai may mắn không bị gì chạy tản mác ra (đám VC chịu không nổi BĐQ tấn công, truớc khi bỏ chốt, chúng gài lựu đạn, kết quả như thời xa xưa… chết dân lành vô tội). Tôi thấy bên phải con đường, một trung đội BĐQ đang dàn hàng ngang, chuẩn bị xung phong băng qua liên tỉnh lộ 7B.
       Một người lính y tá đang cúi đầu chạy dưới ruộng lôi một BĐQ bị trúng đạn đang nằm bên lề đường, xuống dưới ruộng để tránh đạn. Qua khỏi chỗ đó đến một khúc đường khác, một trung đội BĐQ khác đã băng qua đường, vào tránh đạn trong một căn nhà. Gần đó một BĐQ khác trúng đạn đang nằm dẫy dụa. Một BĐQ đứng trước cửa căn nhà, đua hai tay xua qua lại làm dấu cho trên xe chúng tôi đừng bắn (trúng quân bạn). Anh ta la lớn chúc mừng “Từ đây ra đến quốc lộ 1 (Tuy Hòa) không còn chốt nào nữa… Hẹn gặp các bạn ở Saigon!”
        Đoàn xe đi qua gần đến quốc lộ 1, người dân Tuy Hòa ra vẫy tay chào đón. Có một bà cụ thắp hương khấn vái như tạ ơn trên đã cứu đoàn xe (còn sót lại). “Đoạn đường chiến binh từ Kontum về đến Tuy Hòa” của một quân nhân Liên Đoàn 22/BĐQ đến đây có thể nói là kết thúc.
       Chiều hôm đó, tôi vào đến Tuy Hòa, tìm gặp ông bạn P. Đ. Cường. Anh này được mọi nhân viên làm việc trong ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Tuy Hòa thương mến, cho tôi ở lại đi với họ về Saigon bằng Air Việt Nam (họ bao nguyên chuyến bay).
        Tôi cảm ơn nhưng từ chối. Tôi vẫn còn đơn vị, còn bạn bè, vẫn còn chiến hữu… sống chết với tôi.
Fort Hay State University
Department of Computer Science
Dallas, Texas April 22, 2021
vđh
GHI CHÚ:
(1) Th/Úy Lê Quyền, Tiểu Đoàn 11, Liên Đoàn 23/BĐQ (Liên Đoàn 2 BĐQ cũ), Khóa 6/72 Thủ Đức, sau khi đi học Không Trợ về làm sĩ quan Ban 3 cho liên đoàn. Gặp nhau trên liên tỉnh lộ 7B, tôi đi theo cánh quân Liên Đoàn 22/BĐQ (đi sát vào nhau vì sợ lạc, lúc đó xe cộ, thường dân đã xen kẽ vào với đoàn xe quân đội, gây trở ngại lớn cho các đơn vị BĐQ trong vấn đề liên lạc, điều quân vào vị trí chiến đấu), Quyền ngồi băng sau xe Jeep của Tr/Tá Lê Tất Biên LĐT 23/BĐQ đi ngang qua. Chúng tôi nhận ra nhau, nhưng cả chỉ biết đưa tay vẫy…
(2) Hai Trung Sĩ trẻ là Bi (Nguyễn Bá Bi) và Khánh. Cả hai ở Saigon, nhà Bi trong xứ An Lạc trên đường Lê Văn Duyệt (Quân Vụ Thị Trấn SG). Tôi có bạn trong xứ đạo này, SVSQ Hoàng Thanh Hiệp, lúc đi chiến dịch tháng Giêng năm 1973, bị thương giải ngũ (trong truyện ngắn Anh Đi Chiến Dịch. vđh). Năm 1972 (Mùa Hè Đỏ Lửa) là năm khởi đầu cho những chuyện buồn, tiếc thương.
        Khi nhận trung đội, tôi rất ngạc nhiên khi có hai viên Trung Sĩ rất trẻ, chỉ đáng tuổi em trai tôi. Trong khi các bạn cùng khóa 6/72 với tôi, đa số sinh năm 1952 đang học năm thứ nhất các phân khoa đại học Saigon, thì Bi và Khánh kém ba tuổi (sinh năm 1955) đang học lớp 10. Họ vừa đúng 17 tuổi (nhưng đã trễ 1 năm học), bị động viên học lớp Hạ Sĩ Quan (chưa có bằng Tú Tài).
        Trung đội có ba Trung Sĩ khác là Trung Sĩ Nê (đề cập đến trong bài viết ở trên), Trung Sĩ Cơ, ông này thăng tiến từ hàng binh sĩ, và Trung Sĩ Gabriel Pip (Tây lai, có nói đến trong bài viết Nơi Biên Cương. vđh) Sau trận Kon Sơ Lu, giữa tháng Ba năm 1974, cả hai Bi và Khánh… mất tích!
(3) Theo lời Th/Tá Nguyễn Thanh Vân kể lại trong dịp về Dallas dự đại hội BĐQ/Dallas năm 2000, và BĐQ/Houston năm 2001. “Tôi phải cám ơn Trung Tá Huấn”
(4) Khoảng năm 2015, tôi có dịp về VN, cùng đi với mấy người bạn đồng khóa 6/72 lái xe thăm miền trung, nhân dịp đó đã ghé thăm người bạn đồng môn, cùng binh chủng là BĐQ Lê Quyền.  Quyền làm ruộng trong một làng nhỏ từ Nha Trang đi lên Tuy Hòa. Nhìn ông bạn già hom hem, không còn là một sĩ quan trẻ đô con, tôi hơi bị sốc. Không dè người bạn năm xưa “xuống” dữ vậy!
        Tôi thuộc loại đàn ông “ế kinh niên!” một năm cô đơn đủ bốn mùa, có con rất trễ. Hôm đó, ôm đứa con 6 tuổi vào lòng, tôi nói với cháu mà như thì thầm với chính mình “Con thương bác Quyền không con? Bố buồn quá! Hồi xưa bác Quyền to con, tướng tá ngon lành...”
        Quyền nói cho tôi biết, sáng hôm gặp nhau trên liên tỉnh lộ 7B, người ngồi trước là Trung Tá Lê Tất Biên, LĐT LĐ/23/BĐQ. Hôm sau nữa Liên Đoàn 23/BĐQ chiến đấu rất anh dũng, bị thiệt hại nặng. Bộ Chỉ Huy liên đoàn và Bộ Chỉ Huy lữ đoàn 2 Kỵ Binh bị địch tràn ngập. Quyền kể tiếp “Tao bị bắt cùng với liên đoàn trưởng và Đại Tá Đồng của Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh. Trung Tá Liên Đoàn phó đi theo cánh Bravo (cánh B, bộ chỉ huy nhẹ) tử trận.”
(5) “Sự Thật Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên”, Đỗ Sơn, trang 69.
(6) Trưởng phòng 3 BĐQ/QKII cùng các sĩ quan trực thuộc đi theo đoàn quân di tản trên bộ để phối hợp các đơn vị, bị địch tấn công (Cả đoàn xe kẹt cứng nằm phơi lưng trên liên tỉnh lộ 7B. Bị địch tấn công ai, người đó hứng chịu. Rất khó di chuyển, hay điều quân. Pháo binh không còn yểm trợ [vì tất cả đều xếp càng để di chuyển]).
        Theo quyển Mùa Hè 1975, tác giả Jay Veith (vđh dịch thuật), đơn vị địch tấn công khúc cuối đoàn xe di tản là Trung Đoàn 9/SĐ 320 Bắc Việt. Đơn vị này đóng quân gần biên giới hai tỉnh Darlac, Pleiku, được lệnh di chuyển lên hướng bắc, tấn công đoạn cuối đoàn xe, tại nơi quốc lộ 14 rẽ vào liên tỉnh lộ 7B.
         Khi về đến Nha Trang, Phòng 3 Bộ Chỉ Huy BĐQ/QKII không còn sĩ quan. Tôi và Danh được lệnh của Trung Tá Bùi Văn Huấn vào trình diện Th/Tá Hoè (ông này làm trưởng Phòng 2, lúc đó phải kiêm luôn Phòng 3…). Ông Hoè giữ tôi lại làm việc trong Trung Tâm Hành Quân với một Đại Úy (thuộc một đơn vị BĐQ nào đó cũng trình diện như tôi) cho đến ngày Nha Trang di tản.
(7) Mùa Hè 1975 (Jay Veith – vđh) trang 96 – 97.

No comments:

Post a Comment