Sinh năm 1927 tai An Lộng, Triệu Phong, Quảng Trị.
Tốt nghiệp Võ Bị Quốc Gia Khóa 3.
Sĩ Quan Cán Bộ cho Khóa 8 và Khoá 10 Võ Bị Đà Lạt.
Tùy viên Quân Lực Tòa Đại Sứ VNCH tại Washington.
Chỉ Huy Trưởng Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống.
Thị Trưởng Thành Phố Đà Nẵng.
Nguyễn-Viết Kim
Gần ngôi thánh đường Saint Columbian là một khu
chung cư nhỏ với khoảng 50 đơn vị, đó là nơi tôi có dịp tiếp chuyện với
ông Nguyễn Ngọc Khôi, năm nay 83 tuổi và có phong thái ung dung của một
kẻ sĩ phương Đông. Ông là thân phụ của giáo sư Nguyễn-Lâm Kim Oanh. Qua
nhiều cuộc mạn đàm với ông, tôi xin ghi lại cái nhìn dưới góc độ của một
vị cao niên trải nghiệm thời gian với nhiều biến động .
Đang theo
học để trở thành những sư huynh (freres), với mộng ước khi tốt nghiệp sẽ
dạy học ở các trường Taberd (La San) thì ông bị gọi động viên vào năm
1950, lúc đó Việt Nam mới được Pháp trao trả quyền độc lập trong Liên
Hiệp Pháp. Khi trường Võ Bị Liên Quân (inter-armes, inter- armed forces)
mở khoá đầu tiên tại Đà Lạt vào năm 1951, để đào tạo các sĩ quan cho
Quân Đội Quốc Gia (sau này là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa), ông theo học
và tốt nghiệp khóa này với cấp bậc thiếu úy hiện dịch, được đặt tên Trần
Hưng Đạo và Quốc Trưởng Bảo Đại chủ tọa Lễ Mãn Khóa . Sau một thời gian
chinh chiến tại miền Trung, đặc biệt là tại vùng Khe Sanh, trung úy
Khôi được gọi về Võ Bị Quốc Gia và là huấn luyện viên. Năm 1956, ông Ngô
Đình Diệm được dân bầu vào chức vụ Tổng Thống của Đệ Nhất Cộng Hòa .
Tòa Đại Sứ được thành lập tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn và tuỳ viên quân lực
là thiếu tá Khôi. Năm 1957, trung tá Khôi tham dự vào việc chuẩn bị
chuyến công du Hoa Kỳ của tổng thống Ngô Đình Diệm . Hồi hương năm 1958,
được bổ nhiệm là Tư Lệnh Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Tổng Thống Phủ vào
năm 1960 . Sau một thời gian phục vụ tại Cao Nguyên, năm 1968 đại tá
Nguyễn Ngọc Khôi nhậm chức thị trưởng Đà Nẵng. Năm 1972 ông là thành
viên quân sự của Ủy Ban Thi Hành Hiệp Định Ba Lê với nhiệm sở tại Paris
và Saigon . Đầu năm 1975, sau 25 năm quân vụ, được giải ngũ cùng với lớp
sĩ quan đầu tiên . Rời khỏi Việt Nam từ đảo Phú Quốc vào cuối tháng 4
năm 1975 . Sau một thời gian tại Denver, Colorado thì định cư tại Orange
County .
Suy nghĩ của cụ Khôi qua dòng thời gian:
- năm 1949 thì
Pháp Quốc chấp nhận cho Việt Nam có nền độc lập, tình hình biến chuyển
nhanh và Quân Đội Quốc Gia được thành lập, lệnh động viên ban hành; sau
một thời gian trong quân đội ; tôi nộp đơn thi vào lớp sĩ quan và được
nhận vào học tại Võ Bị Đà Lạt . Chương trình phỏng theo các trường võ bị
của Pháp song thu ngắn lại với thời gian thụ huấn trong khoảng 9 tháng,
tốt nghiệp với cấp bậc thiếu úy hiện dịch, phục vụ cho Quân Đội Quốc
Gia . Ngôn ngữ trong trường là Pháp Ngữ với các huấn luyện viên đa số là
người Pháp . Tình hình chiến cuộc sôi động và tôi phục vụ tại miền
Trung trong vùng phụ cận của Khe Sanh. Sau một thời gian chinh chiến tại
miền Trung; tôi lên trung úy, được gọi về trường Võ Bị và là huấn luyện
viên của 2 khoá sĩ quan (8 và 10) . Bộ Tổng Tham Mưu ra nghị định đặt
khóa đầu tiên của Võ Bị Liên Quân Đà Lạt là khoá 3 Võ Bị Quốc Gia . Tôi
rất hãnh diện là lớp sĩ quan đầu tiên của Quân Đội Quốc Gia . Mỗi năm
chúng tôi có tụ họp cựu khoá sinh và thân nhân, số người tham dự ngày
một thưa thớt song hội ngộ là một niềm vui cho các cựu quân nhân, các
quả phụ và con cái các vị này .
- năm 1956, thủ tướng Ngô Đình Diệm
trở thành Tổng Thống của Việt Nam Cộng Hoà , Hoa Kỳ trợ giúp VNCH trang
bị và huấn luyện Quân Đội, rất nhiều sĩ quan được gửi đi tu nghiệp, huấn
luyện. Tòa Đại Sứ được thành lập tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn và tôi là tuỳ
viên quân sự. Một trong những phụ tá tùy viên là đại úy Nguyễn Xuân
Vinh (sau này là tư lệnh Không Quân) . Năm 1957, tôi được lên trung tá
và tham dự vào việc chuẩn bị chuyến công du Hoa Kỳ của tổng thống Ngô
Đình Diệm . Tổng Thống Eisenhower đã ra tận phi cơ để đón, diễn hành với
hoa giấy (confetti) tung bay tại Nữu Ước, diễn văn trước Lưỡng Viện
Quốc Hội Hoa Kỳ . Đây là thời gian vô cùng bận rộn vì nhân sự rất ít và
tôi có nhiêm vụ liên lạc với Bộ Quốc Phòng, các quân binh chủng, tuỳ
viên quân sự của các quốc gia khác, thăm viếng các sĩ quan tại các quân
trường Hoa Kỳ . Hầu như mỗi ngày tôi đều có hẹn để nói chuyện với nhân
viên quân sự, ngoại giao tại Army & Navy Club tại DC . Các sĩ quan
khi vãng lai vùng thủ đô thì nhà tôi mời về nhà dùng cơm với các món ăn
của quê hương . Khi sắp xếp được thì giờ thì tôi đi viếng các quân
trường và trung tâm huấn luyện có sĩ quan Việt Nam thụ huấn .
- hồi
hương vào năm 1958, đang phục vụ tại Bộ Quốc Phòng thì tôi được thuyên
chuyển làm tư lệnh Lữ Đoàn vào năm 1960. Được tổ chức là những đại đội
có thể tác chiến độc lập như pháo binh, thiết giáp, phòng không, và đông
nhất là bộ binh , trước đây có tính cách nghi lễ; sau này chúng tôi
huấn luyện lại, cho đi tập trận và tác chiến như những đơn vị tinh nhuệ
khác . Lúc này tại Hoa Kỳ liên danh Kennedy - Johnson thuộc đảng Dân Chủ
thắng cử và sẽ thay thế chính quyền Eisenhower (Cộng Hoà) vào đầu năm
1961 . Năm 1962, 2 phi công của Không Quân ném bomDinh Độc Lập. Tổng
Thống Phủ được dời qua Dinh Gia Long ; một kiến trúc mới được xây dựng
thay thế Dinh Độc Lập cũ .Ngày nào tôi cũng có dịp gặp tổng thống Diệm,
ông là một người có nếp sống đạo đức ; theo truyền thống văn hoá Á Đông,
ông rất tôn trọng "quyền huynh thế phụ" .
- trong cuộc biến động
ngày 1 tháng 11 năm 1963, tôi bị câu lưu tại Bộ Tổng Tham Mưu, sau đó
vài ngày được về nhà và thuyên chuyển đến nhiệm sở mới tại Cao Nguyên .
Trung tướng Dương Văn Minh đối xử lịch sự với tôi .
- sau 11 năm là
trung tá thực thụ, năm 1968 tôi được lên đại tá và tổng thống Nguyễn Văn
Thiệu bổ nhiệm tôi là thị trưởng Đà Nẵng . Đây là thành phố lớn thứ hai
sau Saigon, quân lực Mỹ đã trực tiếp tham chiến với sự đổ bộ của Thủy
Quân Lục Chiến vào năm 1965 tại bãi biển Mỹ Khê . Khi tôi nhậm chức thì
những kinh hoàng về Tết Mậu Thân vẫn còn đậm nét . Lúc đó các chức vụ
quan trọng như tỉnh, thị trưởng thông thường là 2 năm . Công việc rất
khó khăn và tôi tạo được những mối quan hệ tốt đẹp với nhiều vị thị
trưởng tại Đài Loan, Đại Hàn, Tân Gia Ba. Lúc đó Tây Đức (Bundesrepublik
Deutshland)có trợ giúp tàu bệnh viện Helgoland, bỏ neo tại hải cảng Đà
Nẵng . Chúng tôi có thiết lập dự thảo "Đà Nẵng năm 2000", một "master
developing plan" cho tương lai .
- năm 1972, tôi rời chức vụ thị trưởng Đà Nẵng, nhận nhiệm vụ mới là
thành viên quân sự trong uỷ ban thi hành hiệp định Ba Lê với nhiệm sở
tại Saigon và Paris. Đầu năm 1975, Bộ Quốc Phòng cho biết các quân nhân
hiện dịch với 25 năm quân vụ có thể xin giải ngũ, tôi đã nộp đơn xin và
được chấp thuận .
- bây giờ bước vào tuổi 83, không biết con đường
trước mặt còn bao xa trước khi từ giã cõi đời , tôi rời xa Việt Nam vào
ngày 30 tháng 4 và gần 35 năm chưa quay về quê hương, tôi rất hãnh diện
đã phục vụ 25 năm cho đất nước qua cương vị quân nhân . Người xưa có nói
"bại tướng nên im lặng" và tôi chỉ có một ước vọng là tương lai sẽ tuơi
sáng cho mọi người .
Ngồi trên xe nhìn ông đứng thẳng vẫy chào,
hoàng hôn với những tia nắng hiu hắt cuối ngày làm tôi nhớ tôi câu nói
"chiến binh sẽ nhạt nhoà với thời gian, nhưng hình ảnh lưu lại mãi".
Người cha quý kính. Chiều thứ bảy sau khi hoàn tất Khóa Huấn Luyện Sư Phạm thiện nguyện cho Trung Tâm Giáo Dục Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, tôi vừa bước chân vào nhà đã cảm thấy tất cả những mệt mỏi tan biến. Đống chén dĩa lúc sáng đi vội để bừa bộn đã được rửa dọn sạch sẽ và úp ngăn nắp trong rổ. Nhìn ra ngoài thấy vườn tược cây cảnh được cắt tỉa gọn gàng, tôi biết ngay ba mẹ tôi đã đến thăm và đã làm những chuyện ấy. Tôi mường tượng được tiếng mắng yêu của mẹ tôi, "Cái cô này, suốt ngày chỉ biết chạy ngoài đường, làm toàn chuyện vác ngà voi, giống hệt như ba cô thôi!" Tôi đã nghe mẹ tôi nói câu này nhiều lần với tôi nhưng trong giọng trách nhẹ nhàng đó có chứa đựng sự chấp nhận "cha nào con nấy" cũng như sự việc "vác ngà voi". Những lần nghe vậy, tôi và ba tôi nhìn nhau nở một nụ cười "đồng lõa." Đúng như thế, trong gia đình tám anh chị em, có lẽ tôi là người chịu ảnh hưởng của ba tôi nhiều nhất. Mỗi lần có dịp chia sẻ cùng đồng nghiệp về những người "role models" trong cuộc đời chúng tôi, những người có ảnh hưởng nhiều trên sự suy nghĩ và cách sống, tôi không ngần ngại nói ngay rằng đó là ba tôi. Đối với cá nhân tôi, ba tôi phản ảnh một con người khả kính và khả ái.
Tuổi nhỏ tôi lớn lên trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam gia tăng cường độ tàn khóc. Gia đình tôi phải di chuyển liên tục đi nhiều nơi vì ba tôi lệ thuộc quân đội Việt Nam Cộng Hòa, không có sự lựa chọn. Tôi sanh ra ở Saigon, lớn lên ở Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng và cuối cùng gia đình trở về lại Saigon trước khi tản cư ra Phú Quốc và rời xa quê hương từ đó. Cũng có những thời gian ngắn tôi được ở Komtum, Ban Mê Thuột, Huế, và Quảng Trị. Thời gian các chị em tôi ở nội trú nhà dòng Franciscan Đà Lạt là khoảng thời gian tôi không được gặp ba tôi nhiều. Thỉnh thoảng có những cuối tuần ba tôi đi hành quân xa trở về thì chị em tôi được đón về nhà tụ họp với gia đình.
Tôi nhớ lúc ấy điểm học tôi rất thấp, hầu như lúc nào cũng xếp hạng gần hoặc cuối lớp trong khi các chị tôi học rất giỏi. Các lớp do mấy soeurs dạy và khi ba tôi đến đón, bà mẹ bề trên mời ba tôi vào văn phòng nói chuyện. Tôi sợ bị ba mẹ mắng và các anh chị chế diễu là dốt nên buồn và lo lắm. Tối hôm đó, ăn cơm xong ba tôi gọi tôi ra riêng để nói chuyện. Tôi không nhớ ba tôi hỏi tôi những điều gì nhưng tôi không thấy ba tôi tỏ vẻ gì buồn hoặc giận nên hết lo sợ. Sau đó ba tôi còn lấy tờ báo chỉ vào các hàng chữ và bảo tôi đọc xem mắt tôi có kém không.
Sau khi "khảo sát" tôi xong, ba tôi quay qua nói với mẹ tôi và cả nhà, "Không. Con bé này không có vấn đề gì hết!" và cười vui vẻ. Ngày hôm sau khi chở chị em tôi trở về lại trường, ba tôi cũng nói y như thế với bà mẹ bề trên mặc dầu bà vẫn không hài lòng mấy về tôi. Sau này khi nghiên cứu về tâm lý giáo dục, tôi mới ý thức được tác dụng tích cực từ quyết định sáng suốt của ba tôi. Nếu như ba tôi tin vào lời phê bình của các soeurs và mère superieur và cho là trí óc tôi phát triển chậm, kém thông minh, hay "có vấn đề" thì có lẽ tôi cũng sẽ trở thành như thế thật.
Đã có những nghiên cứu chứng minh được điều này và họ gọi đó là "the fulfillment prophecy" hay là "the Pygmylian Effect". Một người thông minh bình thường mà bị đối xử như một kẻ kém thông minh vì những người chung quanh tin lầm là vậy, lâu dần sẽ trở nên như thế. Niềm tin của ba tôi dựa trên sự quan sát, trao đổi với tôi đưa tới suy luận là tôi học dở, nhưng không dốt! Một mặt khác, tôi hãnh diện là ba tôi "bênh" tôi và nhờ vậy, tôi tự tin hơn. Cũng có lẽ chính vì kinh nghiệm bản thân học dở, điểm thấp, suốt năm bị "đội sổ" nên tôi theo ngành giáo dục sư phạm vì tin rằng không có học sinh dốt, chỉ có giáo viên dạy kém mà thôi!
Khoảng thời gian ba tôi làm việc ở Đà Nẵng là lúc tôi nghĩ ba tôi bi lao tâm hao trí nhiều nhất. Chiến tranh Việt Nam lúc ấy đang ở cao độ và Đà Nẵng là nơi quy tụ nhiều thành phần, phe nhóm đối kị nhau. Đó cũng là nơi đổ bộ của lính Hoa Kỳ và do đó phát xuất nhiều tệ đoan xã hội ở mọi tầng lớp. Lúc nào trong thành phố cũng có những nhóm người biểu tình chống đối việc này việc nọ.
Là người chịu trách nhiệm trực tiếp cho cư dân và quân nhân trong địa hạt này, ba tôi làm việc ngày đêm. Lúc nào chung quanh ba tôi cũng có những người bí thư, phụ tá, sẵn sàng đưa thêm công việc, vấn đề cấp bách cần giải quyết hoặc nhắc nhỡ ba tôi tham dự các buổi họp đã được sắp đặt sẵn. Thời gian ba tôi có với gia đình càng ngày càng ít dần. Có những buổi chiều tan học tôi không về nhà mà tìm tới Tòa Thị Chính, nơi ba tôi làm việc để đợi ba tôi cùng về. Có một lần ngồi bên ngoài phòng đợi tôi nghe lõm bõm câu đối thoại bên trong - một người ký giả có vẻ hăm dọa ba tôi nếu không hợp tác sẽ bị bôi nhọ trên báo.
Tôi còn bé không hiểu hết vấn đề nhưng cảm thấy lo lắng cho ba tôi. Tôi không nghe rõ câu trả lời của ba tôi nhưng chỉ thấy người ấy xô cửa ra một cách bực tức thì đoán là ba tôi không làm theo ý họ. Nhìn nét mặt lo âu của tôi, ba tôi cười hiền lành và nói, "Con luôn nhớ - Trên đầu con có Chúa, Ngài biết hết mọi chuyện. Chung quanh con có gia đình và đồng bào, con phải sống giữa mọi người. Trong con có lương tâm, tự con đã biết phải trái rồi." Càng về sau, càng lớn và càng phải đụng chạm nhiều, nhất là trong thời gian tranh cử vào Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove năm 2004, tôi càng cảm sự thâm thúy của lời ba tôi dạy lúc ấy.
Gia đình tôi lúc ở Đà Nẵng thuộc thành phần "có tiếng nhưng không có miếng." Ba tôi tận dụng phương tiện truyền thông truyền hình để thông tin chính xác cho dân chúng tất cả những dự án và diễn tiến công việc ông đang làm nên được nhiều người biết đến, kính trọng và hỗ trợ. Theo truyền thống "làm ăn" của người Á Đông, vấn đề quà cáp lúc nào cũng đầy đủ. Chiếc bàn dài tiếp khách nhà trên mỗi dịp lễ Giáng Sinh cuối năm, đựng đầy mấy chục ổ bánh buches và mỗi dịp tết đầu năm bao nhiêu khay bánh mứt hạng nhất thành phố. Tất cả những bánh trái ấy điều được mẹ tôi đem đi phân phát cho các nhà dòng và cô nhi viện theo chỉ thị của ba tôi. Ngay cả những vé ciné hoặc vé cho các buổi đại nhạc hội được gửi tới tận nhà mỗi cuối tuần chúng tôi cũng không được đụng đến. Để sống đủ trong phạm vi mức lương của ba tôi, me tôi phải mua từng cuộn vải bán sỉ cho rẻ về may áo quần cho chị em chúng tôi. Có những cuộn vải rất đẹp, tuy nhiên khi cả năm chị em chúng tôi mặc như nhau thì không khác gì trẻ mồ côi! Các chị lớn tôi xấu hổ, than phiền cho lắm cũng chẳng đến đâu vì mẹ tôi không làm khác được!
Theo truyền thống Việt Nam thì "một kẻ làm quan cả họ được nhờ" nhưng có lẽ điều ấy cũng không được áp dụng trong dòng họ tôi vì ba tôi theo đúng nguyên tắc các luật lệ và thủ tục hành chánh phải được thi hành như nhau cho tất cả mọi người không phân biệt người thân hay người lạ. Trong thời gian làm việc ở Đà Nẵng, có một lần ba tôi bị kiệt sức - lúc ấy có chiếc tàu Hellgoland, một trung tâm y tế của Đức đang đậu ở hải cảng Bạch Đằng Giang - mẹ tôi lấy lý do tôi cần mổ thịt dư trong cổ nên đưa tôi lên ấy và bảo ba tôi nhân tiện lên nghỉ dưỡng sức và trông nom tôi. Tôi chẳng lo ngại về việc phải bị mổ, chỉ vui vì được lên ở trên một chiếc tàu to lớn đầy đủ tiện nghi và bên cạnh có ba. Ban ngày tàu là một trung tâm y tế, chẩn bịnh và chữa bịnh cho dân chúng lên xuống. Mỗi chiều, chiếc tàu là một bệnh viện nổi, chạy ra khơi để tránh bị pháo kích, chỉ có những bệnh nhân đang điều trị mới ở lại trên tàu. Tôi nhớ những buổi chiều đứng trên boong tàu nhìn ráng chiều chiếu xuống mặt nước lấp lánh như vàng lỏng, nhìn bầu trời nhiều vệt mây tím, đỏ, cam, lòng tôi xao xuyến nhớ nhà. Nhìn qua nét mặt đăm chiêu của ba tôi, tôi bắt đầu cảm nhận lòng yêu quê hương, đồng bào và thân phận một đất nước giữa thời chiến.
Trong những năm cuối cùng ở Đà Nẵng, có những lần ba tôi phải bất chợt lên xe đi băng qua đèo Hải Vân để đến những thành phố lân cận vì một vấn đề cần thiết, tôi đã được đi theo. Những lần như thế, tôi ngồi yên, không làm phiền ba tôi khi ông phải bàn chuyện với ông phụ tá. Tuy nhiên, tôi biết ba tôi vui vì có tôi đi cùng. Lần đầu tiên lên tới đỉnh đèo, ba tôi cho xe ngừng lại và chỉ cho tôi coi cảnh đồi núi. Lúc ấy, mấy câu thơ tả cảnh Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quang sống dậy trong lòng tôi. Tôi xúc động gần rớt nước mắt khi thấy tận mắt,
"Cỏ cây chen lá, đá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mấy nhà."
Và một lần nữa, cảm xúc liên kết với quê hương đất nước được khơi dậy khi tôi lẩm nhẩm mấy câu cuối của bài thơ tuyệt diệu của bà Huyện Thanh Quang. Sau này khi làm mẹ, tôi ý thức được mãnh lực của cảnh vật và ích lợi của sự du lịch nên đã không ngần ngại cho con tôi nghỉ học đi theo tôi những lúc tôi đi làm tại các nơi xa nhà.
Ba năm cuối cùng trước khi rời Việt Nam, gia đình chúng tôi trở về lại Saigon. Gia đình chúng tôi được tụ họp, sống chung dưới một mái nhà. Tuy nhiên đó là thời gian Saigon bị pháo kích liên miên. Có những đêm khuya đang ngon giấc, tiếng còi hụ báo động vang lên, chúng tôi lồm cồm ngồi dậy, quơ chân xỏ dẹp, mắt nhắm mắt mở đi xuống hầm trú ẩn được đào sau nhà.
Bình thường chúng tôi chỉ ngồi trong hầm chừng một tiếng đồng hồ là quá và được trở về giường êm nệm ấm. Cũng có khi những tiếng nỗ vang rền và rõ mồn một như sát bên cạnh. Lúc đó chúng tôi co rúm người lại và tim đập thình thịch trong lòng ngực và nỗi sợ hãi bao trùm không khí ngột ngạt trong chu vi căn hầm nhỏ bé. Giữa lúc ấy, giọng nói bình tĩnh trầm ấm của ba tôi vang lên, "Chẳng có gì mà phải sợ cả! Có Chúa quan phòng rồi. Mà gia đình chúng ta thật quá là may mắn có được một nơi trú ẩn an toàn như thế này. Hạnh phúc hơn nữa là cả gia đình mình đang cùng nhau ở cùng một nơi, không lạc mất ai cả. Các con nhớ nhé - gia đình mình được Chúa thương một cách đặc biệt lắm đấy. Qua bao nhiêu biến cố mà giờ đạy ba còn sống đây với các con." Lúc ấy mọi sự chung quanh tôi như rung lên với sức sống. Tất cả các giác quan tôi mở rộng và thu nhận tất cả những gì đang xảy ra.
Sau này những khi gặp lúc nguy khốn, tôi "sống" lại giây phút đó, tôi cảm tưởng như đang ở trong căn hầm chật hẹp nhưng ấm cúng vì chung quanh tôi là những người yêu thương tôi. Tôi có cảm giác được che chở bao bọc một cách đặc biệt vì bao nhiêu bom đạn bay chung quanh mà không có một vật gì rớt xuống nơi chúng tôi đang trú ẩn. "Sống" lại được giây phút ấy cho tôi sức mạnh vượt qua những khó khăn đang gặp phải.
Lúc vào Saigon, gia đình chúng tôi đông người và bận rộn nhiều công việc nên trong nhà có nhiều người giúp việc. Chúng tôi cũng bắt đầu lớn và lên trung học nên mẹ tôi cho học nấu ăn, thêu thùa, may cắt ngoài chuyện học nhạc học đàn.
Một tháng hai lần vào dịp cuối tuần, ba tôi bảo mẹ tôi cho người làm nghỉ việc đi chơi hết. Mấy chị em chúng tôi phải tự phân chia công việc, giặt áo quần, lau nhà, đi chợ, nấu ăn, rửa chén bát, dọn dẹp…Chúng tôi ngấm ngầm phản đối và than thân trách phận vì chúng tôi chưa thấy gia đình nào trong đám bạn bè chúng tôi mà có lối "hành hạ" con cái như gia đình mình. Mấy chị người làm tội nghiệp chúng tôi nên trước khi họ xách ví đi phố cuối tuần, họ cũng làm mọi chuyện ngăn nắp sạch sẽ để công việc chúng tôi được nhẹ bớt.
Từ đó chúng tôi càng ý thức hơn vai trò tương trợ giữa những người giúp việc với bản thân chúng tôi nên càng lễ phép và ngoan ngoãn với các chị ấy hơn. Bài học này có lẽ giúp chúng tôi nhiều nhất khi cả gia đình phút chốc trở thành những người tị nạn lưu lạc đất khách quê người. Chúng tôi tự lo liệu được các công tác nội trợ trong gia đình. Các chị em chúng tôi không cảm thấy quá tủi hổ khi trở thành những người đi làm công, đi giúp việc, đi "babysit" và đi "clean" nhà cho các gia đình bản xứ mỗi cuối tuần để phụ thêm vào ngân khoản gia đình.
Cũng có những lúc chúng tôi chán nản vì đời sống quá khó khăn, những trở ngại vì ngôn ngữ bất đồng và những động chạm vì khác biệt văn hóa trong thời gian đầu của tiến trình hội nhập. Những lúc ấy, ba tôi nói, "Các con hãy nhìn xuống, đừng nhìn lên!" Thoạt nghe, câu nay tương phản với lối giáo dục Âu Mỹ - luôn luôn khuyến khích con người phải nhìn lên, tiến tới, với cao hơn. .. Nhưng ba tôi nhắc nhở chúng tôi nghĩ đến những bạn bè cùng lứa tuổi giờ đấy tại quê nhà đang gặp hoạn nạn, không được đi học, bị đẩy ra khỏi nhà, phải đi làm ruộng, làm rẫy ở những vùng đất đá khô cằn; cha đi tù, mẹ phải lặn lội đi tìm, đi thăm nuôi cha v..v... Khi "nhìn xuống" như thế thì chúng tôi tự nhiên cảm thấy chúng tôi quá đỗi may mắn và hạnh phúc.
Những yêu thương dạy dỗ của ba tôi đã là hành trang cho chúng tôi trong suốt quãng đường đời vừa qua. Tôi vẫn hằng mong ước có thể truyền trao cho con tôi và các thế hệ sau những giá trị tinh thần tôi nhận được từ ba tôi và gia đình tôi. Trước hết, tôi mong các con tôi luôn ý thức những hạnh phúc chúng đang có. Và khi ý thức được thì tiếp theo với sự biết thể hiện lòng biết ơn. Tất cả những điều lành điều tốt chúng ta đang có không phải tự dưng một mình làm nên mà do Ơn Trên và sự giúp đỡ của những kẻ khác. Chính lòng biết ơn này sẽ tạo động lực cho chúng ta biết đóng góp lại để giúp những người khác theo khả năng của chúng ta. Các việc "vác ngà voi" gần như một truyền thống gia đình của chúng tôi. Các chị em chúng tôi hầu như ai cũng có vài cái ngà để vác khi bổn phận gia đình bắt đầu nhẹ gánh. Khi nghĩ lại vai trò và khả năng làm cha làm mẹ con cái trong xã hội hôm nay, tôi cảm thấy yếu kém và thua xa ba mẹ tôi lúc trước. Tôi không hiểu tại sao trong một hoàn cảnh đất nước điêu linh, loạn lạc thế kia mà ba mẹ tôi hoàn tất được sự nuôi dưỡng và giáo dục cho tất cả tám anh chị em tôi. Một người bạn chúng tôi nói, sự báo hiếu cha mẹ thiết thức nhất là dạy con cái của chính mình nên người theo những đường lối và truyền thống mà bản thân mình đã nhận được từ cha mẹ. Tôi mong có ngày chúng tôi làm được chuyện này.
Chúc Mừng Ngày Lễ Thân Phụ, Ba.
Nguyễn Lâm Kim Oanh
Chính Biến 1/11/1963
Sau đảo chính Thi Đông 11.11.1960 thất bại. Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ chính thức làm Tham mưu trưởng (TMT) Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống (LĐ), Thiếu tá Phạm Văn Hưởng tiếp tục giữ chức Tham mưu phó (TMP) và Thiếu tá Huỳnh Văn Lạc, cựu sĩ quan tùy viên (1954-55) từ trường Võ bị Đà Lạt về, làm Đại đội trưởng Cận vệ thay Đại úy Hoàng Đình Tư nằm bệnh viện. Sau ngày hai sĩ quan Không quân ném bom Dinh Độc Lập, các tổ phòng không được tổ chức chu đáo hơn. Ngoài Đại đội Công vụ, Ban Quân nhạc, Đại đội Truyền tin, Quân y và Đại đội Cận vệ biệt lập, Lữ đoàn còn có 6 Đại đội Bộ binh, chia làm 2 Tiểu đoàn: A và B.
Lữ đoàn lập ra 2 Chiến đoàn: Chiến đoàn I do tôi (Thiếu tá Phạm Văn Hưởng) chỉ huy, có nhiệm vụ phòng thủ Dinh Gia Long, gồm Tiểu đoàn A với 3 Đại đội Bộ binh và ½ đơn vị Thiết giáp Lữ đoàn. Bô Chỉ huy Chiến đoàn đặt trong nhà lều, cạnh gốc cây đa trước cửa chính Dinh Gia Long. Chiến đoàn II, gồm Tiểu đoàn B với 3 Đại đội Bộ binh, ½ thiết giáp còn lại và Đại đội Công vụ, có nhiệm vụ phòng thủ Thành Cộng Hòa và ứng chiến tổng quát, do Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ, Tham Mưu Trưởng, làm Chiến đoàn trưởng. Tư lệnh Lữ đoàn là Trung tá N. N. K., chỉ huy tổng quát, đóng tại Thành Cộng Hòa. Trong những ngày tháng 10/1963, dân chúng chuyền tai nhau sắp có đảo chánh… Quân nhân Lữ đoàn cấm trại 100% về đêm. Trưa và chiều 50% chia nhau về ăm cơm. Những hàng rào thép gai và ngựa sắt bao rộng vây quanh Dinh, chỉ mở một lối nhỏ cho dân chúng đi lại.
(...)
Diễn tiến:
Ngày 01.11.1963, Lễ Các Thánh, nghỉ buổi sáng. Độ 1 giờ trưa, nghe thấy tiếng súng liên thanh lẫn súng trường nổ chát chúa phía sân vận động Hoa Lư, trước cửa nhà tôi số 17, đường Hồng Thập Tự. Tôi vội chạy sang Thiếu tá Duệ buồng bên cạnh để bàn luận. Thiếu tá Duệ nói: ‘Anh gấp lên Dinh, có gì tôi báo anh ngay’. Tôi bảo nhà tôi: ‘Chắc không sao. Anh phải lên Dinh gấp’. Dân chúng quanh Dinh nhớn nhác. Các tiệm bắt đầu đóng cửa. Tôi cho lệnh quân nhân Chiến đoàn vào vị trí chiến đấu và khép kín những cổng nhỏ đã mở cho dân chúng đi lại. Vừa tới văn phòng đã nghe tiếng Tham Mưu Trưỏng: ‘Anh Hưởng, tôi đã cho Thiết giáp Lữ đoàn dồn hết Thủy quân lục chiến vào Sân Hoa Lư rồi. Chung quanh Thành Cộng Hòa yên tĩnh. Tình hình Dinh thế nào?’. ‘Thưa anh, Dinh cũng yên. Tổng thống và ông cố vấn đang ngồi ở tầng dưới, có đầy đủ sĩ quan tùy viên và hầu cận’. ‘Anh yên tâm, tôi đã cho Đại úy Phạm Minh Xuân đem Thiết giáp ra chận Cầu Phan Thanh Giản, thế nào Sư đoàn 5 cũng vào lối đó’. Thiếu tá Duệ điện thoại tới TMT Biệt khu Thủ đô, rồi TMT Quân đoàn III để biết rõ tình hình. Tất cả đều trả lời không biết gì rõ rệt.
Ít phút sau, Đài phát thanh đường Phan Đình Phùng trổi nhạc hùng rồi tuyên bố: ‘Quân đội đứng lên làm cách mạng lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm độc tài và gia đình trị’. Danh sách các tướng lãnh và sĩ quan cao cấp chỉ huy trưởng các cơ quan được xướng lên. Khởi đầu là Trung tướng Dương Văn Minh, kế đến là các tướng lãnh khác. Lữ đoàn rất đau lòng khi nghe xướng tên Trung tá N. N. K, Tư lệnh Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống và là cán bộ lãnh đạo đảng bộ Cần Lao, có tên trong danh sách tham dự lật đổ Tổng thống. Trong khi nghe đọc danh sách, Đại úy Tôn Thất Đình (anh Tướng Đính) gọi nói với Thiếu tá Duệ: ‘Tướng Đính hứa nếu Lữ đoàn đầu hàng, các sĩ quan Lữ đoàn được thăng một cấp’. Nghe tới đó, Thiếu tá Duệ đập bàn la to: ‘Tướng Đính làm loạn hả?’, rồi bỏ máy. Nhiều sĩ quan Phòng 3 nghe và kể lại như thế.
(...)
Sau một tuần bị giam, hai chúng tôi được tự do. Vui mừng vì được thả, nhưng khi về Lữ đoàn lại gặp cảnh đau lòng: Trung tá N. N. K., tiếp tục chỉ huy, đã bắt Đại úy Lâm Văn Thuận, Trưởng phòng tài chánh mua 6 bó bông to đẹp đi mừng 6 tướng đã thành công giết Tổng thống. Đó là 6 tướng: Minh (Cồ), Kim , Đôn, Khiêm, Xuân và Đính. Ngoài ra, ông còn họp Bộ Tham Mưu Liên đoàn trách chúng tôi: ‘Các anh chiến đấu mà không nghiên cứu tương quan lực lượng, một lữ đoàn mà dám chống lại cả Quân đội Thủy, Lục, Không quân’.
Sợ nguy hại cho bản thân mình, ông đã quên nhiệm vụ của Lữ đoàn mà ông đảm nhận là bảo vệ Tổng thống và gia đình Người. Ông đã quên lời ông thề hứa với Tổng thống, mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán, khi đem các sĩ quan TMT và TMP lên chúc thọ Người. Có một số sĩ quan cao cấp đã không theo đảo chính. Một số bị sát hại, như Đại tá Hồ Tấn Quyền, Tư lệnh Hải quân; Đại tá Lê Quang Tung, Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt và em ông là Thiếu tá Lê Quang Triệu, TMT. Riêng hai vị Thiếu tướng Nguyễn Văn Là, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, bạn Tướng Minh và Đại tá Cao Văn Viên, Tư lệnh Nhảy dù, bạn Tướng Khiêm chỉ bị canh giữ, rồi tha. Nhiều người nói: đảo chính không dám hại ông Viên, sợ Nhảy dù ra quân chống đảo chính nếu ông Viên bị hại.
Đầu Tháng 01 năm 1964, Trung tá Đầy về làm Tư lệnh thay Trung tá N.N. K. Trung tá K. được điều về Phủ Tổng thống. Sau đó, đi làm Thị trưởng Đà Nẵng. Còn các sĩ quan cao cấp Lữ đoàn, đàn em ông, bị thuyên chuyển đi các vùng chiến thuật I và II: Thiếu tá Duệ bị giam thêm hai tuần tại Nha An ninh Quân đội, rồi đi vùng I. Thiếu tá Hưởng đi Ban Mê Thuột, Vùng II. Thiếu tá Lạc xuống Cần Thơ, Vùng 4 và Bác sĩ Anh đi Pleiku, Vùng II… Lúc mà tôi (Thiếu tá Hưởng) nhận lệnh thuyên chuyển, Trung tướng Khiêm, Tổng Tham Mưu trưởng Quân đội đang đi công du ngoại quốc, Trung tướng Đôn tạm thay. Tướng Đôn ký cho tôi đi Sư đoàn 23 ở Ban Mê Thuột và ghi: “Đương sự 8 năm ở Sài Gòn làm văn phòng, Sư đoàn cho đi đơn vị tác chiến”.
Đại Tá Phạm Văn Hưởng
No comments:
Post a Comment