Sinh hoạt độc lập, chính thức thành lập năm 1982 tại Costa Mesa California Hoa Kỳ. Strategic Technical Directorate (STD) Commando Family Founded 1982 in Costa Mesa, California U.S.A. A Nonprofit Association for members only.
Danh Xưng của Hội Nha Kỹ Thuật California cũng là Nhóm Chiến Sĩ Vô Danh / QLVNCH - The Unknown Soldiers of The Republic of Vietnam.
Trường Sơn Ơi Cánh Dù Ma Đã Khuất,
Rừng Nhớ Người Lôi Hổ Nhớ Non Cao
Wednesday, July 3, 2019
Nha Kỹ Thuật đại hội lần thứ 16 ‘Nhớ Rừng’ Lâm Hoài Thạch/Người Việt July 2, 2019
Nghi thức khai mạc Đại Hội Nha Kỹ Thuật lần thứ 16. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
ANAHEIM, California (NV) – “Nhớ Rừng” là chủ đề của
Đại Hội Nha Kỹ Thuật lần thứ 16, do Hội Ái Hữu Nha Kỹ Thuật Nam
California tổ chức vào chiều Chủ Nhật, 23 Tháng Sáu, tại nhà hàng Mon
Amour Banquet, Anaheim, với sự tham dự đông đảo của quan khách, các
chiến hữu bạn và hàng trăm chiến sĩ còn sống sót trong những công tác
Nhảy Bắc, Biên Giới Việt Miên Lào trong cuộc chiến tại miền Nam Việt
Nam. Nha Kỹ Thuật có năm sở chính, đó là Sở Tâm Lý Chiến, Sở Phòng Vệ
Duyên Hải, Sở Không Yểm, Sở Công Tác, Sở Liên Lạc, và Trung Tâm Huấn
Luyện “Quyết Thắng” ở Long Thành.
Nha Kỹ Thuật là danh xưng của một đơn vị thuộc Bộ Tổng Tham Mưu
QLVNCH, những người chiến sĩ được mệnh danh là những người lính gan dạ,
quả cảm nhất vì họ là những người chấp nhận nguy hiểm, tình nguyện nhảy
vào giữa lòng đất địch (miền Bắc Việt Nam) và họ biết ra đi không hẹn
ngày trở về, nhưng vẫn hăng hái lên đường. Các toán công tác của Nha Kỹ Thuật còn có tên Biệt Kích Lôi Hổ chuyên
hoạt động về tình báo. Nhiệm vụ của các chiến sĩ anh hùng vô danh này
là nhận lệnh của cấp chỉ huy xâm nhập, hoạt động trong lòng địch để phá
hoại, khám phá những mật khu của Cộng Sản, giải cứu tù binh bạn và bắt
tù binh địch… Vì những hoạt động âm thầm như vậy, nên còn có danh xưng
là “Bóng Ma Biên Giới.” Ngoài ra, còn có sự yểm trợ của Phi Đoàn 291
(King Bee) có nhiệm vụ đưa những “Bóng Ma Biên Giới” này nhảy xuống lòng
địch. Lễ Truy Điệu những “Bóng Ma Biên Giới.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)Lễ Truy Điệu Anh Linh Tử Sĩ Nha Kỹ Thuật được tổ chức trang trọng,
như kêu gọi hồn thiêng sông núi; các anh hùng tử sĩ Biệt Kích Lôi Hổ,
Bóng Ma Biên Giới về nhập cuộc. Những linh hồn vị quốc vong thân là
những người thân yêu của các đồng đội còn sống sót đã từng sát cánh bên
các anh trong những ngày băng rừng, vượt suối, lên dốc, xuống vực sâu,
giữa bạt ngàn núi non trùng điệp để xâm nhập vào vùng đất địch, làm sứ
mạng diệt giặc cứu quê hương, mong đem lại hạnh phục ấm no, an vui cho
dân tộc. Nhưng mà, sứ mạng chưa tròn thì các anh đã mất dạng bặt tăm, thân xác
các anh không còn. Bóng hình các anh mất biệt từ mấy mươi năm xa vắng,
mấy mươi năm xác mất hồn tan. Các anh chết, mà không có được mồ yên mả
đẹp, thân xác các anh để cho cát đá dập vùi, lá cây cành rừng lấp phủ.
Và, bao anh linh cứ phảng phát nổi trôi. Từ trái, các chiến hữu Chung Tử Ngọc, Ngô Đặng Tuyên và Phạm Hòa. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)Chiến hữu Chung Tử Ngọc, trưởng ban tổ chức, đọc diễn văn khai mạc:
“Chúng ta đang được sống trong một đất nước tự do, nhưng lúc nào cũng
nhớ đến những anh em đã một thời từng chiến đấu bên nhau đang ở khắp nơi
trên thế giới, nhất là ở Việt Nam, và chúng ta cũng nhớ đến một thời
vào sinh ra tử. Vì vậy năm nay, với chủ đề ‘Nhớ Rừng’ là để mọi người
nhớ lại chuyện xưa, kể cho nhau nghe những kỷ niệm không bao giờ quên,
không bao giờ hết dù tuổi tác và sức khỏe đã mòn theo thời gian. Chúng
ta không còn nhiều cơ hội để gặp nhau nữa, cho nên, các anh em Nha Kỹ
Thuật luôn mong mỏi gặp lại quý niên trưởng và các chiến hữu trong tình
yêu thương như ngày xưa trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, nếu chúng
ta có cơ hội gặp nhau.” Chiến hữu Nguyễn Bác Ái, cựu tổng hội trưởng Hội Nha Kỹ Thuật, và
chiến hữu Nguyễn Phan Tựu, cựu chỉ huy trưởng Đoàn Công Tác 72, cũng có
lời chào mừng quan khách, các chiến hữu bạn, các chiến hữu đồng môn cùng
gia đình đến dự. Chiến hữu Nguyễn Quốc Anh Tuấn từ Pittsburgh, Pennsylvania về, thuộc
Sở Công Tác Đoàn 11 đóng quân tại Đà Nẵng, nói: “Nhiệm vụ của toán chúng
tôi là chuyên nhảy xuống lòng địch. Khi đến điểm công tác, nếu địch
không phát hiện thì mình là chủ động, còn nếu bị địch phát hiện thì xem
như 80% là mình bị địch bắn chết vì chúng quá đông.” Nhà văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị (trái) và nhà thơ lính Trạch Gầm. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)Chiến hữu Ngô Đặng Tuyên, Chiến Đoàn 3 Sở Liên Lạc, đầu quân về đơn vị vào cuối năm 1969 thuộc toán MACV-SOG. Ông kể: “Trong giai đoạn đầu thì Sở Liên Lạc được sự yểm trợ của quân
đội Hoa Kỳ nhiều, nên thường có những toán Nhảy Bắc hoặc nhảy xuống
những vùng phi quân sự, dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh ở vùng Tam Biên
và Trường Sơn, thuộc vùng ngoại biên. Sau này, khi Mỹ cắt bớt yểm trợ,
chúng tôi không còn đủ khả năng để đi những chuyến công tác sâu vào lòng
địch khoảng 100-150 cây số nữa. Cho nên địa bàn hoạt động của chúng tôi
được thu gọn lại, và đại đa số các chuyến công tác chỉ tại trong nội
địa gần ngoài biên giới nhiều hơn là đi sâu vào lòng địch. Khi đất nước
chiến tranh thì chúng tôi không đặt nặng nhiều về lý tưởng mà chỉ biết
làm tròn trách nhiệm của mình đối với dân tộc và tổ quốc. Vì thế, chúng
tôi phải chấp nhận sự hy sinh khi thi hành nhiệm vụ của mình.” Chiến hữu Phạm Hòa, cựu trưởng toán 723 của Đoàn Công Tác 72, cho
biết toán này đã từng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trong ngày 30
Tháng Ba, 1975, tại đèo Hải Vân. Chiến hữu Trần Trung Ginh (trái) và Nguyễn Phan Tựu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)“Mặc dù cuộc chiến đã qua hơn 44 năm, nhưng những chiến hữu của Nha
Kỹ Thuật vẫn còn sinh hoạt rất đều đặn, đó là nhờ cái ‘chất keo’ mà anh
em đã từng gắn bó từ trong rừng sâu, nước độc. Trong cuộc chiến Việt
Nam, đơn vị Nha Kỹ Thuật là toán hoạt động trong lòng địch, mỗi toán
nhiều nhất là sáu người. Nói về tính chất đơn độc trong những chuyến
công tác thì những điểm chúng tôi nhảy xuống thường xa hơn vòng đai yểm
trợ của Pháo Binh, xa tất cả mọi phương tiện yểm trợ của Quân Lực VNCH.
Chính vì sự hoạt động rất riêng rẻ đó, nên chúng tôi phải đùm bọc với
nhau, mà anh em thường gọi là ‘chất keo’ gắn bó cho đến ngày hôm nay,”
ông Hòa tâm tình. Kế bên là chiến hữu Nguyễn Tấn Quang, cũng thuộc toán 723 của Đoàn
Công Tác 72, từ Việt Nam sang tham dự đại hội lần đầu tiên, bày tỏ: “Tôi
rất xúc động khi thấy tình cảm của anh em chiến hữu vẫn còn có ‘chất
keo’ như ngày nào. Ngày xưa, chúng tôi đã từng sống với nhau như anh em
ruột thịt trong như lúc gian khổ, trong những nguy hiểm giữa sự sống và
cái chết rất gần. Nhưng sau hơn 44 năm xa cách mà các anh vẫn còn yêu
thương nhau như thế nầy thì không gì quý bằng.” Chiến hữu Nguyễn Phan Tựu, trưởng Đoàn Công Tác 72, tâm tình: “Đối
với tôi, chỉ tiếc là sự kết thúc cuộc chiến quá thê thảm cho anh em quân
nhân của chúng tôi, những người có thể nói là bị thiệt thòi nhất, như
lời của Thượng Nghị Sĩ John McCain đã nói: ‘Người bất lương đã thắng kẻ
lương thiện.’” Các chiến hữu Mũ Đỏ đến dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)Ông kể: “Khi Cộng Sản bắt đầu chiếm miền Nam thì đoàn chúng tôi bị
kẹt lại tại Đà Nẵng, cũng nhờ ơn phước như thế nào mà chúng tôi đã thoát
khỏi Đà Nẵng và tôi đã đưa cả đơn vị của chúng tôi vào Sài Gòn. Sau đó,
Biệt Khu Thủ Đô đã cho chúng tôi đóng quân tại Kho 18 Khánh Hội để
phòng thủ Biệt Khu Thủ Đô về phía Nhà Bè. Khi đóng quân tại đây thì đơn
vị chúng tôi vẫn tiếp tục hành quân để lấy tin tức cung cấp cho Quân
Đoàn III. Đến ngày 29 Tháng Tư, 1975, cộng quân pháo dữ dội vào Biệt Khu
Thủ Đô, nên các phái đoàn của cuối cùng Hoa Kỳ phải di tản. Sau đó,
Cộng Sản đã tung ra ba sư đoàn để bao vây thành phố Sài Gòn. Vì thấy
tình hình không còn cố thủ Sài Gòn được nữa, nên chúng tôi cũng xuống
tàu Quân Vận của Hải Quân để ra đi.” Chiến hữu Không Quân Trần Ngọc Hạnh, phi đoàn phó Phi Đoàn 219, kể:
“Tôi là người xuất thân từ Biệt Đoàn 83. Sau đó về Phi Đoàn 219 là phi
đoàn độc nhất của Không Quân VNCH được trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. Công
tác của chúng tôi là chuyên thả toán Biệt Kích Lôi Hổ, Lực Lượng Đặc
Biệt xuống lòng địch, có khi chúng tôi cũng đi lấy những tin tức tài
liệu của địch trên đường mòn Hồ Chí Minh. Tôi đã trong đơn vị này đến
giờ phút cuối cùng.” Phần trình diễn của ban văn nghệ Cảnh Sát Quốc Gia. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)Chiến hữu Không Quân Trường Sơn Lê Xuân Nhị, từ New Orleans,
Louisiana về, còn là nhà văn nổi tiếng về tác phẩm “Xếp Al Capone” và
nhiều sách viết về những cuộc đời lính chiến của VNCH, tâm tình: “Ngày
xưa tôi bay cho Nha Kỹ Thuật gồm hai chuyến công tác, đó là thả toán và
rước toán về. Tôi đã từng cất cánh mà không có phép của cấp chỉ huy để
cứu những chiến hữu Lôi Hổ, và khi về đến hậu cứ thì bị cấp trên ‘nhốt’
về tội kỹ luật, cho nên tình nghĩa chiến hữu giữa tôi và anh em nhảy
toán rất sâu đậm. Vì thế, tôi phải có mặt trong đêm nay.” Trong số quan khách đến dự, Nghị Viên Garden Grove Bùi Phát, chủ tịch
Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California, cũng có lời chia sẻ:
“Chúng tôi muốn bày tỏ lòng cảm phục và biết ơn sâu xa đối với các chiến
sĩ của Nha Kỹ Thuật cũng như các chiến sĩ Quân Lực VNCH. Các anh đã
chiến đấu rất anh dũng. Là một hậu duệ của Biệt Động Quân Vì Dân Quyết
Tiến, các chiến sĩ trong Quân Lực VNCH đối với chúng tôi bao giờ cũng là
hình ảnh hào hùng bất khuất. Chúng tôi luôn hãnh diện là được làm hậu
duệ của các anh.” Một chương trình văn nghệ đặc biệt với sự hiện diện của các ca sĩ
Phương Hồng Quế, Trang Thanh Lan, Thế Sơn, Chung Tử Lưu, ban văn nghệ
Nha Kỹ Thuật cùng các ban văn nghệ của chiến hữu bạn đóng góp. (Lâm Hoài Thạch)
No comments:
Post a Comment